Về miền Tây trẩy hội Lồng Tồng

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/1/2017 | 9:39:29 AM

YBĐT - Trong không khí của xuân mới, người già, người trẻ, làng trên, bản dưới xã Sơn A, Văn Chấn lại cùng nô nức kéo về tham dự Lễ hội Lồng Tồng. Cả một không gian náo nhiệt hòa cùng âm vang của tiếng chiêng, nhịp trống. Các chàng trai, cô gái Thái e ấp trong điệu múa cổ truyền. Lũ trẻ thì hò hét cổ vũ, thi thoảng lại cười giòn tan trong nắng xuân.

Người dân náo nức mang lễ vật đến Lễ hội Lồng Tồng.
Người dân náo nức mang lễ vật đến Lễ hội Lồng Tồng.

Thực hiện phần lễ, bên thửa ruộng rộng ven dòng suối Thia huyền thoại, người dân Sơn A đang chung tay đưa mâm cỗ chính “Pan cộ”, mâm ngũ quả “Pan lệ”, mâm “Còn vòng”, hai mâm “Pan tạo cắp A Nha” của tạo thổ, tạo phìa và những mâm lễ vật của thôn bản đến khu vực tế lễ.

Thầy cúng Sa Đình Trưởng là người đại diện cho dân làng gửi lời thành kính, biết ơn và nguyện cầu tới các bậc linh thiêng vừa kiểm tra các mâm cỗ vừa nói như muốn truyền dạy lại cho mọi người: “Mâm “Pan cộ” phải có một con lợn, 3 bát hương, hai đĩa xôi, 15 chiếc chén, 12 đôi đũa; một mâm nhỏ gồm một cuộn vải Thái, ba đĩa lá trầu không, vòng cổ, vòng tay. Mâm “Pan lệ” có một nải chuối, một chiếc bánh trưng, hoa quả, bánh kẹo là được rồi.

Mâm “Còn vòng” phải có một con gà luộc, 5 đôi chén đũa, chai nước lã, bát nước, bát gạo, chai rượu trắng. Còn hai mâm cỗ giống nhau mỗi mâm phải có một con gà luộc, gọi là “Pan tạo cắp A Nha” - mâm của tạo thổ và tạo phìa, là người đứng đầu trong một vùng. Tất cả phải được sắp xếp từ cao xuống thấp cho phù hợp với sự kính trọng của nhân dân đối với người có địa vị, thể hiện tính trật tự trong xã hội. Các mâm của làng bản cúng lễ thì tùy vào sản vật địa phương”.

Kiểm tra xong các mâm cỗ, việc tế lễ bắt đầu. Các mâm cỗ được xếp thứ tự dọc theo hai bên mâm “Pan cộ” thành hàng. Đồ dùng cúng vật là sản vật của bà con sau một năm sản xuất. Thầy cúng cùng đại diện chính quyền xã đứng lễ tại mâm chính, các bậc cao niên thôn bản ngồi trước mâm cỗ của mình cùng cầu nguyện: “Cầu cho dân bản bình an, con cháu có sức khỏe, đi làm ăn xa thuận lợi, cầu cho mưa thuận - gió hòa, mùa màng tốt tươi, con cháu học hành tiến bộ”.

Tiếng nguyện cầu của mỗi người dù rất nhỏ nhẹ nhưng cộng hưởng vào nhau cứ rì rầm lan tỏa khắp cánh đồng… Khi thầy cúng xin “âm - dương” cũng là lúc việc tế lễ của dân bản đã được hoàn thành. Lễ vật được đem chia đều cho mọi người trong thôn bản, tượng trưng cho phát lộc may mắn đầu xuân.

Nghi lễ kết thúc, từ bên dòng suối Thia vang nhịp trống hội dồn dập của hội thi đua mảng. Mỗi mảng đại diện cho một thôn gồm hai chàng trai khỏe mạnh, chân họ bám chắc trên mảng, lưng vặn liên hồi theo phía mái chèo, nước tung bọt trắng xóa. Họ cùng hò hét theo nhịp trống làm khuấy động cả một vùng, sức vóc trai trẻ gợi lại hình ảnh các bậc tiền nhân lập bản, lập mường từ thuở xa xưa.
Phía bên cuối thửa ruộng, sau khi chia xong lễ vật các bậc cao niên cùng khua chiêng, phối khèn theo các làn điệu xòe Thái cổ thúc giục mọi người mở rộng vòng xòe.

Những cô gái Thái trắng trẻo, dịu dàng trong áo cỏm lưng ong, đôi chân uyển chuyển, chúm chím môi cười quyến rũ trong vòng xòe khiến bao chàng trai say đắm hòa nhịp. Cứ thế, vòng xòe bỗng chốc đã mở rộng ra bao kín thửa ruộng khiến cho du khách thập phương cũng hào hứng tham gia hoặc vô tình lọt vào vòng xòe cho đến lúc tan hội.

Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, đồng bào Tày, Thái ở các địa phương Sơn A, Tú Lệ, Thượng Bằng La… khu vực phía Tây của tỉnh lại tưng bừng mở hội Lồng Tồng đón xuân để tạ ơn trời, đất, các vị thần linh đã phù hộ cho một năm thắng lợi và cầu một năm mới sẽ đến với nhiều điều tốt lành. Ngày nay, Lồng Tồng không chỉ được duy trì như một lễ hội truyền thống mà đã được gắn với phát triển du lịch, thu hút du khách tham gia mỗi dịp đầu xuân mới.

Văn Dương

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục