Nàng thơm Tan Lả

  • Cập nhật: Thứ năm, 26/1/2017 | 8:14:26 AM

YBĐT - Tú Lệ (Văn Chấn) - còn lạ gì mảnh đất ấy nữa đâu! Không đếm nổi bao bận đi qua, bao lần dừng lại, vậy mà chẳng rõ vì đâu lần nào chạm mặt cũng chùng lòng, rồi bổi hổi, bồi hồi như cuộc hẹn đầu tiên với ai đó dấu yêu. Đôi lúc thử lắng lòng lại để gọi tên nguyên cớ mà đến cùng thì cũng chẳng thể truy nguyên cho những thứ rõ ràng. Mà thôi, căn cơ làm chi cho những điều làm nên xúc cảm!

Thung lũng Tú Lệ - nơi gieo trồng nếp Tan đặc sản. 
(Ảnh: Thanh Miền)
Thung lũng Tú Lệ - nơi gieo trồng nếp Tan đặc sản. (Ảnh: Thanh Miền)

Có thể từ chút gì thanh bình bởi mộc mạc bản làng, tĩnh lặng ruộng đồng sớm khói phủ, chiều mây bay giữa lòng thung này. Có thể từ chút hoang dại núi rừng nơi ngọn núi Khau Phạ, Khau Thán, Khau Song, từ nét mềm mại con suối Nặm Lùng vắt ngang lòng thung hiền hòa xuôi chảy. Biết đâu đấy là từ ấm nóng dòng suối khoáng giữa tự nhiên trời đất, cũng là từ duyên dáng lưng ong thắt đáy, trắng ngần nước da của bao cô gái Thái miền sơn cước tươi nét xuân thì … Riêng biệt hay giao thoa, đan cài cũng không rõ nữa, song có một thứ thì thật sự rõ ràng để quyện lòng Tú Lệ, ấy là ngạt ngào hương nếp được gọi tên "nàng thơm" Tan Lả!

Qua con dốc Ba Tầng cao ngất, hoang dại, lạnh buốt sống lưng là tôi biết Tú Lệ dịu dàng đang đón đợi. Để rồi, được sà vào lòng thung, hít hà hương nếp ngạt ngào nhẹ len giữa lòng cái thị tứ nhỏ xinh này. Nhớ bữa xưa đứa bạn ngược đất Hà Thành qua đây, lần đầu bất chợt gặp thứ ngan ngát ấy len vào khứu giác, đã ngay tức thì đòi nếm cho bằng được hạt xôi làm nên hương thơm kia không chậm giây phút nào mới thỏa lòng.

Người đã quen với mùi hương ấy như tôi, dẫu có nhắm mắt mà bước đi cũng quá biết đã đặt chân tới thị tứ này khi cánh mũi thấy thoảng nồng hương nếp. Nàng thơm Tan Lả là thế. Nó khiến kẻ lạ lẫm muốn khám phá kì được, người đã quen không thể không tìm lại vị dẻo thơm nơi từng hạt xôi ngậy bùi, dẻo mà không dính, đến cái màu hạt xôi cũng trong trong lạ. Và sẽ lại càng say lòng thực khách hơn khi thưởng thức hạt xôi dẻo thơm ấy gói trong lá dong rừng, như thể góm gém cả hương đất, hương rừng miền sơn cước nơi hạt gạo trắng trong này.

Chớm thu, lên Tú Lệ còn nghe trong gió núi, hương rừng nhẹ nhàng mùi cốm nếp non mùa lúa chín. Lúa làm cốm được cắt buổi sớm mai, lúc độ cây lúa hẵng còn khum ngọn, chắc xanh, rồi đem tuốt hạt, sàng bỏ thóc lép, rang đều lửa đều tay đến chín thơm rồi cho vào giã dưới tiếng chày thậm thịch để cho ra từng mẻ cốm xanh thơm dẻo, ủ trong lá rong rừng càng làm những hạt cốm dậy mùi khó quên với những ai đã từng thưởng thức...

Cứ vậy, tự nhiên như đất trời, nàng thơm Tan Lả quyến rũ thực khách bằng hương vị trứ danh mà có liệt vào hàng bậc nhất xôi nếp, cốm xanh chắc cũng chẳng sai, như người con gái quyến rũ kẻ tình si bằng hương thơm riêng có, khiến ai đó có thể nhạt nhòa ánh mắt, bờ môi thì cũng chẳng thể quên nổi một mùi hương riêng biệt từng cảm nhận. Thật sự là riêng biệt, bởi chỉ cái mầm lúa ấy, gieo trên đất này mới dâng cho đời ngọc thực đầy mê hoặc kia.

Qua xuân, độ tháng 2, tháng 3, cánh đồng Tú Lệ lấp loáng mùa nước đổ, ngai ngái vị đất, nồng nồng hơi nước cho hạt mầm Tan Lả bước vào vụ mới. Độ tháng 9, tháng 10, thu Tú Lệ nồng nàn hương nếp mùa lúa chín, vàng sắc lúa mêng mang dưới chân đèo Khau Phạ. Những bông lúa vít cong thân, căng mẩy hạt, ngậm vị đất, ướp hương trời, uống sương núi, hút mạch nguồn mảnh đất này đã vào độ trả lại cho người, cho đời thứ ngọc thực vi diệu. Người ta giải thích có lý cho cái thứ hạt gạo thân trắng trong ngà ngọc, dẻo thơm ngan ngát ấy nào là nền đất hiếm, tầng phong hóa mỏng, biên độ khí hậu, vân vân và vân vân. Nhưng với tôi, lại chẳng gì có lý hơn một tích xưa huyền hoặc.

Chuyện rằng, giống thóc quý ấy là quà của tiên ông ban cho tộc người Thái kèm lời dặn thóc ấy phải gieo trồng trên mảnh đất thích hợp mới nảy mầm, trổ bông, cho hạt gạo dẻo thơm muôn phần. Tộc người Thái đã đi khắp vùng Tây Bắc, gieo thử hạt thóc không biết bao mảnh đất nhưng chẳng nơi nào cho ra bông lúa, hạt gạo như mong đợi. Ngày nọ, họ bước tới chân đèo Khau Phạ, nhấp ngụm nước Nặm Lùng thấy mát lành, ngọt lịm, ngẩng mặt lên thấy thung lũng màu mỡ, tốt tươi, già làng tộc người Thái quyết định dừng chân vỡ ruộng, gieo hạt. Quả không sai, hạt thóc gieo trên đất này nảy mầm cho bông trĩu mẩy, hạt gạo trắng thơm. Gạo mang đồ  trong chõ gỗ, nấu với nước suối Nặm Lùng cho hạt xôi thơm ngát cả một vùng. Trai bản ăn vào mạnh khoẻ, dẻo dai. Gái bản ăn vào nước da trắng ngần, bàn tay khéo léo. Nàng thơm Tan Lả “bén duyên” mảnh đất này từ đó, để rồi chắt chiu mạch nguồn đất và nước làm lừng danh tên tuổi Tú Lệ.

Có lẽ cái tích xưa đẫm màu hư ảo ấy là tấm áo đủ rộng khoác lên mình nàng thơm Tan Lả một khi hạt gạo ấy đã được người Thái Tú Lệ coi là món quà vô giá mà đất trời ban tặng!

Thu Hạnh

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục