Tết ở làng du lịch Nghĩa An

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/2/2018 | 2:50:07 PM

YBĐT - Về làng du lịch Nghĩa An trong dịp tết Nguyên đán, du khách không chỉ được ở trong những ngôi nhà sàn thoáng đãng, mát mẻ của người Thái đen, Thái trắng mà còn được thưởng thức nhiều món ăn rất ngon Đón năm mới, đồng bào Thái, Mường ở Nghĩa An cứ ăn tết vui xuân như vậy cho đến ngày 13 - 15 tháng Giêng thì mở hội Lồng tồng (hội xuống đồng).

Thiếu nữ Thái trên sàn Hạn khuống. (Ảnh: Thu Hiền)
Thiếu nữ Thái trên sàn Hạn khuống. (Ảnh: Thu Hiền)

Những đợt mưa phùn, gió lạnh mùa đông đã qua, nắng ấm của mùa xuân mới lại tràn về trên khắp các phố phường, bản làng quê hương Yên Bái như tiếp thêm sức sống cho những chồi non, lộc biếc, cho hoa mơ, hoa mận, hoa đào... thêm khoe sắc. Hòa chung với khí thế đón xuân mới của các dân tộc anh em: Kinh, Tày, Mông, Dao, Nùng, Khơ Mú... trong vùng, đồng bào Thái ở xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ cũng đón xuân, vui tết cổ truyền của dân tộc theo nét văn hoá đặc sắc của dân tộc mình.

Đón xuân mới Mậu Tuất, các hộ dân ở xã Nghĩa An đều rất vui vì họ đã tích cực tham gia đóng góp tiền của, ngày công lao động, hiến đất để xã hoàn thành 18/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Người dân Nghĩa An tự hào vì họ không chỉ lao động, sản xuất giỏi mà còn gìn giữ được những nét văn hóa đặc sắc của người Thái vùng Mường Lò. Nhiều hộ dân ở đây đã sửa sang nhà sàn khang trang hơn, tập hát, múa, nấu các món ăn dân tộc Thái đón khách du lịch trong và ngoài nước về với bản, làng mình.
 
Về làng du lịch Nghĩa An trong dịp tết Nguyên đán, du khách không chỉ được ở trong những ngôi nhà sàn thoáng đãng, mát mẻ của người Thái đen, Thái trắng nằm sát cánh đồng Mường Lò ngô lúa, xanh tốt quanh năm, mà còn được thưởng thức nhiều món ăn rất ngon của người Thái như: thịt lợn băm lẫn các loại rau thơm trộn hạt mắc khén gói lá nướng; thịt trâu sấy, lợn sấy, gà nấu canh gừng, cá nướng, dế mèn, trứng kiến, xôi ngũ sắc, các loại bánh của người Thái... Được cùng người Thái ở đây chơi các trò chơi dân gian, xem các chàng trai, cô gái Thái lên sàn Hạn khuống hát giao duyên, đối đáp rất hay.
 
Anh Điêu Đình Độ - cán bộ văn hóa, xã hội xã Nghĩa An phấn khởi cho biết: "Xã Nghĩa An có 721 hộ và người Thái đen chiếm trên 80%, còn lại là người Thái trắng, người Mường, người Kinh... Bà con ở đây rất vui vì từ năm 2006, xã đã chính thức khôi phục lại hội Hạn khuống (tổ chức cho các chàng trai, cô gái chưa vợ chưa chồng hát giao duyên). Từ đó đến nay, xã ấn định tổ chức hội Hạn Khuống vào tối Rằm tháng Giêng cũng là lúc kết thúc ăn tết để mọi nhà lại tiếp tục lao động sản xuất.
 
Để lên được sàn Hạn khuống, nghệ nhân dân gian Điêu Thị Xiêng đã phải dạy cho lớp trẻ biết hát giao duyên thành thạo. Khoảng mùng 7 - 8 tháng Giêng, các thôn, bản cử người chuẩn bị cây tre, vầu, gỗ tốt  mang về sân Nhà Văn hóa xã làm sàn Hạn khuống. Sàn cao khoảng hơn 1 mét, sàn rộng khoảng 30 - 35 m2 được lát bằng tre hoặc phên nứa, xung quanh có song đan hình mắt cáo, có một cửa ra vào, lên xuống bằng cầu thang có từ ba đến năm bậc.
 
Ở giữa sàn có một bếp lửa, cạnh bếp lửa dựng cây vũ trụ, tiếng Thái gọi là "Lắc say” là một cây tre to, dài, có ngọn, được trang trí các con giống đủ màu sắc, bốn cây nhỏ hơn dựng ở bốn góc thể hiện bốn phương trời để tối hôm Rằm tháng Giêng tổ chức hội Hạn khuống. Trước khi tổ chức lên sàn Hạn khuống, ban tổ chức tổ chức chương trình văn nghệ với nhiều tiết mục như: khèn bè, pí ló, pí pặp, tính tẩu… do các chàng trai mang đi gọi bạn gái”.
 
Những ngôi nhà sàn du lịch cộng đồng của đồng bào Thái ở xã Nghĩa An.
 
Sau chương trình văn nghệ chào mừng, hội Hạn khuống chính thức được tổ chức hát giao duyên nam nữ. Khoảng 7 đến 8 thiếu nữ lên sàn trước, các tràng trai ở dưới sàn bắt đầu hát xin thang để lên sàn. Khi các thiếu nữ hát đối thì cánh con trai ai đối đáp được thì các cô gái mới thả thang xuấng cho lên sàn. Khi lên sàn rồi, muốn ngồi thì các chàng trai lại phải hát xin ghế, muốn uống nước phải hát xin nước uống...
 
Chỉ khi các thiếu nữ hát đối cho ghế mới được ngồi, cho nước mới được uống... Qua mỗi lần tổ chức hội Hạn khuống, nhiều chàng trai, thiếu nữ Thái đã nên duyên vợ chồng và họ cũng không quên dạy hát giao duyên cho thế hệ kế tiếp để mỗi độ xuân về lại được lên sàn Hạn khuống tìm người bạn đời.

Phong tục đón xuân, ăn tết cổ truyền của người Thái đen ở Nghĩa An thật đậm đà bản sắc. Nghệ nhân dân gian Điêu Thị Xiêng ở Bản Đêu 1 chia sẻ: để chuẩn bị đón xuân mới, vui tết cổ truyền, từ tháng 7, tháng 8 âm lịch, đồng bào Thái đã chuẩn bị lợn, gà, gạo nếp để dành. Hộ nào khá giả thì chuẩn bị một con lợn từ 70 - 80 cân và 20 cân gạo nếp.
 
Hộ trung bình thì 2 đến 3 hộ chung nhau mổ một con để ăn tết, còn gạo nếp để gói bánh cũng phải có 7 - 10 cân. Bắt đầu từ ngày 25 tháng Chạp là mọi nhà chuẩn bị lá gói bánh, hương hoa, rượu, mứt... Người Thái đen còn chuẩn bị thêm 2 cây mía để cả ngọn và lá dựng ở hai bên bàn thờ để cúng tổ tiên, mời tổ tiên về ăn tết. Hôm mổ lợn ăn tết, nhà nào cũng làm vài mâm mời anh em, họ hàng, thông gia, con cháu.
 
Trước khi mời khách ăn tết, chủ nhà mang thủ, đuôi, chân, xương sườn lợn đã luộc chín đặt lên bàn thờ thắp hương cúng tổ tiên, mời tổ tiên về ăn tết, cầu xin tổ tiên phù hộ cho dòng họ, con cháu khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà đều tốt...
 
Sau khi cúng xong, tất cả phải để nguyên trên bàn thờ, không được ăn mà chỉ bê mâm đã chế biến các món từ bếp lên mời khách. Cứ như vậy, bữa trưa nhà này mời ăn tết thì bữa tối và hôm sau lại nhà khác mời đến uống rượu, vui xuân mới. Chiều 30 tết, thì nhà nào cũng mổ một con vịt ăn phá xui để xua đi những điều không may mắn trong năm cũ.
 
Đón giao thừa xong, mọi nhà cùng nhau lên đầu nguồn các khe trong bản lấy nước mới về đun sôi pha trà cúng tổ tiên. Sáng mùng 1 tết, người Thái kiêng không đi chúc tết hàng xóm mà chỉ có con cháu trong gia đình đem rượu, mứt, bánh chưng đến tết bố mẹ đẻ. Ngày mùng 2 đi tết bố mẹ bên vợ. Ngày mồng 3 bắt đầu vui chơi cộng đồng. Các trò chơi dân gian như ném còn, tó mác lẹ, leo cột mỡ, lễ Xên mường, hát giao duyên... được tổ chức rất sôi nổi.

Đón năm mới, đồng bào Thái, Mường ở Nghĩa An cứ ăn tết vui xuân như vậy cho đến ngày 13 - 15 tháng Giêng thì mở hội Lồng tồng (hội xuống đồng), thi đua lao động sản xuất làm ra nhiều của cải vật chất để cuối năm thóc đầy bồ, gà, lợn đầy chuồng đón xuân, ăn tết to hơn, vui hơn năm trước.
 
Minh Hằng

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục