Homestay Yên Bái níu chân du khách

  • Cập nhật: Thứ hai, 12/2/2018 | 9:56:26 AM

YBĐT - Những năm qua, với các chính sách phát triển du lịch bền vững, người dân Yên Bái đã biết tận dụng thời cơ, tiềm năng để phát triển loại hình du lịch cộng đồng (homestay), tạo nên sức hút kỳ lạ đưa hình ảnh những thắng cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, nền văn hóa lâu đời đến với du khách gần xa. 

Du khách nghỉ ngơi, giao lưu cùng dân địa phương tại điểm du lịch cộng đồng Ngòi Tu, xã Vũ Linh.
Du khách nghỉ ngơi, giao lưu cùng dân địa phương tại điểm du lịch cộng đồng Ngòi Tu, xã Vũ Linh.


Yên Bái là vùng đất đa sắc màu văn hóa với nhiều dân tộc chung sống. Sự đa sắc màu ấy, tạo nên một nền văn hóa giàu sắc thái, độc đáo, đậm đà bản sắc.

Những năm qua, với các chính sách phát triển du lịch bền vững, người dân Yên Bái đã biết tận dụng thời cơ, tiềm năng để phát triển loại hình du lịch cộng đồng (homestay), tạo nên sức hút kỳ lạ đưa hình ảnh những thắng cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, nền văn hóa lâu đời đến với du khách gần xa và giữ gìn phát huy tốt bản sắc văn hóa các dân tộc. Dưới đây là những địa danh homestay điển hình ở Yên Bái.

Huyện Yên Bình

Sự kết hợp giữa nền văn hóa dân tộc Dao với điệu Páo Dung, nghi lễ cấp sắc cùng cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp của hồ Thác Bà tạo nên một sức hấp dẫn riêng biệt cho loại hình du lịch homestay tại Yên Bình. Du dịch homestay ở Yên Bình đã tạo nên sự riêng biệt với những làng văn hóa dân tộc Dao ở xã Vũ Linh và xã Phúc An.
 
Về nơi đây du khách được tham quan làng nghề truyền thống đan rọ tôm, trải nghiệm đánh bắt thủy sản trên hồ Thác Bà; được nghe các chàng trai, cô gái người Dao ngân nga câu hát trong điệu Páo Dung, uyển chuyển trong điệu múa Lù, múa Chuông, ấn tượng bởi sự tái hiện các lễ hội như cấp sắc, mừng cơm mới; được thưởng thức hương vị đậm đà những món ăn dân tộc do chính đồng bào nơi đây chế biến.

Nghĩa Lộ - Mường Lò
 

Du khách tham quan nghề dệt thổ cẩm của người Thái.

Nằm ở phía Tây của tỉnh, mang trong mình bản sắc văn hóa đậm đà, riêng có của dân tộc Thái, Mường...
 
Đến với Nghĩa Lộ - Mường Lò, du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống của đồng bào Thái, Mường dưới những mái nhà sàn truyền thống, say trong điệu xòe và tham gia các lễ hội dân gian, cùng làm những công việc đồng áng, ăn những món ăn đặc trưng của người Mường Lò: xôi ngũ sắc, cá nướng, thịt sấy, măng sặt, rau rừng; tắm suối khoáng; tham quan các di tích lịch sử, danh thắng, làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, đan lát...
 
Từ những cách làm hay trong phát triển du lịch cộng đồng, mỗi năm, Nghĩa Lộ - Mường Lò đón hàng chục nghìn lượt khách, thu về hàng chục tỷ đồng, đời sống nhân dân ngày một nâng cao. Nghĩa Lộ - Mường Lò có nhiều xã, phường, hàng trăm hộ làm du lịch cộng đồng ở các thôn: Chao Hạ 1, xã Nghĩa Lợi; bản Đêu, xã Nghĩa An... 

Huyện Mù Cang Chải
 

Bay dù lượn trên đèo Khau Phạ.
 
Qua xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn vượt đèo Khau Phạ uốn lượn quanh năm mây mù bao phủ ta đến với Mù Cang Chải - vùng văn hóa dân tộc Mông.
 
Nói đến đồng bào Mông ở đây là nói tới nghề se lanh, dệt vải, nền nông nghiệp lúa nước với những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ xếp hạng Di tích Danh thắng quốc gia được cả thế giới ca ngợi.
 
Nơi đây còn có những thác nước, đèo Cao Phạ đi vào huyền thoại, Khu bảo tồn thiên nhiên Chế Tạo, là xứ sở của mật ong rừng, cây sơn tra (táo mèo); có mùa xuân tươi thắm đào rừng, mùa hoa cải rực trời tháng Ba. Bà con người Mông thật thà chất phác, có nền văn hóa dân gian đặc sắc... luôn là những bí ẩn níu chân du khách.

Biết phát huy lợi thế, người Mông Mù Cang Chải đã tham gia vào ngành công nghiệp "không khói" với loại hình du lịch homestay. Hiện nay, huyện cũng có rất nhiều hộ kinh doanh dịch vụ homestay ở thị trấn Mù Cang Chải, xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Kim Nọi hay điểm homestay rất mới mang tên Eco Lodge ở bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt. Nhờ làm homestay, những nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Mông được giữ gìn và phát huy giá trị.

Huyện Trạm Tấu

 
Du khách chinh phục độ cao và săn mây trên đỉnh Tà Chì Nhù.
 
Nằm cách thị xã Nghĩa Lộ 30 km, Trạm Tấu cũng là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào Mông, Thái. Dù mới làm du lịch homestay nhưng Trạm Tấu đã thu hút đông đảo du khách.
 
Dừng chân tại Trạm Tấu, khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành, du khách được khám phá phiên chợ vùng cao đầy sắc mầu văn hóa, thưởng thức những sản vật nổi tiếng của người Thái, người Mông.
 
Đặc biệt, rất đông du khách lên đây là để đi săn mây tại đỉnh Tà Xùa, hay Tà Chì Nhù - một trong 6 đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Ở đây còn có những cánh rừng thông vi vu lộng gió, có những dòng suối khoáng nóng, những cánh đồng bậc thang rất đẹp...

Huyện Văn Yên
 

Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu lần đầu tiên được tổ chức tại đền Mẫu Đông Cuông, huyện Văn Yên.
 
Đến với Văn Yên, du khách sẽ được đắm mình trong hương quế thơm nồng tại các xã: Đại Sơn, Viễn Sơn, Xuân Tầm... Nghỉ chân tại điểm Homestay tại xã Mậu Đông hay trong các xã vùng quế, du khách được tìm hiểu những nét độc đáo trong không gian văn hóa của người Dao, người Tày.
 
Đặc biệt, vùng đất này là vùng đất tâm linh dọc theo sông Hồng với đền Mẫu Đông Cuông; đền Nhược Sơn; đình Ngòi A... Đồng thời, du khách sẽ đến với Khu bảo tồn rừng nguyên sinh Nà Hẩu có hệ sinh thái, khung cảnh thiên nhiên vô cùng kỳ thú.

Huyện Lục Yên


Đồng bào Tày, huyện Lục Yên chuẩn bị chỗ ở đón du khách.  
 
Nếu như người Dao ở vùng ven hồ Thác Bà đem làn điệu Páo Dung, nghi lễ cấp sắc của dân tộc mình vào phát triển du lịch, thì người Tày ở huyện Lục Yên cũng đã đưa điệu hát Then, lễ hội Lồng Tồng, cây đàn tính đến với du khách bốn phương. Người Tày có phong cách sống sôi nổi, mạnh mẽ, lãng mạn, có một nền văn nghệ cổ truyền phong phú như: thơ, ca, múa, nhạc, có cả múa rối và các nghi lễ tâm linh.

Với những đặc trưng văn hóa trên, kết hợp cùng khí hậu trong lành và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, người Tày ở Lục Yên đã tạo cho mình một điểm nhấn đặc biệt, thu hút khách du lịch.
 
Tại điểm homestay xã Lâm Thượng, du khách sẽ được cùng trải nghiệm một cuộc sống yên bình của đồng bào dân tộc Tày làm nông nghiệp lúa nước; hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp, ngắm những dãy núi đá vôi trùng điệp, tham gia nhiều lễ hội đặc sắc, đặc biệt thưởng thức những món ăn truyền thống độc đáo như: vịt bầu, cá bỗng, gà trống thiến. Đồng thời, đến với Lục Yên, du khách còn được trải nghiệm du lịch tâm linh với các đền chùa cổ trong Khu Di tích Khảo cổ học Hắc Y - Đại cại; đền Suối Tiên; chùa Hương Thảo...

Huyện Văn Chấn

Những cây chè Shan tuyết hàng trăm năm tuổi ở xã Suối Giàng.
 
Nói đến Văn Chấn không thể không nhắc đến xã Suối Giàng nằm ở độ cao hơn 1.400 m so với mặt biển. Đến đây, du khách được tận hưởng không khí trong lành, mát lạnh, đặc biệt là được ngắm những cây chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi được công nhận là cây Di sản Việt Nam.
 
Nghỉ lại trong nhà của người Mông, du khách sẽ được thưởng thức những chén trà hảo hạng, thịt gà đen, lợn cắp nách, bánh dày...
 
Văn Chấn còn nổi tiếng với những suối khoáng nóng rất tốt cho sức khỏe, với các điểm suối nước: Co Cọi ở xã Sơn A; Bản Hốc ở xã Sơn Thịnh và ở xã Tú Lệ, xã Gia Hội. 
 
Du khách tới đây được nghỉ ngơi hay thư giãn trong làn nước nóng giữa thiên nhiên và sẽ tìm được cảm giác vô cùng thư thái. Đặc biệt, các suối khoáng này đều nằm trong vùng không gian văn hóa Thái, Mường.

Thu Hiền - Lê Thương

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục