"Săn" chè shan tuyết trên đỉnh Tập Lăng

  • Cập nhật: Thứ tư, 30/1/2019 | 3:58:38 PM

YênBái - Nói đến chè không thể không nhắc tới địa danh Suối Giàng, Văn Chấn bởi nơi đây có những cây chè Shan tuyết cổ thụ tuổi đời hàng trăm năm, tán lá xòe rộng, nhiều người cùng trèo lên hái búp.

Khí hậu rừng già Suối Giàng rất hợp với chè Shan tuyết.
Khí hậu rừng già Suối Giàng rất hợp với chè Shan tuyết.

Ở độ cao 1.400 m, Suối Giàng có khí hậu quanh năm mát mẻ, giống Sa Pa, Tam Đảo, Đà Lạt. Vùng đất này còn là nơi quần tụ của đồng bào dân tộc Mông với những phong tục, tập quán đặc sắc vùng cao Tây Bắc. 

Là người con của núi rừng Yên Bái, tôi đã lên Suối Giàng nhiều lần, nhưng cũng giống như rất nhiều người khác, đi tham quan Suối Giàng cũng chỉ quẩn quanh khu trung tâm xã, chụp ảnh cây chè tổ rồi thưởng thức chén trà Shan tuyết đậm đà hương sắc như chắt lọc từ trời và đất. 

Có lần, các cán bộ kiểm lâm huyện Văn Chấn bật mí: "Ngoài những cây chè Shan trồng tập trung ở trung tâm xã, trên núi Suối Giàng còn rất nhiều cây chè cổ thụ to, đẹp, vươn cao và đặc biệt là quanh năm xanh non mơn mởn”. 

Nghe là mê ngay, chúng tôi quyết định vượt núi, xuyên rừng để tận mắt ngắm nhìn những cây chè cổ. Đầu tháng 12 dương lịch, tiết trời vùng thấp mới chớm lạnh thì vùng cao Suối Giàng đã rét tê tái. Sương mù đặc quánh, mất gần 2 giờ chúng tôi mới qua được vườn chè cổ thụ, nơi có cây chè tổ. Suối Giàng thực sự bên trên tầng mây. Làng bản, rừng núi chan hòa trong nắng, riêng nhiệt độ thì vẫn rất thấp. Giày tất đã nai nịt, bỏ bớt cái áo choàng to sụ để bắt đầu hành trình "săn” chè Shan tuyết.

Qua Cổng trời, gió thổi với cường độ mạnh tạt không khí lạnh vào mặt, thanh âm vi vu từ những cây kim giao, thông mã vĩ, pơ mu đặc biệt là khung cảnh hùng vĩ của rừng đại ngàn khiến con người ta có cảm giác lâng lâng, khó tả. Tôi thốt lên:

- Suối Giàng còn nhiều rừng quá, mấy anh ạ!

Mấy anh em trong đoàn cùng cười, anh Trần Văn Trường - kiểm lâm địa bàn giải thích:

- Suối Giàng còn tới gần 2.000 ha rừng tự nhiên; trong đó, có trên 700 ha rừng chất lượng cao. Chất lượng cao là nguyên sinh, cây cổ thụ đường kính trên mét nhiều vô kể. 

Nghe câu chuyện, anh Vàng A Xềnh - cán bộ xã Suối Giàng khoe:

- Kỳ công lắm đấy các anh ạ! Giờ thì bà con Suối Giàng biết giữ rừng tự nhiên và trồng nhiều quế rồi, cứ đi rồi sẽ biết.

Qua Tập Lăng I, Bản Mới, những con "ngựa sắt” đã chính thức "khụy gối” trước dốc cao, suối sâu, để chúng tôi phải tiếp tục di chuyển bằng đôi chân, thậm chí là đôi tay nữa. Nói vậy không hề quá, vì hai tay phải bám vào mỏm đá, gốc cây trợ lực thì chân mới bước một, bước một để lên đồi thông Pang Cáng, Núi Vượng - Tập Lăng I, nhất là lên núi Đầu Trọc. 

Trưởng bản Tập Lăng II Giàng A Phua lau những giọt mồ hôi rồi chỉ tay về hướng Bắc và bảo: "Đằng ấy là đất Suối Bu, phía Đông là đất Hồng Ca rồi đấy”. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn Vũ Đình Trường liền bảo: "Phua nhớ bữa trước đi kiểm tra rừng, mình nghỉ trưa, nấu ăn trưa bên gốc cây sến cổ thụ không?”. 

Anh em kiểm lâm và dân bản chia sẻ niềm vui chung, còn tôi vẫn chỉ muốn xoay quanh "chủ đề chính” là chè cổ thụ. Biết được mong muốn của tôi, A Xềnh bẻ luôn một cành cây trước mặt rồi bảo: "Lên rừng quê mình mà tìm chè thì không khó đâu. Phua ơi, bỏ nồi ra lấy nước đun nồi trà xanh uống cho lại sức”. Tôi thực sự bất ngờ vì cây chè Shan cổ thụ đứng ngay trước mặt, thấy thế các anh trong đoàn giải thích: "Chè mọc tự nhiên trong rừng, không ai hái lá, không ai tạo tán nên cứ mặc sức vươn cao, khí hậu rừng già rất hợp với chè Shan nên lúc nào nó cũng xanh mơn mởn thế này”. 

Ngắm nghía, chụp ảnh một lúc, nồi nước trà đã sôi tỏa hương thơm ngát, thưởng thức trà xanh đựng trong cốc nhựa, ngồi trên mỏm đá, tựa lưng vào gốc cây… 

Thật chẳng giống như người ta uống trà đạo Nhật Bản hay thưởng trà nảy Kiều, đọc thơ Lý Bạch… như sách vẫn viết, nhưng giữa rừng già Tây Bắc, uống thứ nước vàng như hổ phách, đậm đà hương sắc như thể chắt lọc từ trời và đất thế này cũng cho tôi một trải nghiệm hết sức quý giá. 

Vị chè Shan tuyết chát ngọt bỗng nhiên mang lại cho tôi nguồn năng lượng thần kỳ để quên hết mệt nhọc, đúng như truyền thuyết của người Mông nơi đây khi tìm ra thứ cây quý, giống quý của trời ban.

Mặt trời đã nghiêng về phía Vàng Ngần, An Lương, cả đoàn theo hướng đó vì các anh muốn cho tôi được ngắm những cây chè mà theo các anh có thể là không cao lớn nhất nhưng dáng thế tuyệt đẹp, chẳng kém gì những cây bonsai "siêu khủng”. 

Và đúng như lời các anh kể, đi xuyên núi Suối Giàng mới thấy nơi đây còn quá nhiều cây chè cổ thụ, vô số cây lớn, dáng thế tuyệt đẹp. Tôi chớp vội mấy bức ảnh làm kỷ niệm bởi thời tiết nơi đây rất khác lạ, khi mưa, khi nắng, lúc trời xanh, mây trắng, nắng vàng, khi lại mịt mờ trong mây.

Lê Phiên

Tags Pang Cáng Núi Vượng - Tập Lăng I “Săn” chè Shan tuyết trên đỉnh Tập Lăng Suối Giàng Văn Chấn Tập Lăng I Bản Mới

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục