Yên Bình xây dựng sản phẩm du lịch

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/6/2019 | 7:48:13 AM

YênBái - Trong phát triển du lịch, huyện Yên Bình đặt mục tiêu năm 2019 đón 97.000 lượt khách với tổng doanh thu ước đạt 60 tỷ đồng, năm 2020 đón trên 100.000 lượt khách với tổng doanh thu đạt 70 tỷ đồng. Ngay trong năm nay và năm tới, nhiều giải pháp cụ thể được huyện tích cực thực hiện nhằm đạt mục tiêu này, nhất là trong việc xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch.

Du khách nước ngoài trải nghiệm du lịch cộng đồng tại thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh.
Du khách nước ngoài trải nghiệm du lịch cộng đồng tại thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh.

Du lịch cộng đồng mà cơ bản là ở vùng đông hồ Thác Bà sẽ tiếp tục được khai thác, trước mắt là tập trung phát triển du lịch cộng đồng ở xã Vũ Linh và xã Phúc An. Vừa qua, Tổ hợp tác thanh niên phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh đã được thành lập. 

Chị Lý Thị Sam Sung - Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: "Trước đây, một vài hộ làm du lịch cộng đồng chúng tôi cũng đã bước đầu kết hợp với nhau để cùng làm du lịch tốt hơn. Nay thành lập tổ hợp tác, chúng tôi càng có điều kiện thuận lợi để cùng liên kết, phối hợp khai thác các yếu tố phục vụ du lịch cộng đồng, nhất là cảnh quan làng bản hay vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, chia sẻ lượng khách để cùng nhau phát triển”. 

Theo kế hoạch, năm 2020, tổ hợp tác du lịch tại thôn Đồng Tâm, xã Phúc An cũng sẽ được thành lập. Việc thành lập các tổ hợp tác du lịch sẽ thúc đẩy hơn nữa sự phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau giữa các hộ làm du lịch cộng đồng, từ đó liên kết tạo thành chuỗi dịch vụ phục vụ du khách, bảo vệ cảnh quan môi trường cũng như giữ gìn văn hoá truyền thống.

Hồ Thác Bà là lợi thế du lịch riêng có của Yên Bình. Bởi vậy, nhằm khai thác tốt hơn các lợi thế du lịch, nhất là hồ Thác Bà, Yên Bình còn tập trung xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch mới như: lặn, lướt ván, đua thuyền, leo núi Cao Biền; khám phá hang động Cẩu Quây, xã Xuân Long; tham quan vườn bưởi các hộ gia đình tại xã Đại Minh; tham quan, trải nghiệm tại các làng nghề thôn Đồng Tâm (xã Phúc An), thôn Cây Tre (xã Xuân Lai)... 

Đồng thời, đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của địa phương như: cá, tôm hồ Thác Bà, gạo Bạch Hà, bưởi Đại Minh, khoai sọ Phúc An, dưa hấu Xuân Lai... thông qua tham quan trực tiếp tại các hộ gia đình, cơ sở sản xuất. 

Huyện cũng khuyến khích các hộ gia đình, cơ sở sản xuất các sản phẩm đặc trưng, đặc sản làm quà tặng, đồ lưu niệm như: gỗ lũa của gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn (km 11), cá tươi của Hợp tác xã thủy sản Hoàng Kim, các sản phẩm cá sấy của một số hộ dân làng Ngần (xã Vũ Linh)... để giới thiệu tại các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh, huyện, các cơ sở lưu trú, các homestay...

Để tạo điểm nhấn thu hút du lịch, huyện còn tổ chức các sự kiện du lịch. Tháng 11 tới, Lễ hội bưởi Đại Minh và đua thuyền trên hồ Thác Bà năm 2019 được tổ chức. 

Dịp này, Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà và nhãn hiệu chứng nhận "Cá hồ Thác Bà” cũng sẽ được công bố. Thu hút du khách từ du lịch tâm linh, cũng trong năm nay và năm 2020, huyện xúc tiến các hoạt động đề nghị công nhận đền Mẫu Thác Bà là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia...

Dựa vào lợi thế, tiềm năng để xây dựng sản phẩm du lịch hướng tới sự phát triển bền vững, lâu dài; nâng cao sức cạnh tranh trong hoạt động du lịch để tạo ra những sản phẩm du lịch mới, đặc thù mang màu sắc riêng, hình thành chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu từng nhóm du khách nhất định, nhằm tạo ra sản phẩm du lịch quanh năm, rút ngắn khoảng cách du lịch thời vụ... - những định hướng nền tảng cùng những giải pháp trước mắt và lâu dài đã và đang thúc đẩy sản phẩm du lịch đặc thù của Yên Bình ngày một rõ nét để thu hút du khách.

Hạnh Quyên

Tags Yên Bình du lịch sản phẩm du khách

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục