Khẳng định sức sống của nghề truyền thống

  • Cập nhật: Thứ sáu, 4/4/2014 | 5:06:26 PM

YBĐT – Từ bao đời nay, dệt thổ cẩm đã trở thành nét văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân tộc Thái Mường Lò. Điều đó đã được du khách trong và ngoài nước yêu thích, tìm hiểu.

Trải qua bao biến động, đã có lúc dường như nghề dệt đã bị mai một song các thế hệ gắn bó với nghề đã quyết tâm khôi phục, bảo tồn và gìn giữ để những giá trị văn hóa riêng có của người Thái không bị mất đi mà vẫn và sẽ hiện hữu nhiều hơn trong cuộc sống người Thái.

Gia đình chị Lò Thị Tuyên, phường Trung Tâm là nơi mà tụ hội được rất nhiều những bàn tay khéo léo trong nghề dệt thổ cẩm. Trăn trở khi thấy nghề dệt truyền thống của dân tộc đang dần bị mai một trước sự thay đổi của xã hội, chị Lò Thị Tuyên đã mở cơ sở sản xuất dệt với gần chục máy dệt để thu hút các chị em đến dệt, vừa để tạo công ăn việc làm cho chị em nhưng cũng là góp phần giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc. Bởi hiện nay, khi kinh tế thị trường phát triển kéo theo những hoạt động du lịch phát triển theo, do đó, những sản phẩm thổ cẩm của người Thái không chỉ gói gọn trong khuôn khổ của gia đình nữa mà đã trở thành mặt hàng được nhiều người ưa chuộng bởi sự bền, đẹp. Sản phẩm chủ yếu cơ sở chị làm ra để bán là khăn, chăn, gối và đệm.

Giữ được nghề dệt chính là giữ được những nét văn hóa cổ truyền của người Thái – ý thức rõ điều đó nên chị cũng như nhiều nghệ nhân khác đang kiên trì tiếp lửa nghề dệt thổ cẩm cho các em với mong muốn lớp trẻ phải giữ được hồn cốt của dân tộc. Qua công tác tuyên truyền, vận động, hiện giờ nhiều bạn trẻ đã tích cực tham gia học dệt, thêu. Các em chính là những người đang nối dài hơn sức sống của một nghề truyền thống mang nét đặc trưng riêng của người Thái Mường Lò.

Hiện nay, rất nhiều hộ gia đình người Thái (ảnh) đã mạnh dạn đầu tư làm du lịch cộng đồng để thu hút du khách trong và ngoài nước đến với các bản làng, tìm hiểu về phong tục tập quán cũng như những nét đẹp văn hóa của người Thái Mường Lò. Cùng với thế mạnh về sản vật của địa phương hay những sinh hoạt văn hóa thường ngày thì dệt thổ cẩm cũng là một trong những nét văn hóa độc đáo được du khách yêu thích, tìm hiểu. Do đó, giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm của người Thái được chính quyền địa phương hết sức quan tâm.

Ngày 29/9/2013, tại thị xã Nghĩa Lộ, màn đại xòe cổ lớn nhất Việt Nam đã đi vào kỷ lục Guiness. Người dân phấn khởi vì lượng khách du lịch sẽ đến với Nghĩa Lộ nhiều hơn trong  nay mai, đồng nghĩa với việc sẽ mở ra nhiều cơ hội cho người dân trong việc quảng bá các sản phẩm thổ cẩm đến với du khách trong và ngoài nước.

Đây cũng là cơ hội để nghề dệt truyền thống của người Thái khẳng định sức sống lâu bền với những giá trị nhân văn sâu sắc.

Thanh Chi – Mạnh Cường

Các tin khác

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
 
TIN MEDIA