Độc đáo lễ cúng đặt tên của người Thái đen Trạm Tấu

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/4/2015 | 10:41:44 AM

YênBái - YBĐT - Dân tộc Thái ở tỉnh Yên Bái nói chung và dân tộc Thái đen ở xã Hát Lừu (huyện Trạm Tấu) nói riêng có đời sống tinh thần rất phong phú, có kho tàng văn hóa vô cùng đa dạng, nhiều phong tục truyền thống, lễ hội dân gian của họ được bảo tồn, phát huy, góp phần làm giàu kho tàng bản sắc văn hóa dân tộc tỉnh Yên Bái. Họ cũng theo một quy luật tự nhiên, trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng, tạo dựng một cuộc sống mới sinh sôi, phát triển.

Người phụ nữ sau khi thành lập gia đình sẽ thực hiện thiên chức làm mẹ và chăm lo cho cuộc sống gia đình.  Và  phong tục tập quán truyền thống trong lễ cúng đặt tên cho con (hay còn gọi là Nhá Phay) của dân tộc Thái xã Hát Lừu  là một nét đẹp văn hoá truyền thồng góp phần vào sự đa dạng, phong phú của kho tàng giá trị văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc.

Lễ cúng đặt tên của người Thái ở Hát Lừu là một phong tục đã có từ rất lâu đời.  Mỗi khi có một đứa trẻ được sinh ra trong bản thì lễ đặt tên cho cháu bé là một sự kiện  trọng đại của cả gia đình.  Trước khi  làm lễ cúng đặt tên, các gia đình có con nhỏ mới sinh đã đi nhờ thầy cúng xem hộ ngày tốt nhất trong tháng để  làm lễ đặt tên cho cháu và chuẩn bị  các lễ vật cần thiết dùng làm lễ  như: lợn, gà, trứng gà, xôi, rau luộc, cơm nếp, lá trầu cau và vôi, đĩa muối, bánh chưng, cây nêu, trang phục, trang sức mới dành cho đứa trẻ....

Bà Hoàng Thị Hiền ở thôn Hát 1 cho biết: "Theo phong tục người Thái mình, mỗi khi trong gia đình có một đứa trẻ chào đời thì phải làm lễ cúng đặt tên cho cháu, để cho cháu có một cái tên, sau này sẽ khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn, có cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ và qua đó cũng để nhắc nhở con cháu mình không được quên phong tục của người dân tộc”.

Ông Lò Văn Lăm ở thôn Hát 2 cho biết: “Theo quan niệm của người Thái đen Trạm Tấu, việc đặt tên cho con, cho cháu  là cả một sự kiện trọng đại. Nếu sản phụ sinh con trai thì phải sưởi lửa bảy ngày, sinh con gái, sưởi lửa chín ngày, ứng với bảy vía và chín vía. Khi đến ngày ra lửa, người mẹ phải xông và tắm gội bằng nước lá thơm, thay váy áo mới. Trước khi diễn ra lễ đặt tên cho con khoảng 1 tuần, gia đình sẽ cử người đi nhờ thầy cúng và xem hộ ngày tốt để làm lễ đặt tên cho trẻ, lễ cúng đặt tên thường được tổ chức sau khi bé sinh ít nhất 10 ngày tuổi. Khi tiến hành làm lễ đặt tên cho trẻ, gia chủ phải chuẩn bị các lễ vật cần thiết để cúng. Ngoài ra, trong ngày diễn ra lễ cúng, ông bà của cháu còn đan nôi mới cho cháu với mong muốn cháu sẽ ngoan và ngủ ngon giấc”.

Thầy cúng trong  lễ đặt tên  này thường là các bà mo. Ngày làm lễ được chọn kỹ, không trùng với ngày sinh, ngày mất của những người thân trong gia đình. Trong lễ đặt tên cho trẻ, gia đình sẽ mời anh em, họ hàng tới dự góp vui, chúc mừng cho gia đình và chúc cho em bé ngoan ngoãn, khỏe mạnh, mong cho con trẻ sau này có một cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy… Bởi vào ngày đặt tên, đứa trẻ  từ khi sinh ra sinh ra mới thực sự trở thành một thành viên chính thức của gia đình, được tổ tiên và thần linh chấp nhận và bảo vệ,  phù hộ cho đứa trẻ  hay ăn chóng lớn đồng thời tránh khỏi những tai ách có thể gặp phải trong cuộc đời.

Cách đặt tên cho trẻ  không được trùng với tên gọi ông, bà họ hàng nội ngoại là được. Chính vì thế nghi lễ cúng bái rất được coi trọng. Gia đình nhà nào có điều kiện thì mổ lợn cúng tế, còn những gia đình khó khăn chỉ cần 2 con gà để bày 2 mâm cúng. Mâm ở gian trong cúng báo cáo tổ tiên, ma nhà do thầy cúng là nam giới hay còn gọi là  ông mo đảm nhiệm. Mâm còn lại  do bà mo đảm nhận được cúng ở gian là nơi ngủ của hai mẹ con cháu bé. Trước khi làm lễ, bà mo phải làm một số thủ tục để hai mẹ con chuyển lên buồng ngủ  và làm lễ cúng đặt tên.

Sau khi làm xong thủ tục cúng hồn, bà mo bắt đầu tiến hành làm lễ cúng ở  gian có bàn thờ cúng tổ tiên chủ nhà để cúng treo hồn và buộc hồn cho cháu bé với ý nghĩa mời tổ tiên chủ nhà về chứng kiến, chấp nhận cho cháu bé chính thức trở thành một thành viên mới trong gia đình  và phù hộ cho gia đình và cho cháu bé khỏe mạnh, mau lớn. Sau đó, cháu bé cũng được buộc sợi chỉ  đen vào cổ, vào hai tay của mình để giữ hồn vía không bao giờ lìa xa thân thể.  Khi đó, ông bà ngoại cũng bắt đầu treo nôi vừa mới đan xong. Bà mo cúng nôi cho cháu bé được ngủ ngon. Tiếp theo, bà nội đặt cháu bé vào nôi ru cháu ngủ.

Theo quan niệm của người Thái, mỗi con người có 80 hồn bảo vệ gồm: 30 hồn phía trước, 50 hồn phía sau. Do vậy mới có thủ tục cúng vía vú. Khi đó người mẹ sẽ để con cho nằm bên cạnh và bà mo sẽ tiến hành cúng. Trong lễ có: nắm xôi, quả trứng gà luộc đã bóc vỏ và chén rượu. Bà mo cúng cầu cho bầu sữa của người mẹ nhiều sữa như như cây sung mà không bị tắc. Còn trứng gà tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở và viên mãn, xôi là thành quả lao động vất vả mới có của con người.

Khi đứa bé ra đời có nghĩa hình thành một thực thể sống, vì vậy việc đặt tên cho đứa trẻ làm sáng tỏ những quan niệm sống phát sinh trong quá trình đấu tranh, sinh tồn của con người và thế lực ngoại cảnh như: mưa, gió, bão, sấm, sét cho đến các loại ma tà... Theo họ, con người muốn tồn tại và phát triển được phải biết chế ngự các yếu tố tự nhiên và điều hòa mối quan hệ với các thế lực ma quỷ. Ông Lò Văn Pầng - Phó chủ tịch UBND xã Hát Lừu cho biết: “Lễ cúng đặt tên của người Thái ngoài việc có ý nghĩa truyền thống của dân tộc thì còn mang thêm một ý nghĩa khác đó chính là thủ tục chứng sinh cho đứa trẻ khi mới chào đời, trên cơ sở đó chính quyền xã sẽ làm giấy khai sinh cho cháu. Bởi với cuộc sống của đồng bào còn nhiều khó khăn như hiện nay, nhiều  phụ nữ mang thai chỉ đến các cơ sở y tế để khám nhưng lại sinh đẻ ở nhà. Do đó, trẻ em sinh ra sẽ không có giấy chứng sinh để làm thủ tục đăng ký khai sinh tại địa phương”.

Đặt tên cho trẻ mới ra đời trong lễ cúng vía đầu tiên là nét văn hóa mang đậm bản sắc của người Thái, ngoài góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc còn mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhắc nhở  đời con đời cháu sau này của mình  luôn nhớ về cội nguồn, nhớ về truyền thống tốt đẹp của cha ông. Thông qua nghi lễ này đã thể hiện được những mong muốn, ước vọng đơn sơ trong tư duy của người Thái, tôn lên được những bản sắc văn hóa riêng để phát huy giá trị và lưu giữ giá trị văn hóa độc đáo trong kho tàng di sản văn hóa của địa phương.

Kim Thoa

Các tin khác

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
 
TIN MEDIA