Yên Bái hỗ trợ chủ vật nuôi có lợn bị tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi: Công khai, minh bạch, đúng đối tượng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 23/8/2019 | 8:12:18 AM

YênBái - Tỉnh Yên Bái xuất hiện ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đầu tiên từ ngày 4/5/2019 tại 02 hộ gia đình ở thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn. Đến 15h ngày 19/8/2019, dịch bệnh xảy ra tại 1.624 hộ; 252 thôn, bản, tổ; 97 xã, phường, thị trấn của 9/9 huyện, thị xã, thành phố.

Bà Trần Thị Châm (người ngồi, bên trái) ở thôn Hồng Sơn, xã Sơn Thịnh nhận tiền hỗ trợ tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn.
Bà Trần Thị Châm (người ngồi, bên trái) ở thôn Hồng Sơn, xã Sơn Thịnh nhận tiền hỗ trợ tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn.

Cùng với việc nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng chống để tiến tới khống chế dịch bệnh, các địa phương đã và đang tập trung chi trả hỗ trợ cho chủ vật nuôi có lợn bị tiêu hủy do dịch bệnh.

Chỉ đạo sát sao, công khai chính sách 

Ngày 13/5/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Chỉ thị số 29-CT/TU về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống, ngăn chặn bệnh DTLCP, trong đó nêu rõ: "… cụ thể hóa mức hỗ trợ cho chủ vật nuôi có lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh buộc phải tiêu hủy theo quy định tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ; công khai chính sách hỗ trợ thiệt hại khi tiêu hủy lợn bị dịch bệnh, tránh xảy ra tình trạng người dân giấu dịch bệnh”. 

Ngày 23/5/2019, UBND tỉnh có Quyết định số 886/QĐ-UBND về việc quy định mức hỗ trợ cụ thể chủ vật nuôi có lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP, lở mồm long móng, tai xanh buộc phải tiêu hủy trên địa bàn tỉnh. 

Tại Quyết định này, mức hỗ trợ được quy định như sau: đối với lợn con, lợn thịt các loại hỗ trợ 80% giá thị trường tại thời điểm và tại địa phương có dịch bệnh xảy ra; đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác hỗ trợ 1,75 lần so với mức hỗ trợ các loại lợn khác tại thời điểm có dịch bệnh; giá thị trường để tính toán mức hỗ trợ cụ thể là giá bình quân chung trong tỉnh, được xác định và công bố hàng tháng theo quy định; thời gian hỗ trợ trong khoảng từ khi công bố dịch đến khi công bố hết dịch; thực hiện hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt. 

Căn cứ khoản 1 Điều 1 Quyết định số 886, từ ngày 3/5 - 26/6/2019, các địa phương thực hiện hỗ trợ theo mức: đối với lợn con, lợn thịt các loại tại thời điểm tháng 5/2019 hỗ trợ là 30.560 đồng/kg, tại thời điểm tháng 6 là 31.440 đồng/kg; đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác tại thời điểm tháng 5/2019 hỗ trợ là 53.480 đồng/kg, tại thời điểm tháng 6 là 55.020 đồng/kg. 

Sau thời điểm 26/6/2019, tỉnh Yên Bái thực hiện theo Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 27/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh DTLCP. Theo đó, mức cụ thể là: hỗ trợ 25.000 đồng/kg lợn hơi đối với lợn con, lợn thịt các loại; hỗ trợ 30.000 đồng/kg lợn hơi đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác.

Tại Kỳ họp thứ 13 - HĐND tỉnh khóa XVIII diễn ra ngày 20 - 21/6/2019, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương phải tập trung thực hiện hiệu quả một trong ba nhiệm vụ đối với việc phòng chống bệnh DTLCP: "Khẩn trương hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn phải tiêu hủy theo quy định để giúp họ nhanh chóng chuyển đổi sản xuất phù hợp điều kiện thực tiễn của mình”. 

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo sát sao quy trình hoàn thiện hồ sơ, rà soát, thẩm định theo đúng hướng dẫn để hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi đảm bảo kịp thời, hiệu quả.

Kiểm soát chặt chẽ số lượng đầu đàn

Xã Minh Quân là địa phương đầu tiên xảy ra bệnh DTLCP và có số lợn phải tiêu hủy lớn nhất của huyện Trấn Yên. Lập tức sau khi có dịch trên địa bàn, xã triển khai thống kê tổng đàn lợn của từng gia đình ở 8/8 thôn, chủ hộ phải ký xác nhận số đầu lợn, phân loại lợn tại thời điểm rà soát. 

Việc này tạo điều kiện thuận lợi giúp địa phương trong suốt quá trình về sau thực hiện công tác tiêu hủy lợn bệnh, nghi mắc bệnh và chi trả hỗ trợ cho người chăn nuôi ở ba mặt: quản lý hiệu quả số lượng lợn, các loại lợn trước và sau khi có dịch; làm cơ sở đối chiếu khi tiến hành tiêu hủy; kiểm soát được tình trạng nhập lợn từ nơi khác về để trục lợi chính sách. 

Khi có dịch trên địa bàn xã, Minh Quân đã thành lập ngay 8 tổ tự quản ở 8 thôn do các bí thư chi bộ làm tổ trưởng để thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh. Cũng từ khi có dịch, vào ngày 15 hàng tháng, địa phương tiến hành rà soát, thống kê đàn lợn toàn xã để đối chiếu với tháng trước, kịp thời phát hiện sự tăng đàn cơ học. 



Cân lợn trước khi tiêu hủy ở thôn Liên Hiệp, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên. 

Ngoài ra, hoạt động của Tổ kiểm soát lưu động xã đã góp phần hạn chế việc vận chuyển, lưu thông lợn, các sản phẩm từ lợn không đúng qui định ra, vào địa bàn. 

Ông Phan Văn Nở ở thôn Linh Đức, xã Minh Quân cho biết: "Thôn tôi thực hiện rà soát, thống kê đàn lợn của từng hộ, lập biên bản tiêu hủy chặt chẽ, chính xác về số lượng, phân loại, trọng lượng với sự giám sát đầy đủ các thành phần của huyện, xã, thôn cũng như công tác tuyên truyền cho người dân thực hiện kịp thời, nhanh chóng”. 

Đến ngày 12/8, xã Minh Quân có 41/69 hộ có lợn phải tiêu hủy đã nhận đủ tiền hỗ trợ theo hai đợt: đợt 1 vào ngày 11/6, 15 hộ, 13.879 kg, 571.013.600 đồng; đợt 2 vào ngày 25/7, 26 hộ, 20.316 kg, 783.115.380 đồng. 

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đức Mầu - Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên: "Thời điểm trước và ngay sau khi dịch bệnh xuất hiện trên địa bàn, chúng tôi đã tập trung và nhanh chóng rà soát số lượng đầu đàn lợn tại từng hộ gia đình, các thôn bản, các xã. Vì vậy, dịch đến đâu, chúng tôi kiểm soát chặt chẽ tới đó, tránh tình trạng lợn chết được vận chuyển vào địa bàn từ nơi khác để hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ một cách bất chính. Có thể khẳng định đây chính là yếu tố quan trọng và quyết định việc chi trả hỗ trợ cho người chăn nuôi đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng”. 

Đầy đủ, chính xác thủ tục hồ sơ

Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thì khi bị thiệt hại, các hộ, chủ cơ sở chăn nuôi phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tiến hành thống kê, đánh giá thiệt hại, hoàn thiện hồ sơ gửi trực tiếp lên UBND cấp xã để giải quyết theo quy định. 

Cùng với phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ hàng đầu, trọng tâm, cấp bách thì việc hỗ trợ cho người dân cũng quan trọng không kém. Quá trình thực hiện hỗ trợ nhanh hay chậm phụ thuộc vào sự chỉ đạo có quyết liệt hay không của UBND cấp huyện đối với các xã để tổng hợp, thẩm định, công khai, dân chủ, báo cáo cấp trên. 

Kinh phí hỗ trợ công tác 
phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

 Đến ngày 19/8/2019, tổng kinh phí đã hỗ trợ cho công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 9 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Yên Bái là 10.244.394.260 đồng. 

Trong đó, kinh phí hỗ trợ cho chủ vật nuôi có lợn phải tiêu hủy là 9.188.964.260 đồng, cụ thể như sau:

- Huyện Văn Chấn: 1.067.606.000 đồng; 

- Thị xã Nghĩa Lộ: 228.051.000 đồng; 

- Huyện Lục Yên: 1.293.331.000 đồng; 

- Huyện Văn Yên: 677.000.000 đồng; 

- Huyện Trấn Yên: 2.232.549.260 đồng;

- Thành phố Yên Bái: 382.101.000 đồng; 

- Huyện Trạm Tấu: 2.486.738.000 đồng;  
    
- Huyện Yên Bình: 780.888.000 đồng;    
  
- Huyện Mù Cang Chải: 40.700.000 đồng. 
Theo ông Nguyễn Thành Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Đông Cuông, huyện Văn Yên thì quá trình hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy được thực hiện đồng bộ, đầy đủ, nhanh chóng với sự phối hợp chặt chẽ, nghiêm túc, trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn, chức năng của huyện với chính quyền địa phương. Các cơ quan, đơn vị như: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện đều khẩn trương hoàn thành các phần việc theo nhiệm vụ được giao để kịp thời thẩm định, báo cáo, trình UBND huyện phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho người chăn nuôi. 

"Có sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền địa phương với các cơ quan, đơn vị của huyện nên công tác chi trả hỗ trợ cho người chăn nuôi đảm bảo nhanh chóng, kịp thời cũng như đảm bảo chính xác, khách quan, công bằng” - bà Nguyễn Thanh Huyền - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Văn Yên cho biết. 

Chị Lương Thị Thêm ở thôn Sài Lương, xã Đông Cuông kể lại, khi thấy con lợn nái của nhà bị ốm mệt là chị đã báo ngay cho thôn. Sau đó, có cán bộ của huyện về lấy mẫu gửi đi xét nghiệm. Vài ngày sau có kết quả con lợn nái mắc bệnh DTLCP nên Tổ tiêu hủy xã đến cân lợn, tiêu hủy giúp gia đình, lập biên bản vào ngày 21/7 và thông báo mức hỗ trợ cho gia đình là 30.000 đồng/kg lợn hơi theo quy định của Nhà nước. 

"Đến ngày 16/8 vừa qua, tôi được Trưởng thôn thông báo đến trụ sở UBND xã nhận tiền hỗ trợ và tôi đã nhận đủ 4,260 triệu đồng. Việc chi trả hỗ trợ rất nhanh và tôi đã đặt mua 50 con gà về nuôi” - chị Thêm nói.

Để tiền hỗ trợ thật sự hiệu quả

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng chống bệnh dịch cũng như hỗ trợ các hộ chăn nuôi tiêu hủy lợn bệnh, các địa phương đều tập trung thông tin, tuyên truyền, công khai về chính sách, quy định mức hỗ trợ cụ thể của Nhà nước đối với các chủ vật nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh DTLCP. 

Thông qua công tác tuyên truyền, các hộ đã có nhận thức đúng về việc Nhà nước hỗ trợ để họ giảm bớt khó khăn bởi thiệt hại vì dịch bệnh chứ không phải đền bù. Sau khi nhận tiền hỗ trợ, vấn đề quan trọng khác được đặt ra là làm sao các hộ sử dụng hiệu quả nhất. Trạm Tấu - huyện vùng cao chịu nhiều thiệt hại do bệnh DTLCP trong thời gian qua. 

Thực hiện hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân có lợn bị tiêu hủy trong tháng 5 và tháng 6/2019, ông Phan Tuấn Ngọc - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện cho hay, địa phương xác định quan trọng nhất là không để người dân tiêu pha lãng phí nguồn tiền này. Bởi thế, huyện sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, định hướng người dân chuyển sang nuôi gà. 

Ông Mùa A Lồng - Phó Chủ tịch UBND xã Trạm Tấu cho biết: "Trực tiếp chi trả tiền hỗ trợ cho các hộ dân, chúng tôi cũng tuyên truyền luôn là phải tiết kiệm, nếu chưa biết nuôi con gì ngay bây giờ thì giữ lấy để sau này có vốn sản xuất”. 

Huyện Văn Chấn là địa phương xuất hiện ổ bệnh DTLCP đầu tiên trên địa bàn tỉnh Yên Bái từ đầu tháng 5/2019. Ông Nông Ích Chấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: "Đầu tháng 7, UBND huyện đã giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp chi trả hỗ trợ xong cho các hộ có lợn phải tiêu hủy trong tháng 5, tháng 6 với số tiền trên 1 tỉ đồng. Đồng thời, huyện cũng chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, vận động, định hướng các hộ này chuyển sang nuôi gia cầm các loại phù hợp với hoàn cảnh thực tế”. 

Gia đình ông Phạm Ngọc Hưng ở tổ dân phố 3, thị trấn Nông trường Trần Phú đã phải tiêu hủy 239 con lợn trong đầu tháng 5/2019. Đúng 20 ngày sau khi tiêu hủy đàn lợn, ông đã nhận được tiền hỗ trợ đợt 1 của Nhà nước là 300 triệu đồng và đến ngày 15/7 tiếp tục nhận đủ số tiền còn lại là trên 569 triệu đồng. Ngay sau đó, ông Hưng đã mua 300 con gà, hơn 500 con ba ba về nuôi và đi tìm hiểu, tham quan mô hình nuôi đà điểu ở huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. 

Với tình hình bệnh DTLCP vẫn đang diễn biến phức tạp, hầu hết số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại các địa phương đã có lợn phải tiêu hủy do dịch bệnh đều không đủ điều kiện để tái đàn trong thời điểm hiện nay. Vì vậy, với nguồn tiền hỗ trợ của Nhà nước, người dân nên tính toán kỹ lưỡng để chuyển đổi sản xuất phù hợp nhất với hoàn cảnh thực tế gia đình. 

Các địa phương cũng cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin, định hướng giúp người dân. Như thế, kinh phí hỗ trợ của Nhà nước cho các hộ chăn nuôi mới thật sự có ý nghĩa thiết thực và hiệu quả.

TIẾNG NÓI NGƯỜI CHĂN NUÔI

Bà Nguyễn Thị Vinh - Thôn Trung Tâm, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên: 



"Ngày 29/7, nhà tôi đã tiêu hủy 1 con lợn nái, 4 con lợn thịt. Đến ngày 16/8, tôi đã được nhận 16,025 triệu đồng với mức hỗ trợ 25.000 đồng/kg lợn hơi với lợn thịt, 30.000 đồng/kg lợn hơi với lợn nái. Thật sự bản thân tôi rất cảm ơn sự quan tâm của Nhà nước đối với người chăn nuôi vì được hỗ trợ đồng nào là tốt đồng ấy và cũng không nghĩ là được hỗ trợ nhanh như thế! Tôi sẽ dùng tiền này để trả nốt hơn 3 triệu đồng tiền cám, còn lại để đầu tư nuôi 9 con chó, 50 con gà, 40 con vịt bơ trong lúc chờ có thể nuôi lợn trở lại”.

Ông Nguyễn Ngọc Luyện - Thôn Đức Quân, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên: 



"Như nhà tôi đây, từ khi địa bàn xã chưa có dịch đến khi gia đình thực hiện tiêu hủy lợn theo quy định thì thôn, xã rà soát đầu đàn đến 3 lần. Khi tiêu hủy lợn, ngoài việc kí biên bản, cán bộ nhắc tôi ghi lại số lợn, số cân để đối chiếu sau này cho thuận tiện. Làm chặt chẽ như vậy thì sẽ ngăn ngừa được sự gian dối, ai cũng cảm thấy thoải mái. Nhà tôi tiêu hủy 80 con lợn cả nái lẫn thịt vào ngày 19/6 và tôi đã nhận được tiền hỗ trợ ngày 25/7 là hơn 166 triệu đồng. Dự định của tôi tới đây sẽ chuyển sang nuôi chim bồ câu”.

Anh Mùa A Nhà - Thôn Tấu Trên, xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu: 



"Con lợn nái nhà tôi bỏ ăn, cán bộ thú y đến theo dõi rồi bảo phải tiêu hủy vì mắc dịch bệnh. Con lợn nặng 75 kg, nhà tôi đem đi tiêu hủy từ hồi tháng 5. Lúc Trưởng thôn bảo ở hội trường thôn có dán thông báo những người được hỗ trợ, tôi có đến xem và tìm thấy đúng tên mình, đúng con lợn nái, đúng số cân. Đến hôm 3/8, đợt mưa bão vừa rồi thì Trưởng thôn bảo tôi đến nhà để đoàn công tác chi trả tiền hỗ trợ. Tôi nhận được 4,011 triệu đồng. Nếu Nhà nước không hỗ trợ thì đã mất trắng rồi!”.

Ý KIẾN NHÀ QUẢN LÝ

Ông Trần Thế Hùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 



"Việc thực hiện hỗ trợ kinh phí đối với các hộ chăn nuôi có lợn phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi đã được các huyện, thị xã, thành phố triển khai nghiêm túc, chủ động nguồn ngân sách địa phương để chi trả theo từng đợt và đã trình UBND tỉnh xin bổ sung kinh phí đợt 1. Qua các đợt chi trả hỗ trợ người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy trong tháng 5, tháng 6/2019, đến nay chưa nhận được bất cứ phản ánh hay thắc mắc nào. Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ cho các hộ có lợn tiêu hủy đợt tiếp theo”.

Ông Vũ Quang Hải - Chủ tịch UBND huyện Văn Yên: 



"Quán triệt chủ trương, tinh thần chỉ đạo của tỉnh về việc hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có lợn phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi, huyện Văn Yên đã chủ động, khẩn trương thực hiện. UBND huyện xác định để thực hiện chi trả hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời thì phải bắt đầu và đồng bộ từ từng hộ, thôn, xã đến các cơ quan, đơn vị chuyên môn của huyện có sự phối hợp hoạt động hiệu quả. Điều này đòi hỏi trách nhiệm của người đứng đầu phải luôn luôn sâu sát công việc, sâu sát tình hình cũng như thể hiện sự quan tâm đối với người dân, tạo sự đồng thuận trong nhân dân”.

Ông Lê Trung Kiên - Chủ tịch UBND xã Minh Quân, huyện Trấn Yên:



 "Đối với người dân, điều quan trọng nhất là phải tuyên truyền, giải thích, thông tin đến họ về các chủ trương, chính sách, quy định của Nhà nước hết sức kịp thời, cụ thể, rõ ràng, chính xác, công khai, dân chủ. Qua đó, người dân sẽ nắm bắt được, sẽ hiểu được và khi quyền lợi được đảm bảo thì họ sẽ không thắc mắc mà đồng tình, ủng hộ, nhất trí. Khi người dân đã ủng hộ thì chắc chắn họ sẽ đồng hành với địa phương để tích cực phòng chống dịch bệnh, nghiêm túc và tự giác thực hiện các quy định vì xác định được đó là trách nhiệm chung của cộng đồng, của mỗi người”.

Nguyễn Thơm - Hồng Duyên

Tags Tả lợn châu Phi chi trả hỗ trợ hộ chăn nuôi lợn phải tiêu hủy

Các tin khác
Ảnh minh họa

Lực lượng chức năng huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La vừa tiêu huỷ hơn 8 tấn lợn hơi bị dịch tả lợn châu Phi.

Theo Bộ NN&PTNT, cả nước đã đủ điều kiện để tái đàn lợn

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có 96% số xã không còn dịch tả lợn châu Phi, bảo đảm các điều kiện cho việc tổ chức tăng và tái đàn lợn.

Phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi lợn

Ngày 5/11, UBND tỉnh Yên Bái đã có Văn bản 3460/UBND – NLN về việc tập trung chỉ đạo, kiểm soát, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát, lây lan trên địa bàn tỉnh.

Người chăn nuôi cần thường xuyên phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột quanh khu vực chuồng trại.

Sau nhiều tháng công bố hết dịch, tháng 9 vừa qua, tại một số địa phương trên địa bàn thành phố Yên Bái, dịch tả lợn châu Phi đã tái phát, gây thiệt hại kinh tế cho người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục