Hơn 43 triệu ca mắc Covid-19 trên toàn cầu, dịch diễn biến đáng lo ngại

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/10/2020 | 8:53:47 AM

Tính đến 6h ngày 26-10, toàn thế giới có 43.317.087 ca mắc Covid-19, trong đó có 1.158.715 trường hợp tử vong và 31.891.750 bệnh nhân đã hồi phục.

Người dân đeo khẩu trang đợi xe buýt tại thành phố Barcelona (Tây Ban Nha).
Người dân đeo khẩu trang đợi xe buýt tại thành phố Barcelona (Tây Ban Nha).

Châu Mỹ

Mỹ vẫn là nước có số ca mắc và tử vong do Covid-19 đứng đầu thế giới, với tổng cộng 8.887.387 trường hợp nhiễm bệnh và 230.491 người đã tử vong. Số trường hợp mắc mới Covid-19 tại Mỹ trong hai ngày 23 và 24-10 cũng được ghi nhận ở mức cao kỷ lục từ trước tới nay, lần lượt là 81.417 và 79.453 trường hợp dương tính.

Theo thống kê của Reuters, số người nhập viện tại Mỹ đang tăng lên nhanh chóng và đạt mức cao nhất trong vòng 2 tháng, con số tử vong cũng có xu hướng tăng. Ít nhất 35 bang của Mỹ đã ghi nhận sự gia tăng số ca mắc mới vào tuần trước. Đến tháng 10, đã có 29 bang lập kỷ lục mới về số ca mắc trong vòng 24 giờ tại địa phương, trong đó có một số bang được coi là then chốt trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới là Ohio, Michigan, North Carolina, Pennsylvania và Wisconsin.

Ngày 25-10, Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia, đồng thời là bác sĩ hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm cho biết, các chuyên gia sẽ đưa ra nhận định về một loại vắc xin ngừa Covid-19 có an toàn và hiệu quả không vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 tới, song việc tiêm chủng rộng rãi nhiều khả năng sẽ không được thực hiện trước năm 2021.

Ngày 25-10, hai tỉnh đông dân nhất Canada là Ontario và Quebec ghi nhận mốc mới về số ca mắc Covid-19. Ontario lần đầu tiên có hơn 1.000 trường hợp dương tính mới trong 1 ngày, còn tổng số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tại Quebec cũng đã vượt mốc 100.000 người. Canada hiện có hơn 216.000 ca mắc, trong đó có gần 10.000 người tử vong. Số ca nhiễm bệnh với các triệu chứng nặng cũng có xu hướng gia tăng.

Châu Âu

Ngày 25-10, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia có hiệu lực ngay trong ngày, nhằm ứng phó với sự lây lan của Covid-19. Nhà lãnh đạo này nhận định nước này đang ở trong tình thế nghiêm trọng nhất trong nửa thế kỷ qua với hơn 1,1 triệu ca bệnh. Chính quyền các vùng cũng sẽ được phép áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với việc đi lại, hoạt động của doanh nghiệp và các hoạt động khác. Đây là lần thứ hai trong năm nay, Tây Ban Nha phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do đại dịch.

Ngày 25-10, số ca mắc mới Covid-19 ở Hà Lan ghi nhận kỷ lục mới với 10.202 ca dương tính trong vòng 24 giờ. Nước này đã có tổng cộng 291.254 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 7.046 bệnh nhân tử vong. 

Đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ hai, nhiều quốc gia khác tại châu Âu như Nga, Đức, Cộng hoà Séc cũng đã ghi nhận trên 10.000 ca mắc mới Covid-19 trong vòng 24 giờ vào cuối tuần qua.

Ngày 25-10, trên trang Facebook cá nhân, Thủ tướng Bulgaria Boyko Borisov xác nhận đã có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SAR-CoV-2 sau khi có những triệu chứng nhẹ và đang tự cách ly tại nhà.

Từ ngày 26-10, các dịch vụ kinh doanh ăn uống tại Italia như quán bar, nhà hàng… sẽ phải ngừng hoạt động sau 18h, trong bối cảnh làn sóng Covid-19 thứ hai diễn biến phức tạp. Dịch vụ giao đồ ăn tại nhà được phép hoạt động đến 24h nhưng cần tuân thủ nghiêm quy định về vệ sinh dịch tễ. Các trung tâm thương mại, dịch vụ bán lẻ cũng phải bảo đảm duy trì khoảng cách tối thiểu 1m.

Châu Á - Châu Đại Dương

Số ca nhiễm Covid-19 ở châu Á đã vượt mốc 13 triệu người, trở thành khu vực đứng thứ hai thế giới về tổng số ca mắc, chỉ sau khu vực Mỹ Latinh. Châu Á chiếm khoảng 30% trong tổng số trên 43 triệu người nhiễm trên toàn cầu. Với hơn 234.000 người tử vong, châu Á chiếm khoảng 21% tổng số ca tử vong vì Covid-19 toàn cầu.

Ngày 26-10, lần đầu tiên sau 6 tháng, bang Victoria của Australia không ghi nhận ca nhiễm mới vi rút SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ. Trước đó 1 ngày, bang này đã trì hoãn việc nới lỏng các biện pháp hạn chế vì một đợt bùng phát dịch mới ở Melbourne. Khoảng 5 triệu cư dân của thành phố Melbourne, thủ phủ của bang Victoria đã phải sống chung với các biện pháp phong tỏa kể từ tháng 7 nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Các biện pháp hạn chế đã giúp thành phố này giảm số ca nhiễm hằng ngày từ mức cao nhất hồi tháng 8 là hơn 700 trường hợp xuống còn 1 chữ số. Tuy nhiên, các cụm lây nhiễm ở vùng ngoại ô phía Bắc vào cuối tuần qua đã làm dấy lên lo ngại về một đợt bùng phát mới.

Đến nay, Australia ghi nhận hơn 27.500 ca mắc Covid-19, con số tương đối thấp so với nhiều quốc gia phát triển khác.

(Theo HNMO)

Các tin khác
Các chuyên gia đã phát hiện nồng độ vi rút cúm gia cầm

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19-4 thông báo đã phát hiện vi rút cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ vi rút này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.

Ảnh minh họa

Bệnh nhân viêm màng não có tiền sử khỏe mạnh nhưng thường xuyên ăn nem chua, thịt lợn tái.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp

Ngày 19-4, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với Bộ Y tế và một số bộ, ngành, địa phương về "Đề án tổng thể sắp xếp, tổ chức lại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế giai đoạn 2023-2030".

Nội soi không được khuyến khích cho đến khi 45 tuổi.

Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục