Bông hồng trắng Vu lan

  • Cập nhật: Thứ hai, 21/8/2017 | 8:15:20 AM

 YBĐT- Không còn ai chép những bài báo của cháu được đăng vào cuốn sổ rồi nâng niu, trân trọng cất đi. Không còn được gọi là thằng cu mặc dù cháu là con gái... Với cháu là một khoảng trống mênh mông khó lòng bù đắp, cháu không được làm củ ấu rất tròn giữa nụ cười hiền hậu của ông nữa. Vu lan này, cháu cài bông hồng trắng lên áo mẹ mà nước mắt rưng rưng!

Thế là gần 8 tháng cháu phải xa ông, 8 tháng cháu không được gọi 1 tiếng ông ngoại, không được rong ruổi về quê những ngày rỗi rãi. Trong ký ức của cháu từ những ngày ấu thơ, qua những lời kể của mẹ và những gì cháu cảm nhận được, ông như bóng cây đại thụ che chở cho cháu suốt bao nhiêu năm qua.

Từ khi sinh ra cháu đã được nâng niu, chăm chút trong vòng tay của ông bà với sự ấm áp luôn gợi nhớ đến tận bây giờ. Khi được vài ngày tuổi, cháu đi tiêm phòng qua nhà ông bà. Ông tất bật kiếm 1 cái túi bóng cho vào vài nắm gạo với mấy đồng tiền lẻ để cháu mang về "lấy may, sau này hay ăn chóng lớn”.
 
Lúc cháu được vài tháng, bố mẹ phải đi làm, hàng ngày, ông đạp xe mấy cây số lên bế cháu. Lớn lên ít nữa, cháu biết ăn, ông bà chắt chiu từng quả trứng để mỗi thứ Bảy cháu về đem đi ăn trong cả tuần. Cháu tập lắc vòng, ông hì hụi chẻ tre, vót, uốn cho cháu chiếc vòng xinh xắn để đi biểu diễn văn nghệ.
Đến khi bà mất, cháu chuyển trường đi học xa nhà, ông xoa đầu cháu an ủi: "Cố mà học cho ấm vào thân cháu ạ!”.
 
Mỗi lần cháu về, ông lại cho đồng tiền để đi đường ăn kem hay mua sách bút. Ngày cháu vào đại học, ông lần tìm sau 2 lớp túi cài kim băng cho cháu vài triệu đồng để mua điện thoại, cháu không nhận thì ông mắng yêu: "Cái thằng cu này lại giỏi tuân lệnh mẹ rồi”. Hôm về hè, thấy ông loay hoay dùng dây buộc lại cái gọng kính gãy, cháu lấy keo con voi dính lại, vừa gọn vừa chắc. Ông cười hiền từ: "Cái thằng cu này có mẹo thật!”.
 
Bao nhiêu bài thơ, câu chuyện của cháu được đăng báo, ông cẩn thận chép lại vào một cuốn sổ cất kỹ trong tủ. Vì ông coi cháu luôn tròn như củ ấu trong ca dao nên khi cháu có người yêu, cháu dẫn về ra mắt ông đầu tiên, ông gật gù sung sướng vì cháu đã sắp lớn khôn.

Cách đây 4 năm, các bác cho ông về quê chơi "dối già”, cháu được trong đoàn đi theo tháp tùng ông. Ở quê bao anh em họ hàng, ông dẫn cháu đi giới thiệu từng nhà, cháu vâng dạ nhưng làm sao mà nhớ hết bao nhiêu cách xưng hô theo ngôi thứ trong mấy ngày.
 
Hồi ấy vui lắm, ông bảo thế là mãn nguyện rồi. Ngày cháu nhận tấm bằng tốt nghiệp đại học về khoe, ông đặt lên bàn thờ thắp hương bà một lúc rồi đem xuống ngắm nghía tỏ vẻ rất hài lòng. Ông bảo cháu: "Cố mà kiếm lấy miếng cơm ăn cháu ạ, không tự nuôi được bản thân mình thì khổ lắm!”. Cháu cũng mong làm ông vui lòng nên những ngày nghỉ cháu lại về thăm ông.
 
Không cho ông tiền của nhưng cháu kể với ông những chuyện vui buồn để thấy ông gật gù: "Thế a? Thế à!”. Hầu như lần nào cháu chơi cờ với ông cũng thắng mặc dù cháu chơi chưa giỏi. Có lẽ, ông nhường cháu rồi. Cháu thích nhất khi được thấy ông rung đùi đánh đàn bài Tiểu đoàn 307 và nghe ông kể về Trung đoàn 316 của ông ngày xưa gian khổ ra sao. Cả nhà bảo cháu dính ông như con rận, ông cười sung sướng và hạnh phúc.

Năm ngoái, khi ông bị ốm, bác sỹ bảo khó qua khỏi, cả gia đình bất lực vì không thể chữa bệnh cho ông. Một buổi sáng đẹp trời, cháu dẫn ông đi chơi siêu thị mà không hề biết đấy là lần đi dạo cuối cùng của ông. Ông bảo, cuốn sổ ghi chép linh tinh trong đó có những bài báo của cháu, bao giờ ông không còn thì cho cháu để mọi người khỏi đốt mất. Cháu gạt đi vì nghĩ ông vẫn còn khỏe. Thế rồi ông bệnh nặng...
 
Đầu tháng, mẹ về thăm ông. Ông hỏi, sao không thấy cháu về cùng. Mẹ bảo, cháu đang đi làm bận lắm, cuối tháng rỗi rãi sẽ về với ông. Như đã hẹn, cuối tháng, cháu về với ông được một ngày. Hôm sau, lúc cháu chuẩn bị quay ra thành phố thì ông đi. Giây phút cuối đó chỉ có cháu và bác cả. Bao nhiêu con cháu chẳng kịp về với ông lúc chia ly.

Bóng cây đại thụ của gia đình đã không còn. Gần một năm qua, đàn con cháu vẫn ngược xuôi mưu sinh giữa dòng đời. Mỗi lúc trên đường nhìn thấy dáng người già tóc bạc, cháu lại chạnh lòng nhớ đến ông. Không còn những ngày nghỉ tất bật thu xếp để về quê, không còn những dịp tụ tập quây quần sum họp như xưa. Không còn ai chép những bài báo của cháu được đăng vào cuốn sổ rồi nâng niu, trân trọng cất đi. Không còn được gọi là thằng cu mặc dù cháu là con gái... Với cháu là một khoảng trống mênh mông khó lòng bù đắp, cháu không được làm củ ấu rất tròn giữa nụ cười hiền hậu của ông nữa. Vu lan này, cháu cài bông hồng trắng lên áo mẹ mà nước mắt rưng rưng!

Nguyễn Ngọc Trinh (Trường THCS Quang Trung, thành phố Yên Bái)

Các tin khác
Đại diện Nhóm Kết nối trẻ trao tiền hỗ trợ xây dựng Nhà nhân ái cho hộ gia đình anh Nguyễn Quang Vừa.

Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam huyện Lục Yên và Nhóm kết nối trẻ vừa phối hợp với UBND xã Minh Xuân tổ chức trao tiền hỗ trợ xây dựng Nhà nhân ái cho hộ gia đình anh Nguyễn Quang Vừa ở thôn Nà Khà.

Trần Tuấn Anh bên góc học tập tại nhà.

"Bẻ lái" sang Tin học năm lớp 10, Tuấn Anh trở thành học sinh duy nhất không thuộc trường chuyên được chọn vào đội tuyển Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương.

Đỗ Thị Thu Thảo ở Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

15 năm sau khi giành huy chương bạc Olympic Toán quốc tế (IMO), Đỗ Thị Thu Thảo tốt nghiệp tiến sĩ Toán học ở MIT, chuyển từ nghiên cứu sang làm cho công ty tài chính.

Nguyễn Quốc Nhật Minh (trường THPT Chuyên Hùng Vương) cũng là thí sinh đầu tiên mang cầu truyền hình chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia về với tỉnh Gia Lai.

Giành 250 điểm ở cuộc thi quý 2 Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24, Nguyễn Quốc Nhật Minh (trường THPT Chuyên Hùng Vương, Gia Lai) đã mang cầu truyền hình trận chung kết năm đầu tiên về với tỉnh Gia Lai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục