Hương vị tuổi thơ

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/9/2017 | 11:07:19 AM

Sang thu, cái nắng đã chín như một quả hồng Bảo Lương căng mọng rực rỡ như muốn thiêu đốt mọi thứ trên đường nó đi qua. Giữa dòng xe cộ hối hả, trong cái nắng chói chang, tôi cố len lên để nhanh về tới nhà. Phần vì tránh cái nắng, phần vì nồi canh cá nấu rau sắn chua mẹ tôi nấu sẵn đang chờ ở nhà. Đã lâu lắm rồi, từ ngày lên tỉnh, tôi đã chẳng còn được thưởng thức cái hương vị ngai ngái, chua chua nhưng lại rất đậm đà ấy nữa.

Nhà tôi ở một làng quê nghèo vùng núi trung du, nơi quanh năm chỉ làm bạn với đá sỏi cùng những nương sắn xanh bạt ngàn. Tuổi thơ tôi sống trong những năm tháng nghèo nàn lạc hậu. Cả vùng quê ấy nghèo chứ chẳng riêng nhà tôi. Nhà nào cũng vậy, có đến hẳn một quả đồi to với cơ man nào sắn, nào ngô, ấy vậy mà đủ ăn đã là may mắn lắm.
 
Với làng quê ấy, sắn là tất cả, là cơ nghiệp, là nguồn lương thực chính chỉ sau thóc lúa. Người dân quê tôi ăn cơm độn sắn quanh năm, đến mùa giáp hạt thì cháo sắn, sắn luộc rồi thì đủ các món ăn được chế biến từ sắn lúc nào cũng sẵn trên bàn. Nếu ai có hỏi đặc sản nơi đây là gì sẽ nhanh chóng có câu trả lời đó là sắn. Với riêng tôi, tất cả những hương vị đặc trưng của sắn dường như đã ngấm từ khi tôi còn nằm trong bụng mẹ.
 
Nhà có 5 anh chị em lại đẻ sát nhau. Vì vậy, đứa em út như tôi lúc nào cũng được mẹ địu trên lưng để đi làm đồi. Đi trồng sắn, đi vun cỏ, đi tỉa lá rồi đi thu hoạch và lại bắt đầu cái vòng tuần hoàn muôn thuở ấy. Mấy chị em tôi thích nhất vào những ngày mưa bởi khi ấy bố mẹ không đi làm đồi, cả nhà quây quần bên nhau. Những lúc ấy, thay vì món cơm độn sắn đơn thuần, mẹ tôi sẽ làm món bánh sắn.
 
Chẳng có gì to tát cũng chỉ là sắn luộc lên, rồi giã nhuyễn. Hôm nào sang thì có thêm tý đường trộn vào không thì chỉ là tý muối, nặn thành hình tròn trông như bánh rán, cho lên chảo nóng, lật qua lật lại cho xém hai mặt thế là mang ra ăn. Mấy anh em tôi ngồi vây quanh bếp, mắt chăm chăm nhìn chảo bánh của mẹ, mồm thì xoa xuýt vì thèm. Đến khi được ăn lại tranh nhau từng cái một. Cũng vẫn là sắn mà sao cái vị nó lại khác đến thế, dịu ngọt, bùi bùi và đặc biệt chẳng còn cái vị đặc trưng của sắn, cứ tưởng như một chiếc bánh rán bọc đường béo ngậy đang ở trước mắt.

Ở quê tôi, sắn được tận dụng từng tý một. Củ thì để người ăn, để làm thức ăn chăn nuôi, lá thì nuôi tằm, nuôi cá, còn ngọn thì lại chế ra một món ăn ngon lạ mà có lẽ chỉ ở miền quê vùng núi này mới có được đó là món rau sắn muối chua. Có rất nhiều loại sắn được trồng như sắn dù, sắn lá tre, sắn Nhật tùy vào mục đích sử dụng nhưng để làm được rau sắn muối chua thì phải dùng loại sắn xanh vì những loại kia sẽ dễ gây ngộ độc.
 
Vào mùa, mẹ tôi thường chọn những búp sắn xanh non, mập mạp nhất. Sau đó, hái về rửa sạch và khéo léo vò nát làm sao cho lá sắn mềm, sóng đều nguyên búp chứ không vụn thành từng đoạn. Sau đó, mẹ cho rau sắn vào cái vại sành, đổ ngập nước, đậy kín, ngâm cho lên men tự nhiên. Tùy thời tiết mà có thể ngâm rau trong 3 - 5 ngày. Bằng bàn tay khéo léo của mẹ, vại rau sắn lúc nào cũng vàng ươm, thơm nức mũi. Những ngày bình thường chúng tôi chỉ được ăn món canh rau sắn nấu với tý mỡ nước.
 
Chủ yếu là thưởng thức cái vị chua chua, thanh thanh của nước canh hoặc sang hơn là có món rau sắn xào tóp mỡ. Rau sắn chua được mẹ vớt ra, bóp sạch nước, mẻ tóp mỡ mới rán được chia làm hai rồi cho vào xào cùng với rau. Cái vị ngầy ngậy mà không ngán ấy cứ lan tỏa trong miệng anh em tôi, sao mà ngon đến vậy.

Thế nhưng, sang nhất phải kể đến món canh rau sắn nấu cá tép dầu. Những ngày rỗi việc, bố lại cùng chú tôi ra hồ đánh cá. Sau một ngày trời vất vả, thành quả mang về là những mẻ cá tép dầu tươi rói. Những lúc ấy, mấy anh em tôi lại cười rách miệng và không khỏi xuýt xoa khi nghĩ đến bữa ăn thịnh soạn tối nay. Đa phần số cá đó sẽ được mẹ rửa sạch ướp muối rồi kho khô để ăn dần. Mẹ để lại một phần nhỏ, nấu với rau sắn chua. Những chú cá nhỏ béo ngậy nấu với rau sắn quyện vào nhau tạo nên một hương vị đậm đà, thơm ngát khó quên. Mẹ tôi nấu món này là ngon nhất. Khi nồi canh được mang ra là mấy anh em tôi lại như quên cả đất trời, say sưa thưởng thức.
 
Lần nào cũng vậy, bố lại khen tay nghề của mẹ và không quên nhắc cũng vì món canh cá nấu rau sắn chua này mà bố cưới được cô gái vùng cao đảm đang tháo vát. Chẳng là bố tôi quê ở Thái Bình, những năm đi bộ đội lên công tác nơi vùng núi này, rồi gặp được mẹ tôi - cô thiếu nữ vùng cao nết na, hiền dịu. Buổi gặp gỡ đầu tiên, bố đã bị say bởi hương rượu vùng cao, bởi cô thiếu nữ có đôi mắt biết cười và đặc biệt say bởi bát canh cá nấu rau sắn chua cô nấu.
 
Chuếnh choáng say người, say hương, bố ở lại vùng cao rồi kết duyên cùng mẹ. Chính vì vậy, cứ mỗi lần thưởng thức món ăn đặc biệt này là bố mẹ tôi lại nhớ lại kỷ niệm xưa. Còn chúng tôi thì vừa thưởng thức vừa tít mắt cười trêu bố mẹ. Những khoảnh khắc ít ỏi nhưng lại đậm sâu ấy vẫn cứ mãi khắc sâu tâm hồn bé nhỏ của anh chị em tôi, để nhớ về một thời nghèo khó mà đầm ấm, hạnh phúc.

Tôi về đến nhà vừa kịp lúc mẹ nấu xong nồi canh cá nấu rau sắn chua thơm lừng. Dù giờ đây những chú cá tép dầu bé nhỏ đã được thay bằng những loại cá sang hơn như cá trắm, cá chép nhưng với tôi hương vị của bát canh cá mẹ nấu vẫn như xưa.
 
Trong nhà, giờ chỉ còn tôi thích ăn rau sắn. Các anh chị tôi bảo, ngày xưa nghèo khổ suốt ngày ăn rau sắn giờ chỉ nghĩ đến thôi là đã thấy sợ rồi. Vẫn bát canh cá mẹ nấu thơm lừng nhưng giờ chỉ còn tôi với mẹ thưởng thức.
 
Tôi biết, mỗi lần nấu món này, mẹ sẽ khuôn nguôi nhớ bố, nhớ về những tháng ngày nghèo khổ nhưng hạnh phúc quây quần, nhớ về những kỷ niệm của một thời son trẻ. Tôi uống từng ngụm canh ngon ngọt, hít hà hương vị của tuổi thơ, hương vị của tình yêu màu nắng.

Khánh Dung

Các tin khác
Đại diện Nhóm Kết nối trẻ trao tiền hỗ trợ xây dựng Nhà nhân ái cho hộ gia đình anh Nguyễn Quang Vừa.

Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam huyện Lục Yên và Nhóm kết nối trẻ vừa phối hợp với UBND xã Minh Xuân tổ chức trao tiền hỗ trợ xây dựng Nhà nhân ái cho hộ gia đình anh Nguyễn Quang Vừa ở thôn Nà Khà.

Trần Tuấn Anh bên góc học tập tại nhà.

"Bẻ lái" sang Tin học năm lớp 10, Tuấn Anh trở thành học sinh duy nhất không thuộc trường chuyên được chọn vào đội tuyển Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương.

Đỗ Thị Thu Thảo ở Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

15 năm sau khi giành huy chương bạc Olympic Toán quốc tế (IMO), Đỗ Thị Thu Thảo tốt nghiệp tiến sĩ Toán học ở MIT, chuyển từ nghiên cứu sang làm cho công ty tài chính.

Nguyễn Quốc Nhật Minh (trường THPT Chuyên Hùng Vương) cũng là thí sinh đầu tiên mang cầu truyền hình chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia về với tỉnh Gia Lai.

Giành 250 điểm ở cuộc thi quý 2 Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24, Nguyễn Quốc Nhật Minh (trường THPT Chuyên Hùng Vương, Gia Lai) đã mang cầu truyền hình trận chung kết năm đầu tiên về với tỉnh Gia Lai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục