Một ngày ở quê ngoại

  • Cập nhật: Thứ hai, 9/10/2017 | 1:44:57 PM

Quê ngoại. đó là triền đê luôn lộng gió mỗi buổi chiều về, những chú trâu thong thả, nhởn nhơ gặm cỏ, lũ trẻ chăn trâu thì thả diều, đá bóng, chơi chọi cỏ gà… Những mái nhà ngói đỏ, những con đường làng trải đầy rơm rạ mỗi khi mùa về, nhà nào cũng đều có một chiếc chõng tre trước sân để mọi người cùng ngắm mỗi đêm trăng sáng.

Một buổi sáng trong lành và dịu ngọt, ánh nắng chan hòa như đang rót mật xuống khắp cánh đồng, hàng cây và con đường. Trên triền đê xanh non màu cỏ, từng chú chuồn chuồn xinh đẹp đang bay lượn chập chờn.

Tôi tung tăng cùng đám bạn quê chạy nhảy trên triền đê mượt mà êm dịu ấy, rình để bắt những chú chuồn chuồn kia. Một khung cảnh thật tuyệt biết bao nhưng chỉ tiếc rằng, đó lại là giấc mơ đẹp của tôi đêm qua. Khi chiếc đồng hồ báo thức không thương tiếc rung lên những hồi chuông nhanh mạnh cũng là lúc tôi phải chia tay giấc mơ còn đang dang dở của mình.

Rồi ngày cuối tuần cũng đến thật nhanh, giấc mơ được về quê ngoại chơi của tôi cũng đã thành hiện thực. Đã rất lâu rồi tôi chưa được về quê ngoại bởi quê ngoại xa lắm, phải mất một ngày đi đường mới có thể về.
 
Quê ngoại tôi là một miền quê nghèo nơi đồng bằng Bắc Bộ. Ở nơi ấy vẫn còn những mái nhà ngói đỏ, những con đường làng trải đầy rơm rạ mỗi khi mùa về, nhà nào cũng đều có một chiếc chõng tre trước sân để mọi người cùng ngắm mỗi đêm trăng sáng.
 
Nhưng điều tôi thích nhất ở quê ngoại đó là triền đê luôn lộng gió mỗi buổi chiều về, những chú trâu thong thả, nhởn nhơ gặm cỏ, lũ trẻ chăn trâu thì thả diều, đá bóng, chơi chọi cỏ gà… Còn các cô, các bác thì tạm nghỉ tay, lấy chiếc nón mê đã cũ sờn phe phẩy quạt nói chuyện vụ mùa. Đó là những cảnh thường nhật ở quê nhưng với một đứa trẻ thành phố như tôi nó thật mới mẻ và đầy hứng thú.

Một ngày ở quê ngoại của tôi bắt đầu từ 5 rưỡi sáng, khi chú gà trống cất tiếng gáy vang gọi ông mặt trời thức dậy sau ngọn núi. Sau khi ăn sáng xong, tôi cùng ông bà và các bác ra đồng. Khung cảnh đồng quê luôn nhộn nhịp, người cày, người nhặt cỏ, cuốc đồng…
 
Mỗi người một việc. Người lớn đã vậy, còn lũ trẻ con chúng tôi thì chạy lăng xăng trên khắp cánh đồng. Người nhỏ làm việc nhỏ, các bạn có đứa thì giúp mẹ chăn trâu, đứa giúp cắt cỏ, đứa thì mò cua…, còn tôi chỉ đi cùng, mỗi lúc lại giúp làm một việc khác nhau. Chưa bao giờ được làm những công việc này nên tay chân tôi luống cuống, nhiều khi lại trở thành trò cười cho chúng bạn trêu đùa.
 
Sau những phút ban đầu bỡ ngỡ, được các bạn chỉ bảo tận tình, tôi cũng đã thu được những thành quả ban đầu. Chú trâu mộng của bà căng tròn bụng vì được tôi cắt cho một đống cỏ to, xanh non.
 
Và bữa trưa hôm ấy, nhà tôi có thêm món canh cua do chính tay tôi bắt. Món canh thật ngon nhưng nhớ lại để bắt được những chú cua ấy tôi đã phải dũng cảm thế nào. Lần đầu theo các bạn, tôi không dám thò tay vào hang bắt cua, tôi sợ bị cua cặp, sợ trong đó là một con rắn… rồi tôi cứ sợ… sợ nhiều thứ lắm. Tôi chỉ dám đứng trên bờ và nhìn. Nhưng khi thấy các bạn ai cũng đều bắt được cua mà chẳng thấy bị xảy ra điều gì nên tính tò mò trong tôi trỗi dậy.
 
Tôi rón rén đưa tay vào gần hang nhưng rồi lại rụt vội lại, thấy vậy, anh họ tôi cười bảo: "Để anh giúp em". Anh nắm tay tôi rồi cùng đưa vào hang, vừa đưa anh vừa dạy tôi: "Thò tay vào thật nhanh, xác định có cua là em phải chụp nhanh ngang người nó và đưa nhanh tay thả vào giỏ nếu không sẽ bị cặp đó".
 
Tôi gật gật ra vẻ đã hiểu và cũng bắt đầu học theo. Cũng phải bị cua cặp đến năm sáu lần thì tôi mới có kinh nghiệm bắt cua. Khi đã thành thạo hơn tôi lại trở nên vô cùng thích thú đến nỗi quên luôn cả ánh mặt trời đang chói chang chiếu trên đầu, những giọt mồ hôi ướt đầy trên mặt. Bữa ấy cả nhà ai cũng khen tôi giỏi nhưng cũng không khỏi xuýt xoa: "Khổ thân cháu tôi, mải bắt cua mà bị cháy nắng rồi, cứ thế này, sau khi về bố mẹ lại không nhận ra mất".
 
Tôi cười híp mắt cố húp nốt bát canh cua rau rút ngọt lịm của mình. Sau một giấc ngủ trưa say sưa, tôi thức dậy và lại chạy ra triền đê - nơi tôi yêu thích nhất để chơi cùng các bạn. Cuối chiều, ánh mặt trời không còn gay gắt nữa, trên triền đê từng cơn gió từ bờ sông thổi vào mát lạnh. 

Những con trâu nhởn nhơ gặm cỏ, còn chúng tôi thì túm năm tụm ba chơi trò chơi yêu thích. Những con diều giấy giản dị được sợi chỉ kéo căng như đang muốn bay lên cùng những đám mây trắng bồng bềnh. Diều càng lên cao lũ chúng tôi càng hò hét: "Bay lên diều ơi! Bay lên cao nữa đi".
 
Vừa hò vừa chạy cho đến khi con diều no gió cứ tự nhiên đưa mình lên cao. Chúng tôi thay nhau điều khiển dây diều. Sau trò chơi thả diều là trò chơi chọi cỏ gà. Những nhành cỏ gà béo mập được chúng tôi thu thập thành nắm trong tay, rồi lần lượt được đưa ra chọi. Do thiếu kinh nghiệm, những ngọn cỏ của tôi ban đầu nhỏ yếu nên toàn thua.
 
Về sau, tôi đã biết chọn cỏ gà, những nhành cỏ chọi của tôi đã trở nên dẻo dai và thắng được nhiều đối thủ. Mỗi khi thắng được một ván, tôi lại nhảy cẫng lên vì vui sướng, còn chúng bạn chỉ biết nhìn tôi lắc đầu cười.

Sau buổi chiều ngập tràn niềm vui ấy, tôi lại được quây quần bên mâm cơm ngập tràn mùi vị quê. Nồi canh rau muống luộc xanh rờn, bát cà muối giòn tan cùng đĩa cá kho thơm lựng. Vừa ăn tôi lại vừa huyên thuyên kể cho ông bà nghe câu chuyện của buổi chiều.
 
Cả nhà lại cười và trêu tôi. Rồi tiếng cười ấy cứ lan tỏa trong màn đêm yên tĩnh ngập tràn mùi rơm rạ. Một ngày đầy niềm vui của tôi khép lại trong bóng trăng mờ ảo. Tôi mỉm cười trong giấc ngủ dịu êm. Và trong giấc mơ đêm ấy tôi lại thấy mình tung tăng vui cười trên triền đê lộng gió cùng chúng bạn trong ánh mặt trời vàng tươi của ngày hè đầy nắng.

Khánh Dung

Các tin khác
Đại diện Nhóm Kết nối trẻ trao tiền hỗ trợ xây dựng Nhà nhân ái cho hộ gia đình anh Nguyễn Quang Vừa.

Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam huyện Lục Yên và Nhóm kết nối trẻ vừa phối hợp với UBND xã Minh Xuân tổ chức trao tiền hỗ trợ xây dựng Nhà nhân ái cho hộ gia đình anh Nguyễn Quang Vừa ở thôn Nà Khà.

Trần Tuấn Anh bên góc học tập tại nhà.

"Bẻ lái" sang Tin học năm lớp 10, Tuấn Anh trở thành học sinh duy nhất không thuộc trường chuyên được chọn vào đội tuyển Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương.

Đỗ Thị Thu Thảo ở Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

15 năm sau khi giành huy chương bạc Olympic Toán quốc tế (IMO), Đỗ Thị Thu Thảo tốt nghiệp tiến sĩ Toán học ở MIT, chuyển từ nghiên cứu sang làm cho công ty tài chính.

Nguyễn Quốc Nhật Minh (trường THPT Chuyên Hùng Vương) cũng là thí sinh đầu tiên mang cầu truyền hình chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia về với tỉnh Gia Lai.

Giành 250 điểm ở cuộc thi quý 2 Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24, Nguyễn Quốc Nhật Minh (trường THPT Chuyên Hùng Vương, Gia Lai) đã mang cầu truyền hình trận chung kết năm đầu tiên về với tỉnh Gia Lai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục