Ngôi trường ký ức

  • Cập nhật: Thứ hai, 10/9/2018 | 8:00:23 AM

YBĐT - Nỗi nhớ quê hương thường gợi về trong tôi những ký ức ngọt ngào. Nhất là vào những ngày đầu năm học mới, khi sống ở đâu trên dải đất quê hương cũng thấy hình ảnh những cô cậu học trò náo nức tới trường. Tôi thường mơ thấy mình buộc tóc hai bên, xách túi cước đến trường trong một buổi sáng mùa thu êm đềm.

Dưới cánh đồng lúa đã bắt đầu ra đòng, hương lúa như quyện vào từng bước chân, từng sợi tóc còn vàng hoe vì hay dãi nắng. Quê tôi nghèo nên mái trường cấp 1 của tôi cũng chỉ lợp bằng lá cọ. Nhưng mãi mãi trong tâm trí tôi, đó là ngôi trường đẹp nhất. Bởi ở đó, tôi cảm nhận được rất rõ những niềm vui của tình thầy trò, bè bạn. Ở đó, chưa khi nào tôi thấy mình được yêu thương nhiều đến vậy.  

Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn đinh ninh rằng, bài hát "Đi học” của nhạc sỹ Bùi Đình Thảo là viết về mái trường của chính tôi chứ không phải ở bất cứ ngôi trường nào khác. Cũng là tán cọ xanh, cũng là dòng suối róc rách sớm chiều. Là tiếng hát của cô giáo làng hiền dịu như cô Tấm trong câu chuyện cổ tích mỗi sáng thứ Bảy cô vẫn kể dưới tán cọ xanh. Ngày ấy, trẻ con ở quê không được đưa đi học như bây giờ. Vì bố mẹ còn bận lo bươn trải với những mùa đói kéo dài nên sáng nào, mấy đứa trẻ con chúng tôi cũng tự hẹn nhau đi học.
 
Những buổi sáng mùa đông, sương giăng khắp lối, tôi khoác cái áo bông của bố, lọt thỏm nhìn như một cái nấm trên đường. Cái Chi hay đòi buộc tóc cho tôi, nó buộc rất khéo, thi thoảng còn nghịch ngợm cài lên tóc tôi một bông hoa. Bây giờ, mỗi lúc nghĩ lại, tôi vẫn thấy thật hồn nhiên và ấm áp.

Trường tôi vách đất qua nhiều mùa mưa nắng đã thủng lỗ chỗ, mùa đông gió thổi vào lạnh buốt. Cô giáo phải mua nilon về giăng mà vẫn không kín gió. Nên chúng tôi cứ mấy đứa ngồi dồn vào một bàn, co người trong chiếc áo bông trấn thủ.
 
Thi thoảng lại rúc rích cười một động tác dễ thương nào đó của cô. Nhiều hôm, trời lạnh quá, chúng tôi còn mang theo cả những ống bơ đầy than hồng, vài ba cành củi khô, mấy nắm đỗ tương để giờ ra chơi vừa sưởi ấm vừa ngồi nướng đỗ.
 
Còn cô giáo của chúng tôi thì luôn luôn bên cạnh từng đứa trò nhỏ, đứa thì đòi cô tết tóc, đứa thì nhờ cô dạy gập hoa. Cũng có nhiều hôm, cô mang sẵn kim chỉ đi để khâu những mảng áo rách của lũ trò nghèo. Tôi cảm nhận, việc gì cô cũng làm với tất cả tình thương mến, khiến chúng tôi cảm thấy cô thật gần gũi và ấm áp.

Những buổi sáng mùa hè, tán lá cọ rì rào hát. Cô kể cho chúng tôi nghe biết bao nhiêu câu chuyện về cây cọ, làm cho tôi thấy yêu quê hương mình. Yêu cả những đồi cọ nhọc nhằn sỏi đá. Để từ đó có thêm thật nhiều kỷ niệm về ngôi trường nhỏ. Tuy còn bé nhưng chúng tôi có những buổi lao động công ích rất vui. Chúng tôi cùng lấy rơm, trộn đất, đắp lại tường sau mùa bão lớn. Cũng có khi đi xới cỏ quanh trường, mà chiến lợi phẩm mang về đôi khi là những củ mài mọc sâu dưới đất. Bọn con gái khéo tay thì đi giặt cờ Tổ quốc.
 
Cả ngôi trường nhỏ chỉ thấy có lá cờ là đỏ chói, chúng tôi nâng niu nó vô cùng. Bọn con trai thì đi đào hào, nhặt đá kê hàng rào xung quanh trường, tránh trâu bò người dân vào phá trường. Công việc nhiều khi nặng nhọc đến mệt nhoài nhưng đứa nào cũng vui, cũng tranh làm hết sức. Cô giáo bao giờ cũng mang quà từ nhà cho mấy đứa trò nhỏ. Khi thì kẹo bột, khoai luộc, bỏng ngô, cũng có khi là những thanh kẹo lạc thơm mùi mật, cay mùi gừng. Rồi ngồi nhìn mấy chục đứa học trò khúc khích cười hạnh phúc.

 Cả trường có hơn trăm học sinh, từ lớp một đến lớp năm. Nhưng cơ sở vật chất còn nghèo nàn, thiếu thốn nên chỉ có ba phòng học. Thành ra cứ một nửa học sáng, một nửa lại học chiều. Nghèo thì nghèo thật nhưng trường lúc nào cũng sạch sẽ, tinh tươm. Đã vậy, chúng tôi còn bảo nhau trồng và chăm bồn hoa trước trường.
 
Đất trồng hoa là đất phù sa sông Hồng, tụi con trai phải ra tận bờ đê lấy mang về. Vì đất trong rừng cọ khô cằn đến mức trồng cây gì cũng không thấy lớn. Hoa không chỉ mang hương sắc của giống loài mà còn thẫm màu của yêu thương. Thi thoảng đến sớm nhất lớp, tôi thường đứng lặng yên nhìn những chậu hoa trổ bông, trong lòng rộn lên những niềm vui khó tả.

Đã bao nhiêu năm trôi qua, tôi đã từng bước chân vào học trong biết bao ngôi trường khang trang khác nhưng không nơi đâu để lại trong tôi nhiều kỷ niệm ấm áp như ngôi trường tường đất, lợp lá trong rừng cọ tươi xanh ngày ấy. Thi thoảng trong giấc mơ của mình, tôi nghe thấy cô giáo tôi đang bắt nhịp cho cả lớp cùng hát bài "Tôi đi học”: "Trường của em be bé/ Nằm ở giữa rừng cây/ Cô giáo em tre trẻ/ Dạy em hát rất hay/ Hương rừng thơm đồi vắng/ Nước suối trong thầm thì/ Cọ xòe ô che nắng/ Râm mát đường em đi…”.

Vũ Thị Huyền Trang

Các tin khác
Bảo (trái) và Minh là hai trong 4 học sinh lớp 12 Lý 1, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, giành học bổng ASEAN. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bốn học sinh lớp 12 Lý 1, Trường chuyên Hà Nội-Amsterdam, cùng trúng tuyển Đại học Công nghệ Nanyang với học bổng ASEAN của chính phủ Singapore.

Em Bùi Khôi Nguyên (thứ 2 trái qua) đạt điểm toán tiểu học cao nhất thế giới và Lê Đình Trung Hiếu có điểm toán, khoa học cao nhất Việt Nam được vinh danh.

Em Bùi Khôi Nguyên (trường Tiểu học An Bình, Thành phố Thủ Đức) đạt điểm môn Toán Tiểu học cao nhất thế giới trong kỳ thi cấp chứng chỉ Pearson Edexcel.

Lãnh đạo Trường ĐH Duy Tân trao học bổng cho em Dương Thị Mỹ Linh.

Đang tính nghỉ học vì khó khăn, con gái cựu binh Dương Văn Dũng (đã mất) được trường trao học bổng toàn phần, trị giá 120 triệu đồng.

Đinh Cao Sơn giành Huy chương vàng Olympic Hóa học quốc tế năm 2023. Ảnh: baohatinh.vn

Năm 2023 là một năm đáng nhớ với Đinh Cao Sơn, cựu học sinh trường Trung học Phổ thông Chuyên Hà Tĩnh, hiện là sinh viên K73A, Khoa Hóa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sơn đã đạt Huy chương Vàng Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế IchO, là thí sinh có số điểm cao nhất của đội Việt Nam, xếp thứ 7 trong số gần 350 học sinh đến từ 89 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục