Khởi nghiệp vì quê hương

  • Cập nhật: Thứ hai, 31/12/2018 | 11:05:36 AM

YBĐT - Chưa bao giờ, không khí khởi nghiệp lại sôi nổi, hào hứng đến vậy. Quốc gia khởi nghiệp, nhà nhà, người người khởi nghiệp. Tại Yên Bái , phong trào cũng đang lan tỏa. Mọi thành phần lứa tuổi đều tận dụng tốt tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu của địa phương để phát triển kinh tế.

Cán bộ Hội Doanh nhân trẻ cùng các đoàn viên thanh niên trồng cây gáo vàng tại thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên.
Cán bộ Hội Doanh nhân trẻ cùng các đoàn viên thanh niên trồng cây gáo vàng tại thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên.

Sức trẻ tiên phong

Khởi nghiệp sẽ là một lựa chọn mạo hiểm song tuổi trẻ thích thử thách, thích xây dựng những cái mới mang dấu ấn của chính mình - đó mới chính là tinh thần của khởi nghiệp. Yên Bái là tỉnh miền núi khó khăn song các cấp, các ngành, đặc biệt là lãnh đạo tỉnh rất quan tâm, ủng hộ cho tinh thần "Thanh niên khởi nghiệp”. 

Với sức trẻ, nhiệt huyết và lòng quyết tâm, tuổi trẻ Yên Bái đã dần có bước chuyển mình đáng khích lệ trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp tại quê hương. 

Tiếp nối thành công của các cuộc thi, diễn đàn khởi nghiệp, năm 2018, Tỉnh đoàn Yên Bái đã tổ chức thành công Diễn đàn thanh niên, học sinh, sinh viên khởi nghiệp, thu hút trên 400 thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia. 

Cùng với đó, những sân chơi cho đoàn viên thanh niên cấp huyện như: Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp của Huyện đoàn Yên Bình; Cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên” của huyện Văn Yên… đã giúp đoàn viên thanh niên có thêm cơ hội, kinh nghiệm để hiện thực hóa những ước mơ, hoài bão khởi nghiệp của họ. 690 mô hình phát triển kinh tế của 690 thanh niên trong toàn tỉnh đạt thu nhập cao, tạo nên một bức tranh kinh tế rõ nét tại các địa phương đã khẳng định sự đóng góp của tuổi trẻ. 

Cùng với đó là việc duy trì và thành lập mới 13 hợp tác xã, 3 tổ hợp tác và 91 câu lạc bộ thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế với trên 200 thành viên.

Nhờ tận dụng thế mạnh địa phương, phát huy thế mạnh trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, năm qua, sự lan tỏa từ Phong trào "Tuổi trẻ sáng tạo” đã thu về trên 6.000 ý tưởng, giải pháp, sáng kiến tiêu biểu của đoàn viên thanh niên. 

Nổi bật như: giải pháp thiết kế sàn thao tác đấu nối hotline lưới điện trung áp khu vực miền núi của đoàn viên Mai Vũ Sơn, Đoàn Công ty Điện lực Yên Bái; giải pháp phân tích lỗi hệ thống và giám sát lưu lượng thiết bị truy nhập qua Monitor QGP0088 của đoàn viên Đoàn Tất Thắng - Đoàn Công ty Viễn thông Yên Bái... Ý tưởng và khát khao khởi nghiệp của tuổi trẻ đã được "tiếp lửa”. 

Một dự án khởi nghiệp trị giá 300 triệu đồng do Tỉnh đoàn Yên Bái phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh triển khai tại thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên là tín hiệu vui cho phong trào khởi nghiệp ở Yên Bái. 

Cùng với đó là các phong trào, cuộc vận động như "Tuổi trẻ Yên Bái chung tay xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị”, "Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”, "Thanh niên giúp nhau làm kinh tế giai đoạn 2014 - 2019”... Đây là tiền đề, là môi trường thuận lợi để khơi dậy, phát huy tinh thần khởi nghiệp của tuổi trẻ trong năm 2019.

"Tiếp lửa” cho phụ nữ

Cùng phong trào khởi nghiệp của tuổi trẻ, năm 2018, Hội Phụ nữ tỉnh đã quán triệt đầy đủ, toàn diện quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ nữ về khởi nghiệp, thúc đẩy hội viên hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh. Chủ động đồng hành cùng các cấp chính quyền tạo điều kiện tốt nhất để hội viên sáng tạo khởi nghiệp. 

Năm 2018, Hội đã hỗ trợ nữ doanh nhân và hợp tác xã tham gia 9 hội chợ tại các tỉnh, thành trong cả nước để trưng bày, giới thiệu sản phẩm tạo sự kết nối xúc tiến thương mại giới thiệu quảng bá các sản phẩm dịch vụ của tỉnh với các tỉnh bạn. 

Những cuộc tọa đàm đã giúp các hội viên được trao đổi nâng cao nhận thức về khởi nghiệp; hàng nghìn sổ tay, tờ rơi tuyên truyền về "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” đã được chị em chuyền tay nhau tìm hiểu. Hơn 1.000 lao động nữ được đào tạo nghề; 6 dự án với trị giá trên 10,2 tỷ đồng để hỗ trợ sinh kế cho hội viên nghèo bị ảnh hưởng thiên tai là những con số cụ thể tạo động lực cho chị em vươn lên. 

Cùng với đó, công tác hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác do nữ làm chủ mới thành lập tiếp cận các nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, đồng thời xây dựng ý tưởng, ưu tiên cho các mô hình kinh tế tập thể, hộ kinh doanh có ý tưởng sáng tạo.

Hết năm 2018, toàn tỉnh có 5.561 mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi có thu nhập từ 200 triệu đồng/năm trở lên, trong đó có 74 mô hình đạt 500 triệu đồng trở lên. Có thể kể đến mô hình kinh tế tổng hợp của chị Đỗ Thị Lộ ở xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn; mô hình trồng cây ăn quả của gia đình chị Đoàn Thị Hiên ở xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên… 

Đặc biệt, mô hình khởi nghiệp sản xuất, kinh doanh ngói màu Nasaki của chị Nguyễn Thị Khuyên ở thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình đã lọt vào top 15 đề án khởi nghiệp xuất sắc nhất của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam năm 2018. Sau thành công của Công ty Canxi Cacbonat Vinafine chuyên cung cấp bột đá cho các ngành sơn, nhựa, giấy, chị Khuyên thành lập công ty chuyên cung cấp ngói màu thông minh, theo công nghệ Nhật Bản thân thiện với môi trường. 

2 công ty của chị Khuyên tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương với thu nhập 6 - 7 triệu đồng/tháng. Những nỗ lực không ngừng của các hội viên phụ nữ trong sáng tạo khởi nghiệp, góp phần nâng cao đời sống để mỗi hội viên đều có cuộc sống "no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, rõ ràng, sự mạnh dạn, bứt phá của mỗi cá nhân, doanh nghiệp trong sáng tạo khởi nghiệp sẽ là tiền đề góp phần đưa tỉnh Yên Bái ngày càng vững bước trên con đường hội nhập và phát triển.

Thu Trang - Minh Huyền

Các tin khác
Đại diện Nhóm Kết nối trẻ trao tiền hỗ trợ xây dựng Nhà nhân ái cho hộ gia đình anh Nguyễn Quang Vừa.

Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam huyện Lục Yên và Nhóm kết nối trẻ vừa phối hợp với UBND xã Minh Xuân tổ chức trao tiền hỗ trợ xây dựng Nhà nhân ái cho hộ gia đình anh Nguyễn Quang Vừa ở thôn Nà Khà.

Trần Tuấn Anh bên góc học tập tại nhà.

"Bẻ lái" sang Tin học năm lớp 10, Tuấn Anh trở thành học sinh duy nhất không thuộc trường chuyên được chọn vào đội tuyển Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương.

Đỗ Thị Thu Thảo ở Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

15 năm sau khi giành huy chương bạc Olympic Toán quốc tế (IMO), Đỗ Thị Thu Thảo tốt nghiệp tiến sĩ Toán học ở MIT, chuyển từ nghiên cứu sang làm cho công ty tài chính.

Nguyễn Quốc Nhật Minh (trường THPT Chuyên Hùng Vương) cũng là thí sinh đầu tiên mang cầu truyền hình chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia về với tỉnh Gia Lai.

Giành 250 điểm ở cuộc thi quý 2 Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24, Nguyễn Quốc Nhật Minh (trường THPT Chuyên Hùng Vương, Gia Lai) đã mang cầu truyền hình trận chung kết năm đầu tiên về với tỉnh Gia Lai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục