Đào tạo nghề phi nông nghiệp ở Yên Bái: Cần sự vào cuộc từ ba phía

  • Cập nhật: Thứ năm, 4/5/2017 | 6:47:55 AM

YBĐT - Dù đã đạt được nhiều kết quả trong lĩnh vực dạy nghề (đến hết năm 2015, tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề của tỉnh đạt 30%). Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó, vấn đề đặt ra trong công tác đào tạo nghề là cơ cấu nghề phi nông nghiệp và nông nghiệp có tỷ lệ chênh lệch lớn.

Học nghề cơ khí tại Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái.
Học nghề cơ khí tại Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái.

Ông Nguyễn Bình Minh - Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết: “Trong giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh đã đào tạo nghề cho khoảng 60.000 lao động và trong năm 2016 vừa qua, chúng ta đã tuyển mới và đào tạo nghề cho 17.700 lao động. Tuy nhiên, tỷ trọng cơ cấu lao động vẫn chưa đạt như kỳ vọng, hiện nay tỷ trọng lao động tham gia hoạt động kinh tế ở các ngành công nghiệp - xây dựng - thương mại - dịch vụ mới đạt 31,2%, còn lại 68,8% lao động là hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, so với cùng kỳ năm trước, cơ cấu này mới chuyển dịch được khoảng 1%. Cụ thể, trong năm 2016, có 900 lao động theo học các nghề phi nông nghiệp trong khi có đến 4.019 người tham gia học nghề nông nghiệp. Chính vì vậy, cần có những giải pháp đột phá để giải quyết bài toán này”.

Tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng trên cho thấy: do Yên Bái là tỉnh miền núi, số doanh nghiệp đầu tư ít, cơ cấu kinh tế chủ yếu vẫn tập trung sản xuất nông, lâm nghiệp. Do đó, đại đa số lao động có nguyện vọng tham gia học nghề lại chủ yếu muốn học nghề nông nghiệp, những nghề này đáp ứng được nguyện vọng của người dân.

Bên cạnh đó, số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng đào tạo những nghề kỹ thuật như nghề xây dựng, sửa chữa thiết bị máy nông cụ, sửa chữa xe máy, điện dân dụng còn hạn chế, một số đơn vị có năng lực giảng dạy như Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái một số năm gần đây không tham gia hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn dẫn đến tuyển sinh nghề phi nông nghiệp gặp khó khăn...

Sự chênh lệch này đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, trong đó việc đầu tư của các doanh nghiệp gặp khó khăn khi nguồn nhân lực không đáp ứng đủ, quá trình xây dựng nông thôn mới chuyển biến chậm do cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm.

Để chuyển dịch cơ cấu lao động, giải pháp mang tính căn bản và hệ thống chính là chính sách phân luồng học sinh cuối cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông nhằm cung cấp đầu vào cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tuy nhiên, đây là giải pháp mang tầm vĩ mô, cần có lộ trình thời gian, vì vậy, cũng theo ông Nguyễn Bình Minh, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng lao động phi nông nghiệp có thể thực hiện thông qua nhiều giải pháp, như tăng đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ làm thay đổi cơ cấu lao động toàn bộ nền kinh tế của tỉnh theo hướng tăng nhu cầu lao động phi nông nghiệp; phát triển mạnh khu vực công nghiệp, dịch vụ ở cả nông thôn và thành thị; phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ...

Nhưng để chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động chúng ta cần thực hiện đồng bộ, tăng cường kết hợp trong việc đào tạo nghề, xã hội hóa công tác đào tạo nghề, gắn kết các doanh nghiệp, các cơ sở sử dụng lao động với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đồng thời nâng cao chất lượng lao động nông thôn.

Để kết hợp việc đào tạo nghề, xã hội hóa công tác đào tạo nghề, gắn kết các doanh nghiệp, các cơ sở sử dụng lao động với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chúng ta cần sự vào cuộc của 3 phía (Nhà nước - cơ sở giáo dục nghề nghiệp - doanh nghiệp).

Do đó về phía tỉnh, cần có chính sách đặc thù khuyến khích, hỗ trợ mạnh mẽ đối với doanh nghiệp về tài chính, tín dụng, các chính sách ưu đãi về thuế để giảm bớt chi phí đầu vào, tạo động lực trong việc sản xuất và mở rộng sản xuất, thu hút và giải quyết việc làm tại địa phương.

Cần tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực đào tạo nghề của các trường cao đẳng, trung cấp, các trung tâm dạy nghề - giáo dục thường xuyên, về cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, đội ngũ cán bộ, giảng viên. Bên cạnh đó, cần chú trọng việc đào tạo nghề cho người dân phải đảm bảo đúng và đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn.

Thực hiện chuyển đổi nghề, thông qua việc phối hợp đào tạo nghề giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh hoặc giữa người dân địa phương với doanh nghiệp thông qua các hình thức đào tạo ngắn hạn, trực tiếp tại cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc hình thức doanh nghiệp gửi/ thuê đối tác đào tạo theo đúng nhu cầu sử dụng lao động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

Về phía cơ sở giáo dục nghề nghiệp, phải trao đổi, chia sẻ thông tin về nhu cầu việc làm như số lượng cần tuyển dụng theo nghề nghiệp và trình độ, cơ cấu ngành nghề, yêu cầu về thể lực, trí lực cũng như các năng lực khác; các chế độ cho người lao động như tiền lương, môi trường và điều kiện làm việc.

Thường xuyên có thông tin phản hồi cho nhà trường về mức độ hài lòng đối với chất lượng đào tạo; giúp dạy nghề hướng vào việc đáp ứng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu của người sử dụng lao động và giải quyết việc làm.

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần coi doanh nghiệp là nơi để giáo viên và người học tiếp cận với công nghệ, phương tiện sản xuất tiên tiến, giúp họ học tập, rèn luyện tay nghề trên các thiết bị thực tế, hiện đại, kể cả những thiết bị đắt tiền mà các cơ sở nghề nghiệp không thể có.

Riêng Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái (có Khoa Sư phạm nghề), có thể trực tiếp đào tạo năng lực sư phạm cho các kỹ sư, nghệ nhân của doanh nghiệp, những người trực tiếp hướng dẫn cho học sinh, sinh viên thực tập.

Về phía doanh nghiệp, cần tham gia đặt hàng cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cùng với nhà trường nghiên cứu, sản xuất, phát triển các sản phẩm mới phục vụ nhu cầu thị trường. Việc phối hợp đào tạo, có nghĩa là doanh nghiệp đã được bổ sung một lực lượng lao động phụ để thực hiện công việc là người học thực tập tại các doanh nghiệp, tiền công rẻ.

Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp theo dõi và tuyển chọn được những học sinh, sinh viên giỏi, có năng lực thực tế phù hợp với yêu cầu.

Về vấn đề này ông Minh chứng minh,  năm 2016 vừa qua, đã có 2 doanh nghiệp là Công ty May KNF và Công ty May Unico - Global rất quan tâm hoạt động đào tạo lao động, đã chủ động đăng ký hoạt động dạy nghề với Sở LĐTB&XH. Qua đó, đã thực hiện đào tạo nghề và cấp chứng chỉ cho trên 2.000 lao động.

Cùng với sự vào cuộc của 3 phía, phải nâng cao chất lượng lao động nông thôn, cần thực hiện ở mức độ "đột phá". Do tính chất quyết định của trình độ văn hóa cũng như kỹ năng lao động của người lao động nông thôn trong việc chuyển dịch lao động sang khu vực phi nông nghiệp một cách bền vững, nhằm đáp ứng nhu cầu công việc tại chỗ và nhu cầu di chuyển nội bộ ngành, ngoài ngành và di chuyển giữa các vùng.

Nâng cao chất lượng lao động nông thôn là cần tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề; nâng cao thể lực cho người lao động nông thôn. Thể lực khỏe mạnh đi kèm với trình độ chuyên môn và ý thức nghề nghiệp, văn hóa làm việc sẽ tạo ra sức cạnh tranh lớn và khả năng dịch chuyển lao động cao hơn.

Cùng những giải pháp trên, ông Minh cho biết, thời gian tới sẽ tham mưu cho lãnh đạo Sở LĐTB&XH giúp tỉnh xây dựng Đề án đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực công nghiệp chế biến nông, lâm thủy sản tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2017 - 2020.

Trong Đề án, sẽ đề xuất một số giải pháp như: hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm, học tập kinh nghiệm quản lý và tổ chức sản xuất; xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo theo nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; huy động đội ngũ giáo viên có trình độ, kinh nghiệm tham gia giảng dạy, tổ chức đặt hàng dạy nghề theo địa chỉ sử dụng, theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh…

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong nội dung quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ. Với nhiều tín hiệu lạc quan, hy vọng dưới sự chỉ đạo, điều hành của Trung ương và của tỉnh, nền kinh tế - xã hội cả nước nói chung và của tỉnh Yên Bái nói riêng sẽ có nhiều khởi sắc, nhiều doanh nghiệp ra đời, phát triển, mở rộng sản xuất, thu hút đầu tư nguồn lực tài chính và thu hút, tạo công ăn việc làm cho người lao động ở tỉnh Yên Bái. Cùng các giải pháp triển khai, cơ cấu lao động ở Yên Bái sẽ có bước chuyển dịch căn bản.

Quyết định số 1600/QĐ - TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2016 - 2020 mục tiêu đào tạo nghề cho 5,5 triệu lao động nông thôn, trong đó có 1,4 triêu người học nghề nông nghiệp, 4,1 triệu người học nghề phi nông nghiệp.

Đình Tứ

Các tin khác
Quang cảnh Hội thảo

Chiều 19/4, Sở Giáo dục-Đào tạo (GD&ĐT) Yên Bái phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông tại Trường THPT Nguyễn Huệ.

Lãnh đạo huyện Văn Chấn tham quan các sản phẩm trưng bày tại Giao lưu “Nét chữ - Nết người” cấp huyện năm 2024 được tổ chức ngày 17/4 tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn vừa tổng kết Giao lưu “Nét chữ - Nết người” cấp huyện cấp tiểu học, năm học 2023- 2024.

Quang cảnh buổi gặp mặt báo chí thông tin về chương trình “Tiếp sức mùa thi” 2024.

Chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm 2024 tiếp tục được triển khai từ tháng 4 đến tháng 8, cao điểm từ ngày 27 đến 30/6 với nhiều đổi mới nhằm hỗ trợ tốt nhất cho thí sinh và người nhà thí sinh.

Giờ ôn tập kiến thức chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông của học sinh lớp 12 trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội).

Học sinh lớp 12 trên cả nước đang bước vào giai đoạn nước rút, tăng tốc ôn tập để sẵn sàng bước vào kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024. Lưu ý một số nội dung trong công tác dạy học, ôn tập, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: Các nhà trường cần lưu ý hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch năm học 2023-2024; phân loại trình độ học sinh để tổ chức ôn tập phù hợp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục