Mù Cang Chải nỗ lực triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/9/2020 | 7:49:27 AM

YênBái - Năm học 2020 - 2021, huyện Mù Cang Chải, cũng giống như tất cả các địa phương khác trong toàn tỉnh, đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Là huyện nghèo, đời sống còn nhiều khó khăn, để triển khai, Mù Cang Chải phải nỗ lực rất lớn, đơn cử từ việc mua sách giáo khoa...

Một giờ học của cô và trò Lớp 1 A1 Trường PTDTBT TH&THCS Khao Mang.
Một giờ học của cô và trò Lớp 1 A1 Trường PTDTBT TH&THCS Khao Mang.

Mặc dù là những tiết học nội quy của những tuần đầu năm học mới, song để giúp học sinh lớp 1 chủ động với việc tiếp thu quy định không vứt rác bừa bãi, cô giáo Hoàng Thị Hoa Lan - giáo viên chủ nhiệm lớp 1 A1, Trường PTDTBT TH&THCS Khao Mang, huyện Mù Cang Chải đã cho 2 học sinh trải nghiệm tình huống, 1 em vứt rác không đúng nơi quy định, còn 1 em thấy đó nhắc nhở phải cho rác vào thùng, rồi từ đó các học sinh khác đưa ra nhận xét và tự rút ra cho mình những kiến thức, thông tin cần lĩnh hội dưới sự gợi mở của cô giáo. 

Cô Lan chia sẻ: "Chương trình mới, thầy cô vất vả hơn, nhưng lại mang hiệu quả rất lớn. Học sinh sẽ được trải nghiệm nhiều hơn theo phương châm dạy cho học sinh làm chứ không phải dạy cho học sinh biết, gắn với năng lực của học sinh”. 

Năm học 2020 - 2021, Trường PTDTBT TH&THCS Khao Mang có 852 học sinh, trong đó có 167 học sinh lớp 1. Mặc dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, song nhà trường đã nỗ lực khắc phục, bố trí 5 phòng học kiên cố cho 5 lớp 1 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Cô giáo Phạm Thị Minh Hằng - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Nhà trường  có tổng số 25 lớp/13 phòng học, nên hiện đang phải học 2 ca. Để thực hiện dạy 2 buổi/ngày theo chương trình mới cho lớp 1, Trường đã phải bố trí thêm 3 phòng học, trong đó 1 phòng học nhờ tại nhà cộng đồng của xã, còn lại là tận dụng 1 phòng hội đồng và 1 phòng ở bán trú. Chủ trương vận động phụ huynh mua sách giáo khoa cho học sinh cũng gặp khó khăn, do còn nhiều người dân thu nhập bấp bênh nên mới chỉ có số ít phụ huynh đóng tiền nhờ nhà trường mua sách, còn lại Trường phải đứng ra mua trả sau sách cho học sinh để các em có sách học khi năm học mới đã bắt đầu”. 

Tìm hiểu được biết, không chỉ ở Khao Mang mà hầu hết các trường trên địa bàn huyện đều phải đứng ra mua trả sau sách giáo khoa cho học sinh để bảo đảm các em có sách học khi phụ huynh chưa có tiền nộp mua sách cho con. Ông Hoàng Văn Đồng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải cho biết: "Nếu không đứng ra bảo lãnh để các trường mua sách giáo khoa cho học sinh thì không thể có đủ sách giáo khoa khi bước vào năm học mới. Đó là giải pháp tình thế, song chúng tôi rất mong nhận được sự ủng hộ, trợ giúp của các cấp, các ngành, các đơn vị, cá nhân hảo tâm để giải quyết vấn đề này”. 

Năm học 2020 - 2021, huyện Mù Cang Chải có 58 lớp 1 với 1.884 học sinh. Để chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, các nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, bố trí đủ phòng học đảm bảo cho học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ ngày. 

Cùng với khó khăn về cơ sở vật chất thì việc tiếp nhận đổi mới trong hình thức tổ chức dạy học, quy trình dạy đối với đội ngũ giáo viên cũng có những khó khăn nhất định. Mặc dù, cán bộ, giáo viên của huyện đã được tập huấn theo đúng kế hoạch của ngành, trong đó 100% cán bộ quản lý cấp tiểu học, 100% giáo viên lớp 1 được tập huấn về việc thay sách. 

Cô giáo Phạm Thị Minh Hằng - Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH&THCS Khao Mang chia sẻ: "Các thầy cô hiện nay vừa dạy, vừa nghiên cứu, vừa học hỏi lẫn nhau. Cũng có những băn khoăn, nhưng tất cả đều đã sẵn sàng thực hiện. Chúng tôi xác định, sẽ dành nhiều chuyên đề đối với lớp 1; sẵn sàng xây dựng phương án có tiết học hỏi, có tiết hỗ trợ, cả Ban Giám hiệu phải vào cuộc”. 

Trường TH&THCS thị trấn Mù Cang Chải có lẽ là đơn vị duy nhất trên địa bàn huyện đến thời điểm này 100% phụ huynh học sinh đã tự mua sách giáo khoa và các điều kiện cơ sở vật chất khác tương đối đầy đủ cho con em mình, đảm bảo cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Thầy giáo Vương Quốc Hòa - Phó Hiệu trưởng chia sẻ: "Ban đầu, phụ huynh cũng có những băn khoăn, song được tuyên truyền vận động, đến nay hầu hết phụ huynh đều tin tưởng vào sự thay đổi này. Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, dù có nhiều bỡ ngỡ ban đầu, song cán bộ giáo viên trong nhà trường đều chủ động để thực hiện tốt”. 

Theo cô giáo Hoàng Thị Thương - giáo viên lớp 1, Trường TH&THCS thị trấn thì chương trình mới có vất vả hơn, song các thầy, cô lại thấy rất hứng thú. 

Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới tại huyện Mù Cang Chải năm học 2020 - 2021 có những khó khăn đặc trưng của địa phương, song các cấp ủy, chính quyền địa phương đã dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ ngành giáo dục và đào tạo, đặc biệt sự nỗ lực của các thầy cô giáo sẽ từng bước khắc phục những khó khăn, thực hiện có hiệu quả, tạo nên sự thay đổi lớn cho giáo dục Mù Cang Chải.      
                                
Thanh Ba

Tags Mù Cang Chải chương trình giáo dục phổ thông mới

Các tin khác
Lãnh đạo huyện Văn Chấn tham quan các sản phẩm trưng bày tại Giao lưu “Nét chữ - Nết người” cấp huyện năm 2024 được tổ chức ngày 17/4 tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn vừa tổng kết Giao lưu “Nét chữ - Nết người” cấp huyện cấp tiểu học, năm học 2023- 2024.

Quang cảnh buổi gặp mặt báo chí thông tin về chương trình “Tiếp sức mùa thi” 2024.

Chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm 2024 tiếp tục được triển khai từ tháng 4 đến tháng 8, cao điểm từ ngày 27 đến 30/6 với nhiều đổi mới nhằm hỗ trợ tốt nhất cho thí sinh và người nhà thí sinh.

Giờ ôn tập kiến thức chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông của học sinh lớp 12 trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội).

Học sinh lớp 12 trên cả nước đang bước vào giai đoạn nước rút, tăng tốc ôn tập để sẵn sàng bước vào kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024. Lưu ý một số nội dung trong công tác dạy học, ôn tập, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: Các nhà trường cần lưu ý hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch năm học 2023-2024; phân loại trình độ học sinh để tổ chức ôn tập phù hợp.

Ảnh minh hoạ.

Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD&ĐT) có văn bản gửi các sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục