Thị xã Nghĩa Lộ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới: Nhiều cách làm hay

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/10/2020 | 1:48:41 PM

YênBái - Năm học mới 2020 - 2021 là năm học mà ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) thực hiện song song chương trình giáo dục phổ thông hiện hành với chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Phòng học của học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Kim Đồng, thị xã Nghĩa Lộ được đầu tư các trang thiết bị dạy học hiện đại.
Phòng học của học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Kim Đồng, thị xã Nghĩa Lộ được đầu tư các trang thiết bị dạy học hiện đại.

Các đơn vị trường học, các địa phương đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc thay sách giáo khoa lớp 1, đổi mới chương trình học, phương pháp dạy học.  Thị xã Nghĩa Lộ đã có những cách làm chủ động để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.

Năm học này, trên địa bàn thị xã có 34 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, với 491 lớp và 16.144 học sinh, trong đó 40 lớp 1 với 1.291 học sinh. Bước vào năm học mới, tất cả các trường trên địa bàn đã đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ đáp ứng tốt cho việc triển khai Chương trình và sách giáo khoa lớp 1 mới. 100% số giáo viên được tập huấn về Chương trình giáo dục phổ thông 2018, được nghiên cứu 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 và tham gia lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 theo đúng các văn bản hướng dẫn. 

Tuy vậy, trong quá trình thực hiện không tránh khỏi những khó khăn như một số giáo viên do tuổi cao nên chưa linh hoạt, ngại đổi mới trong công tác nghiên cứu, tìm hiểu và thực hiện Chương trình, sách giáo khoa mới; cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu so với yêu cầu đổi mới, tỷ lệ phòng học kiên cố và bán kiến cố trên địa bàn toàn thị xã mới chỉ đạt 0,94 lớp/ phòng; trang thiết bị để ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy còn thiếu, chưa đáp ứng đủ yêu cầu; nhiều học sinh thuộc diện cận nghèo không được hưởng các chế độ chính sách hỗ trợ của Nhà nước. 

Xác định được những khó khăn đó, ngành GD&ĐT thị xã Nghĩa Lộ đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành các kế hoạch, quyết định về triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 trên địa bàn thị xã và thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện Chương trình và sách giáo khoa mới đối với lớp 1, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, bố trí kinh phí mua sắm thiết bị dạy học, đảm bảo tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày. 

Trong đó, bảo đảm các trường có tỷ lệ 1 phòng học/lớp; có đủ phòng chức năng, thư viện, sân chơi, bãi tập, công trình vệ sinh sạch sẽ; đủ thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1; có phương án điều động, luân chuyển giáo viên giữa các đơn vị trường để cân đối về số lượng, thực hiện đảm bảo dạy học 2 buổi/ ngày. Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT thị xã đã chỉ đạo các đơn vị trường học đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt đến các nhà trường những nội dung, nhiệm vụ về đổi mới dạy học, chuẩn bị các điều kiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại các văn bản hướng dẫn nhiệm vụ các năm học; tuyên truyền đến cấp ủy, chính quyền các xã, phường và nhân dân về đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông để tạo đồng thuận và ủng hộ của các lực lượng xã hội. 

Trong đó, tập trung tuyên truyền cho cha mẹ học sinh, nhất là cha mẹ học sinh có con vào lớp 1, năm học 2020-2021 biết về Chương trình giáo dục phổ thông 2018, những điểm mới của Chương trình để có tâm thế chủ động cho con bước vào năm học mới; tích cực thực hiện xã hội hóa ở các nhà trường đảm bảo 100% học sinh lớp 1 có đủ sách giáo khoa mới, đặc biệt quan tâm đến đối tượng học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Ngành đã chủ động rà soát, đánh giá lại các điều kiện về cơ sở vật chất đề xuất phương án sửa chữa, nâng cấp, bổ sung cơ sở vật chất tại các đơn vị trường đang trong lộ trình được đầu tư xây dựng và các trường không nằm trong lộ trình. 

Trong năm học, thị xã tiếp tục đầu tư xây mới 20 phòng học tại một số nhà trường (4 phòng tại Trường TH&THCS Lý Tự Trọng, 12 phòng tại Trường Tiểu học Kim Đồng và 4 phòng tại Trường TH&THCS Thạch Lương). Đồng thời, sử dụng kinh phí được cấp mua sắm thiết bị cho học sinh lớp 1 vùng đặc biệt khó khăn đảm bảo 100% lớp 1 có đủ thiết bị để học tập; ưu tiên bố trí phòng học có điều kiện tốt nhất cho lớp 1. 

Bà Lò Thị Tuyết Dung - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã cho biết: "Cùng với việc chuẩn bị về cơ sở vật chất, về việc lựa chọn sách, Phòng GD&ĐT thị xã đã hướng dẫn, chỉ đạo sát sao tới các đơn vị trường học. Sau một thời gian nghiên cứu, đánh giá 5 bộ sách, các trường tiểu học trên địa bàn đã lựa chọn được bộ sách phù hợp với địa phương. Việc lựa chọn sách được các nhà trường thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch và phù hợp với từng trường trên địa bàn toàn thị xã. Phòng đã tổng hợp và báo cáo kết quả lựa chọn, đăng ký về Sở GD&ĐT. Dự kiến cuối năm học sẽ tổ chức hội nghị đánh giá việc thực hiện sách giáo khoa lớp 1 để làm cơ sở cho việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 2”. 

Xác định đổi mới giáo dục phải đổi mới từ những thầy cô giáo - những người dẫn dắt học sinh tìm đến với kiến thức, ngành GD&ĐT thị xã đã tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên của từng môn học, lớp học để có kế hoạch điều chỉnh, bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đã có, đồng thời xây dựng kế hoạch bổ sung kịp thời, đầy đủ, đảm bảo về chất lượng đáp ứng yêu cầu triển khai đổi mới Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo lộ trình. 

Hiện nay, trên địa bàn thị xã chỉ đạt tỷ lệ bình quân 1,38 giáo viên/ lớp, trong khi đó thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới yêu cầu tỷ lệ giáo viên đạt 1,5 giáo viên/ lớp cho lớp 1. Mặc dù số lượng giáo viên cấp tiểu học thiếu so với định mức, song chủ trương của Phòng GD&ĐT là sẽ bố trí đủ và bảo đảm về chất lượng giáo viên cho khối lớp 1 trong năm học 2020-2021. 

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trường lựa chọn và bố trí những giáo viên vững về chuyên môn dạy lớp 1. Mặt khác, chỉ đạo các nhà trường thực hiện các giải pháp đổi mới trong việc tổ chức các hoạt động dạy học với mục tiêu nâng cao chất lượng. 

Trong đó tập trung xây dựng kế hoạch dạy học buổi 2 phù hợp với điều kiện của đơn vị trường; tăng cường tổ chức cho giáo viên tham gia các lớp tập huấn trực tiếp, trực tuyến về hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực; cùng trao đổi xây dựng kế hoạch bài học theo hướng tăng cường, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh thông qua việc thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học để thực hiện cả ở trên lớp và ngoài lớp học; trao đổi, thảo luận thống nhất xây dựng kế hoạch nhà trường đối với các môn học lớp 1; yêu cầu giáo viên lớp 1 tham gia xây dựng thời khóa biểu, thiết kế bài dạy, quay video các tiết dạy thể nghiệm để làm tư liệu tập huấn, bồi dưỡng giáo viên. 

Đồng thời, các trường thường xuyên tổ chức các chuyên đề cấp trường, cấp cụm trường để tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên được cùng nhau trao đổi học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong việc vận dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học. 

Với những giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, thị xã Nghĩa Lộ đã triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới bước đầu thuận lợi, hứa hẹn sẽ là tiền đề cho đổi mới giáo dục chung tại địa phương, góp phần vào phát triển sự nghiệp giáo dục của tỉnh.

Thanh Vy

Tags thị xã Nghĩa Lộ giáo dục cách làm hay mô hình

Các tin khác
Từ ngày 24/4, thí sinh học lớp 12 năm học 2023-2024 có thể đăng ký dự thi thử tốt nghiệp THPT trực tuyến. Ảnh minh họa

Từ ngày 24-28/4, học sinh được đăng ký thi thử tốt nghiệp THPT trên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Học sinh lưu ý khoảng thời gian này để tập dượt đăng ký dự thi.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện hồ sơ báo cáo Chính phủ việc đề xuất trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi...

Quang cảnh buổi tập huấn.

Để chuẩn bị cho Kỳ thi tuyển sinh năm học 2024-2025 và Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Sở Giáo dục-Đào tạo Yên Bái đã phối hợp với Công an tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thi.

Lãnh đạo huyện Văn Chấn và Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện trao thưởng cho những học sinh đạt thành tích cao tại Giao lưu

Người Việt từ xưa đã có câu “Nét chữ, nết người”, cho thấy tầm quan trọng của việc viết chữ đẹp có ý nghĩa như thế nào trong xây dựng, hình thành nhân cách con người. Thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo huyện Văn Chấn không chỉ tổ chức nhiều hội thi, cuộc thi chuyên môn mà còn tổ chức thành công Giao lưu “Nét chữ - Nết người” cấp huyện cấp tiểu học, năm học 2023-2024, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho học sinh và giáo viên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục