Thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở Trấn Yên: Nhiều cách làm hay, sáng tạo

  • Cập nhật: Thứ tư, 7/4/2021 | 7:56:46 AM

YênBái - Cùng với các địa phương trong tỉnh, năm học 2020 - 2021, Trấn Yên đã triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1 ở tất cả các đơn vị trường học. Đến nay, đã qua 2/3 chặng đường, hầu hết giáo viên, các nhà quản lý giáo dục trên địa bàn huyện đều đánh giá triển khai hiệu quả và thành công.

Một giờ học của cô và trò Trường TH&THCS Hòa Cuông.
Một giờ học của cô và trò Trường TH&THCS Hòa Cuông.

Để có được những kết quả khả quan đó, các đơn vị trường học trên địa bàn huyện, đặc biệt là các trường học vùng khó, khắc phục khó khăn, có nhiều sáng tạo trong thực hiện. Những quyết liệt trong chỉ đạo của ngành và những vận dụng linh hoạt của các nhà trường sẽ là tiền đề để ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) huyện tiếp tục có những thành công trong thực hiện với lớp 2 và lớp 6 vào năm học tới.

Trong giờ học của cô và trò lớp 1A Trường TH&THCS Kiên Thành, huyện Trấn Yên, thay vì máy chiếu, bảng thông minh hỗ trợ bài giảng để học trò có thể nhìn trực quan, dễ hiểu thì cô giáo đã chiếu hình ảnh lên chiếc tivi treo gần bảng. Tuy hình ảnh không thể lớn bằng máy chiếu hay bảng thông minh, song với những học sinh lớp 1 này thì như vậy cũng đã rất thú vị để hiểu được bài. 

Thầy Đào Trọng Hai - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Nhà trường đóng trên địa bàn xã vùng 3 của huyện, trên 90% học sinh là con em gia đình dân tộc thiểu số còn khó khăn. Do vậy, khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới, nhà trường gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất. Song cùng với công tác tuyên truyền vận động người dân, nhà trường cũng kêu gọi ủng hộ  của các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân nên 100% học sinh lớp 1 của nhà trường đều có sách giáo khoa theo chương trình mới. Tất cả các lớp học của lớp 1 đều có tivi thay cho máy chiếu hay bảng thông minh. Giáo viên kết nối với máy tính cá nhân để trình chiếu trên tivi cho học sinh quan sát những hình ảnh trực quan. Với điều kiện khó khăn, Hội đồng Sư phạm nhà trường cũng đã đưa ra nhiều giải pháp khắc phục để triển khai hiệu quả chương trình Giáo dục phổ thông mới”. 

Để chuẩn bị cho chương trình Giáo dục phổ thông 2018, triển khai năm học 2021-2022 cho lớp 2 và lớp 6, nhà trường cũng đã tiến hành rà soát cơ sở vật chất, có kiến nghị với cấp trên. Cùng với đó, những kinh nghiệm trong triển khai đối với lớp 1 sẽ được vận dụng. 

Thầy Hai chia sẻ thêm: "Nhà trường cũng sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động phụ huynh học sinh, kêu gọi các nhà hảo tâm để bảo đảm đủ sách giáo khoa và các thiết bị cần thiết phục vụ cho học tập. Trên tinh thần nhà trường vẫn thực hiện giải pháp sử dụng tivi thay máy chiếu và bảng thông minh. Mặc dù vậy, đối với các hoạt động cần tương tác thì tivi sẽ bị hạn chế. Vì vậy, nhà trường đã đề xuất với Phòng GD&ĐT, với huyện về các hạng mục cơ sở vật chất thiết yếu phục vụ Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho lớp 2 và lớp 6”.

Cũng là đơn vị đóng trên địa bàn vùng khó của huyện Trấn Yên, Trường TH&THCS Hòa Cuông chưa có phòng học thông minh với bảng tương tác. Năm học 2020 - 2021, nhà trường triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với 3 chiếc máy chiếu di động. 

Cô giáo Phạm Thị Kiều Vân - Hiệu trưởng Trường TH&THCS Hòa Cuông chia sẻ: "Với tinh thần của ngành, năm học 2020 - 2021, chúng tôi ưu tiên cơ sở vật chất cho khối lớp 1 để triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông  2018. Năm học 2020 - 2021, nhà trường có 2 lớp 1 thì 3 chiếc máy chiếu lắp di động chủ yếu dùng cho 2 lớp 1 và một số hoạt động của các lớp khác. Hiệu quả của Chương trình Giáo dục phổ thông mới sau hơn một kỳ học là sự yên tâm và đồng hành của phụ huynh học sinh. Song, dù cơ sở vật chất được đầu tư nhưng chưa đồng bộ vì thế một số tính năng của thiết bị mới chưa được phát huy hết”. 

Bài học kinh nghiệm ở Trường TH&THCS Hòa Cuông đó là sự đồng lòng của phụ huynh học sinh trong triển khai thực hiện, từ mua sách giáo khoa, xây dựng cơ sở vật chất đến việc đồng hành cùng con sau mỗi bài học. 

Để làm được điều đó, công tác tuyên truyền được nhà trường đẩy mạnh về tận cuộc họp thôn bản, tham mưu đưa vào Nghị quyết của HĐND xã và Nghị quyết của Đảng ủy xã để người dân ai cũng hiểu, nhận thức đúng đắn và cả cùng đồng lòng thực hiện, nhất là cùng hiểu, biết về những khó khăn của nhà trường để có sự chung tay ủng hộ. Là trường 3 cấp, nên trong giai đoạn này nhà trường đang tận dụng điều này để có những chỉ đạo đồng bộ trong triển khai, có những sự chuẩn bị để "cập” vào với chương trình mới. 

Cô Phạm Thị Kiều Vân chia sẻ thêm: "Để chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 năm học tiếp theo cho lớp 2 và lớp 6, sẽ có những khó khăn nhiều hơn, phải chuẩn bị nhiều hơn. Rút kinh nghiệm lớp 1, năm nay chương trình mầm non 5 tuổi có nhiều vấn đề chưa cập được, nhà trường đang chỉ đạo giáo viên mầm non 5 tuổi dạy cập với chương trình lớp 1 mới. Còn với lớp 5, Phòng đã điều chỉnh phân phối chương trình, tuy nhiên nhà trường yêu cầu giáo viên lớp 5, giáo viên lớp 6 cùng nhìn lại bộ sách và hướng dẫn lớp 5 có những nội dung tiếp cận được với lớp 6 sang năm, thiết kế dạy bổ sung”. 

Là giáo viên đang giảng dạy lớp 5, cô giáo Nguyễn Thị Thắm - Trường TH&THCS Hòa Cuông chia sẻ: "Để chuẩn bị tiền đề tiếp cận cho các em vào chương trình mới tôi thực hiện sự chỉ đạo của ngành thực hiện điều chỉnh kế hoạch giảng dạy theo định hướng phát triển năng lực, giúp các em tiếp cận, làm quen để có sự chuẩn bị bước vào chương trình lớp 6 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Xây dựng kế hoạch dạy học, điều chỉnh nội dung phù hợp, trên cơ sở đó giúp các em về tâm lý cũng như là kiến thức để các em sẵn sàng bước vào Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 trong năm học 2021-2022 đạt được kết quả cao nhất. Bên cạnh đó, tôi cùng với tập thể giáo viên trong trường làm tốt công tác tuyên truyền tới phụ huynh học sinh, để phụ huynh học sinh hiểu được mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, từ đó đồng thuận, đồng hành cùng nhà trường khắc phục khó khăn trong thực hiện các nhiệm vụ giáo dục”.  

Thẳng thắn nhìn nhận rằng, áp dụng chương trình mới tích hợp, giáo viên không phải ai cũng làm được ngay, nên các nhà trường đã ưu tiên chọn giáo viên nhanh nhạy tham gia trước, còn với các giáo viên còn lại ngành GD&ĐT huyện hướng dẫn tập huấn, tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn theo hướng bài học để giáo viên cùng trao đổi bài. 

Tổ chức sinh hoạt liên trường để các giáo viên chia sẻ cái khó, cái dễ trong thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời, linh hoạt bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên hiện có, những khối lớp triển khai thực hiện trước thì ưu tiên đảm bảo đủ số lượng giáo viên theo quy định đối với mỗi cấp học. Trong trường hợp chưa thể bố trí đủ giáo viên theo định mức thì có các giải pháp tạm thời, phù hợp với đặc điểm từng trường, từng địa phương để bảo đảm "có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”. 

Bà Lê Thị Bích Thúy - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trấn Yên cho biết: "Khi thực hiện chương trình, các đơn vị nhà trường trên địa bàn huyện có rất nhiều những cách làm sáng tạo, có những tư duy, tìm được cách mới để làm sao cho phù hợp nhất, hiệu quả nhất trong thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tại huyện, cơ cấu giáo viên hiện cũng đang có sự chênh lệch, theo hướng dẫn của Sở, Phòng đang điều chỉnh, sắp xếp lại một số môn cho hợp lý. Mặt khác, cán bộ giáo viên trong toàn huyện đã tập trung trí lực, tinh thần và nêu cao trách nhiệm nghiên cứu sách, có những đánh giá, nhận xét đối với các cơ quan chức năng nhằm lựa chọn những bộ sách phù hợp nhất. Cùng với đó, để thực hiện được mục tiêu của Chương trình, ngành GD&ĐT Trấn Yên mong muốn các cấp lãnh chỉ đạo, quan tâm đến cơ sở vật chất, trang thiết bị trong các nhà trường”.

Dù còn khá nhiều thử thách, nhưng với những cách làm sáng tạo ngành GD&ĐT huyện Trấn Yên đã xác định những giải pháp hướng đến, chính là cách đưa chương trình đến với từng địa bàn, nhà trường, giáo viên và học sinh một cách hiệu quả.
Thanh Ba

Tags Trấn Yên vùng dâu tằm Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

Các tin khác
Giờ ôn tập kiến thức chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông của học sinh lớp 12 trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội).

Học sinh lớp 12 trên cả nước đang bước vào giai đoạn nước rút, tăng tốc ôn tập để sẵn sàng bước vào kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024. Lưu ý một số nội dung trong công tác dạy học, ôn tập, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: Các nhà trường cần lưu ý hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch năm học 2023-2024; phân loại trình độ học sinh để tổ chức ôn tập phù hợp.

Ảnh minh hoạ.

Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD&ĐT) có văn bản gửi các sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2024.

Bộ GD&ĐT chính thức ban hành kế hoạch tuyển sinh đại học và tuyển sinh ngành cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024.

Hội đồng thi tại Trường liên cấp Việt - Úc ngày thi Violympic Vòng Quốc gia đầu tiên

Năm 2023 - 2024, Violympic ghi nhận số lượng hội đồng thi cao kỷ lục với hơn 900 hội đồng thi trên khắp cả nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục