Mù Cang Chải: Giáo dục văn hóa dân tộc góp phần xây dựng huyện du lịch

  • Cập nhật: Thứ hai, 12/4/2021 | 1:53:28 PM

YênBái - Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là chiến lược phát triển bền vững quốc gia, là nhiệm vụ chung của toàn xã hội; trong đó, giáo dục giữ vai trò quan trọng nhất.

Cô giáo Trường PTDTBT Tiểu học &THCS La Pán Tẩn dạy khâu thêu cho các em học sinh.
Cô giáo Trường PTDTBT Tiểu học &THCS La Pán Tẩn dạy khâu thêu cho các em học sinh.

Bằng con đường giáo dục và thông qua giáo dục, các giá trị về vật chất và tinh thần, các kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, kinh nghiệm ứng xử, lối sống, ngôn ngữ, phong tục, tập quán… của các dân tộc được lưu truyền, tồn tích, vận hành nối liền các thế hệ. 

Những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) huyện Mù Cang Chải đã chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn tích cực xây dựng các hoạt động gìn giữ văn hóa trong trường học.

Những ngày qua, trên các trang báo điện tử, mạng xã hội xuất hiện màn múa khèn lớn và độc đáo của học sinh Mù Cang Chải. Hình ảnh những cô cậu học trò trong trang phục truyền thống cùng với chiếc khăn quàng đỏ trên vai thực sự ấn tượng với người xem. 

Để có được màn biểu diễn hoành tráng đó, 500 em học sinh của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) Tiểu học & THCS Chế Cu Nha và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Mù Cang Chải đã tập luyện một tháng dưới sự hướng dẫn của các thầy, cô giáo và các nghệ nhân dân gian.

Em Thào Thị Sông - Trường PTDTBT Tiểu học &THCS Chế Cu Nha chia sẻ: "Chúng em rất vui khi được tham gia buổi biểu diễn này. Ở trường, chúng em thường xuyên tập múa và biểu diễn trong các hoạt động ngoại khóa của nhà trường nên không phải tập luyện nhiều, chủ yếu tập cho đều giữa 2 trường”. 

Những năm qua, huyện Mù Cang Chải rất chú trọng công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Xác định những người trẻ sẽ là những người thực hành các giá trị văn hóa, huyện đã có những chỉ đạo yêu cầu ngành GD&ĐT huyện Mù Cang Chải hướng dẫn tổ chức các hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống trong trường học. 

Những câu lạc bộ dân ca, dân vũ, khâu thêu… đã thu hút rất nhiều học sinh tham gia. Nhiều trường mời các nghệ nhân địa phương đến truyền dạy cho học trò tạo nên những hoạt động giáo dục ý nghĩa. 

Cô giáo Nguyễn Thị Hiền - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học & THCS La Pán Tẩn chia sẻ: Nhà trường lồng ghép, tích hợp giáo dục văn hóa, lịch sử địa phương vào các môn học, các hoạt động giáo dục của nhà trường. Cùng với đó, các câu lạch bộ: khâu thêu, biểu diễn thời trang, múa khèn, múa ô, múa gậy sinh tiền, múa khèn Mông... hoạt động đều đặn. 

"Để truyền dạy và tổ chức các câu lạc bộ này, trước tiên, nhà trường huy động những thầy, cô giáo người bản địa có năng khiếu, am hiểu. Nhà trường cũng thường xuyên mời những nghệ nhân, những người am hiểu sâu về văn hóa dân gian đến truyền dạy cho các em” - cô Hiền nói. 

Các hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc được triển khai rộng khắp ở tất cả các cấp học, tuy nhiên, bậc học mầm non có sự quan tâm định hướng đặc biệt, bởi đây là cấp học tiền đề, nền tảng cho các cấp học sau nay. 

Chính vì vậy, ngay từ đầu năm học 2020-2021, Phòng GD&ĐT huyện Mù Cang Chải tổ chức lớp "Tập huấn tăng cường công tác giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Mông, Thái trong các đơn vị trường mầm non năm học 2020- 2021 và những năm tiếp theo”. 

Trước mục tiêu xây dựng huyện Mù Cang Chải thành huyện du lịch, ngành GD&ĐT huyện xác định đồng thời nhiệm vụ giáo dục kiến thức cho học sinh là hướng dẫn các em học sinh giữ gìn, bảo tồn và thực hành những nét văn hóa truyền thống của dân tộc. 

Ngành GD&ĐT huyện đã yêu cầu các cơ sở giáo dục lồng ghép hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa các dân tộc huyện Mù Cang Chải vào các hoạt động sinh hoạt và hoạt động ngoại khóa.

Cụ thể là tổ chức sưu tầm, trưng bày các sản phẩm là hiện vật, tài liệu, tư liệu lịch sử; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc của địa phương dưới hình thức thi viết, thi "Rung chuông vàng”, "Em làm hướng dẫn viên du lịch” với chủ đề tìm hiểu về một di tích lịch sử, về kiến thức nhà ở, một lễ hội truyền thống, món ăn dân tộc.

Tổ chức trình diễn, thuyết trình, giới thiệu về truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc địa phương… hoặc tổ chức các hoạt động như: Ngày hội văn hóa các dân tộc, trong đó có trình diễn thời trang, biểu diễn múa hát, sử dụng nhạc cụ dân tộc, làm món ăn dân tộc, trò chơi dân gian… 

Các trường có học sinh nội trú, bán trú thường xuyên tổ chức các hoạt động tập thể, giúp học sinh hiểu hơn về ngôn ngữ, truyền thống, phong tục, thói quen… của các dân tộc khác. 

Qua đó, tăng cường sự hiểu biết, quan tâm, chia sẻ và tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc; triển khai các mô hình trường học gắn với văn hóa, lịch sử địa phương như trường học du lịch, trường học gắn với di sản văn hóa, trường học hạnh phúc. 

Huyện cũng thực hiện tốt việc dạy học chữ viết, tiếng nói dân tộc Mông trong trường phổ thông có đủ điều kiện; tổ chức tốt việc bồi dưỡng tiếng dân tộc cho cán bộ quản lý, giáo viên công tác vùng dân tộc thiểu số; triển khai dạy học tiếng Mông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2021 - 2022 đối với lớp 1. 

Năm học này, huyện đã tuyên truyền để các em học sinh người dân tộc thiểu số mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình 2 buổi/tuần và vào các dịp lễ tết, ngày hội. Từ năm 2022 trở đi, 100% học sinh dân tộc thiểu số các cấp trên địa bàn huyện Mù Cang Chải mặc trang phục truyền thống 2 buổi/tuần và vào các dịp lễ tết, ngày hội. 

Sự chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện của Phòng GD&ĐT huyện Mù Cang Chải, cùng các hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc thiết thực, hiệu quả trong trường học không chỉ góp phần quan trọng trong việc giáo dục học sinh phát triển toàn diện mà còn là một phần quan trọng xây dựng nền tảng vững chắc trong tiến trình xây dựng huyện du lịch của Mù Cang Chải. 

Thanh Ba

Tags Mù Cang Chải Giáo dục huyện du lịch trang phục truyền thông lễ tết ngày hội

Các tin khác
Niềm vui của thí sinh sau khi hoàn thành Kỳ thi tuyển sinh THPT tỉnh Yên Bái năm học 2023 - 2024.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025 sẽ diễn ra. Dự kiến toàn tỉnh có trên 9.000 học sinh khối lớp 9 tham dự kỳ thi. Để hiểu rõ hơn về điểm mới cũng như công tác chuẩn bị cho Kỳ thi, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã phỏng vấn bà Tô Thị Ánh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Ngành GD&ĐT huyện Văn Chấn kịp thời khen thưởng học sinh có thành tích xuất sắc.

Văn Chấn là huyện vùng cao, đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Những năm qua, huyện đã luôn quan tâm chú trọng, chỉ đạo các đơn vị trường học đổi mới toàn diện giáo dục, đặc biệt là đổi mới công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu. Nhờ đó, chất lượng giáo dục mũi nhọn của huyện Văn Chấn ngày càng được nâng lên với những bước tiến đáng kể.

Từ ngày 24/4, thí sinh học lớp 12 năm học 2023-2024 có thể đăng ký dự thi thử tốt nghiệp THPT trực tuyến. Ảnh minh họa

Từ ngày 24-28/4, học sinh được đăng ký thi thử tốt nghiệp THPT trên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Học sinh lưu ý khoảng thời gian này để tập dượt đăng ký dự thi.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện hồ sơ báo cáo Chính phủ việc đề xuất trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục