Bảo đảm công bằng trong xét tuyển đại học

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/6/2022 | 7:29:16 AM

Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 6-6-2022 có một số điều chỉnh căn bản, nhận được sự đồng thuận cao.

Triển khai cập nhật kết quả học tập của học sinh trung học phổ thông lên cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục giúp việc xét tuyển đại học chính xác, minh bạch. Trong ảnh: Một tiết ôn tập của học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai).
Triển khai cập nhật kết quả học tập của học sinh trung học phổ thông lên cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục giúp việc xét tuyển đại học chính xác, minh bạch. Trong ảnh: Một tiết ôn tập của học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai).

Những điểm mới này không chỉ tạo thuận lợi cho thí sinh, nhà trường, mà còn góp phần giải quyết những bất cập, hạn chế trong kỳ tuyển sinh năm trước, hướng đến việc bảo đảm công bằng hơn trong kỳ xét tuyển đại học năm 2022.

Tạo thuận lợi cho thí sinh

Nhằm hạn chế tối đa sự xáo trộn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non theo hướng cơ bản giữ ổn định, phát huy những ưu điểm, bảo đảm công bằng, minh bạch hơn trong công tác xét tuyển đại học năm nay.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thu Thủy thông tin, một trong những điểm mới của Quy chế là thí sinh phải đăng ký tất cả các nguyện vọng xét tuyển (theo các ngành, các phương thức, các cơ sở đào tạo) đại học đợt 1 theo hình thức trực tuyến lên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh của Bộ. Tất cả các nguyện vọng này sẽ được hệ thống xử lý, giúp thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất mà không phải lo lắng lựa chọn giữa các phương thức xét tuyển khác nhau. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng quy định thí sinh không phải xác nhận nhập học trước đối với các phương thức khác (xét học bạ, chứng chỉ…) vì có thể làm mất đi cơ hội được nhập học vào các trường, ngành mà các em mong muốn, hoặc phải tốn "phí giữ chỗ”…

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) Lê Việt Dương cho hay, năm nay, các trường trung học phổ thông có trách nhiệm cập nhật lên cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục kết quả học tập của ba năm học (lớp 10, lớp 11, lớp 12) của thí sinh. Dữ liệu này được đồng bộ sang hệ thống tuyển sinh nhằm hỗ trợ thí sinh và các nhà trường trong xét tuyển đại học. Đây là việc mới đối với các trường phổ thông, song là cần thiết để bảo đảm cho việc xét tuyển đại học chính xác, minh bạch, tránh sai sót.

Em Nguyễn Mai Anh, học sinh Trường Trung học phổ thông Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) bày tỏ: "Năm nay, chúng em bớt vất vả hơn vì không cần công chứng hoặc đề nghị trường trung học phổ thông xác nhận kết quả học tập để đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học. Cách thức này giúp em yên tâm, tập trung hơn vào việc ôn tập".  

Bảo đảm quyền lợi tốt hơn

Bên cạnh việc khắc phục hạn chế của các kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng giáo dục mầm non năm trước, Quy chế còn có những quy định mới hướng đến bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho thí sinh.

Từ đầu tháng 6 đến nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã tổ chức xét tuyển sớm bằng các phương thức như xét tuyển học bạ, xét tuyển kết hợp… Hiện đã có thí sinh nhận được thông báo trúng tuyển tạm thời và được nhà trường đề nghị thực hiện cam kết theo hình thức trực tuyến khi đăng ký phải xếp nguyện vọng trúng tuyển tạm thời này là nguyện vọng 1 (ưu tiên cao nhất).

Em Nguyễn Thu Trang, học sinh Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) chia sẻ: "Em đang rất băn khoăn, nếu không cam kết thì có bị loại khỏi danh sách trúng tuyển hay không? Hoặc khi cam kết rồi thì em có bị mất quyền lợi trúng tuyển ở ngành dự tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông không?”.

Là người có kinh nghiệm nhiều năm trong công tác tuyển sinh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội hướng dẫn, điểm mới năm nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ lọc ảo chung tất cả các phương thức xét tuyển, chứ không chỉ lọc ảo đối với các nguyện vọng đăng ký theo phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông như mọi năm. Thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng vào một trường hoặc nhiều trường, bằng nhiều phương thức. Nhưng chỉ khi đăng ký lên hệ thống của Bộ thì việc sắp xếp thứ tự ưu tiên nguyện vọng mới có ý nghĩa.

Liên quan đến nội dung này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thu Thủy khẳng định, các trường xét tuyển sớm vẫn phải đưa danh sách thí sinh trúng tuyển dự kiến lên hệ thống để lọc ảo. Kết quả sau lọc ảo sẽ là nguyện vọng trúng tuyển có mức ưu tiên cao nhất trong số các nguyện vọng trúng tuyển của thí sinh. Nếu thí sinh cam kết với nhà trường đặt nguyện vọng trúng tuyển tạm thời là nguyện vọng 1 thì cơ hội trúng tuyển không bị ảnh hưởng. 

Cơ hội trúng tuyển phụ thuộc vào việc thí sinh có đăng ký nguyện vọng xét tuyển lên hệ thống hay không và các nguyện vọng này cần nằm trong danh sách trúng tuyển do các trường đưa lên hệ thống để lọc ảo. Vì thế, thí sinh cần ghi nhớ quy định phải đăng ký tất cả các nguyện vọng (theo các ngành, các phương thức, các cơ sở đào tạo) đại học lên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học từ sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 tới khi công bố kết quả thi (ngày 24-7).

(Theo HNMO)

Các tin khác
Lãnh đạo huyện Văn Chấn tham quan các sản phẩm trưng bày tại Giao lưu “Nét chữ - Nết người” cấp huyện năm 2024 được tổ chức ngày 17/4 tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn vừa tổng kết Giao lưu “Nét chữ - Nết người” cấp huyện cấp tiểu học, năm học 2023- 2024.

Quang cảnh buổi gặp mặt báo chí thông tin về chương trình “Tiếp sức mùa thi” 2024.

Chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm 2024 tiếp tục được triển khai từ tháng 4 đến tháng 8, cao điểm từ ngày 27 đến 30/6 với nhiều đổi mới nhằm hỗ trợ tốt nhất cho thí sinh và người nhà thí sinh.

Giờ ôn tập kiến thức chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông của học sinh lớp 12 trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội).

Học sinh lớp 12 trên cả nước đang bước vào giai đoạn nước rút, tăng tốc ôn tập để sẵn sàng bước vào kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024. Lưu ý một số nội dung trong công tác dạy học, ôn tập, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: Các nhà trường cần lưu ý hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch năm học 2023-2024; phân loại trình độ học sinh để tổ chức ôn tập phù hợp.

Ảnh minh hoạ.

Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD&ĐT) có văn bản gửi các sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục