Nhật ký Trường Sa - Bài 4: Độc đáo hệ sinh thái trên quần đảo Trường Sa

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/1/2020 | 8:39:33 AM

YênBái - Gần như mỗi đảo ở Trường Sa đều gắn liền với một loài cây đặc trưng, như: đảo Nam Yết gắn với những rặng dừa sai trĩu quả; đảo Song Tử Tây gắn liền với những cây bàng vuông hoa bung nở quanh năm; đảo Sơn Ca thì bạt ngàn cây phong ba và cây bão táp…

Chiến sĩ trẻ trên đảo chăm sóc cây bàng vuông.
Chiến sĩ trẻ trên đảo chăm sóc cây bàng vuông.


Trong suốt hải trình đến thăm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, hình ảnh gây ấn tượng mạnh nhất đối với chúng tôi có lẽ là những loài cây vươn mình hiên ngang trước sóng gió, tượng trưng cho ý chí kiên cường, bất khuất của những người lính đảo. Tùy theo từng điều kiện thổ nhưỡng riêng nên hệ sinh thái cây xanh trên từng đảo cũng khác nhau.

Gần như mỗi đảo đều gắn liền với một loài cây đặc trưng, như: đảo Nam Yết gắn với những rặng dừa sai trĩu quả; đảo Song Tử Tây gắn liền với những cây bàng vuông hoa bung nở quanh năm; đảo Sơn Ca thì bạt ngàn cây phong ba và cây bão táp… 

Hệ sinh thái trên quần đảo Trường Sa tuy không đa dạng như trong đất liền nhưng lại mang nét độc đáo, riêng có. Những loài cây sinh sống trên đảo đều có sức sống mãnh liệt đến kỳ lạ, luôn vươn mình đón nắng và lợp thành những hàng rào chắn trước bão giông mỗi khi biển gầm gừ. Chúng thực sự như những người bạn của lính đảo, thường xuyên chở che, là bức tường ngăn gió bão, cản bớt những luồng gió mặn chát từ biển. 

Đặc biệt, không phải ai cũng biết rằng, mỗi gốc cây, từng ngọn cỏ nơi đây đều ẩn chứa trong đó biết bao giá trị cùng những chân lý cao đẹp trong cuộc sống. Câu chuyện về những cây bàng vuông - loài cây biểu trưng rõ nét nhất cho hình tượng những người lính đảo là minh chứng sống động nhất cho tinh thần, sức sống mãnh liệt cùng tình yêu trọn vẹn với Tổ quốc của lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ hải quân nơi đảo xa…

Gần 20 năm trở lại đảo Nam Yết, với Thượng tá Phạm Duy Hướng - Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải Quân, những dòng ký ức đẹp nhất về một thời lính trẻ xông pha trận tuyến lại ùa về. Đó là những ngày đêm miệt mài trên thao trường luyện tập, vững tay súng để bảo vệ vùng trời, biển đảo quê hương. 

Sau những giờ làm nhiệm vụ, những chiến sĩ trẻ như ông lại cùng nhau vun vén, chăm bẵm từng gốc cây, ngọn cỏ để tạo nên một hệ sinh thái cây xanh thoáng mát, xua tan đi cái nắng gió khốc liệt biển khơi. Với Thượng tá Phạm Duy Hướng, một trong những loài cây biểu trưng nhất cho sức sống mãnh liệt cùng tình yêu vẹn toàn với biển cả của người lính hải quân chính là cây bàng vuông. Mỗi cây khi đơm hoa, ra chùm sẽ có quả già, quả bánh tẻ, quả non, những bông hoa đang nở và những mầm nụ chúm chím. Đây được xem là hình ảnh biểu trưng cho lớp sóng sau và lớp sóng trước, sự kế thừa truyền thống của lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ nối tiếp nhau, chiến đấu và bảo vệ đảo xa. 

Điều đặc biệt hơn là hoa bàng vuông chỉ nở về đêm và có màu tím - màu của sự thủy chung cùng tình yêu vẹn toàn của lính đảo với gia đình, bạn bè, người thân, và cao hơn nữa là biểu trưng cho tình yêu, lòng thủy chung son sắt với biển, đảo quê hương. 

Ánh mắt nhìn xa xăm hướng về đường chân trời trong buổi chiều hoàng hôn tuyệt đẹp trên đảo Nam Yết, chờ đợi sự bung nở của những nụ bàng vuông, Thượng tá Phạm Duy Hướng tâm sự: "Mỗi chùm bàng vuông thường có quả già, quả bé tượng trưng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ các thế hệ nối tiếp nhau cùng chung sống xây dựng và bảo vệ biển đảo quê hương. Ý nghĩa và sức sống kiên cường của bàng vuông trên đảo phần nào giúp bộ đội hải quân có thêm động lực, quyết tâm, ngày đêm vững tay súng để bảo vệ chủ quyền, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc”...

Trên các đảo nổi như: Song Tử Tây, Sơn Ca hay Nam Yết, nhiều cây bàng vuông có độ tuổi gấp nhiều lần tuổi của những chiến sĩ trẻ. Vậy nên với họ, việc được giao chăm sóc cây theo số hiệu riêng chính là niềm vinh dự, gắn liền với việc bảo vệ môi trường sống trên đảo. Ngoài ý nghĩa góp sức xây dựng cảnh quan môi trường dịu mát, từ đó nâng cao sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ thì mỗi gốc cây, từng ngọn cỏ nơi đây đều gắn liền với bao tâm nguyện vun đắp, xây dựng đảo xanh của lớp lớp các thế hệ cha anh tự bao đời. 

"Sóng gió bất thường trên miền trùng dương/ Vẫn đứng vững vàng tỏa xanh vòm lá/Lung linh diệu kỳ màu hoa say đắm/Trung trinh kiên cường là cây bàng vuông” - lời bài hát "Cây bàng vuông” của nhạc sĩ Phúc Lâm chính là minh chứng sống động và rõ nét nhất về cây bàng vuông - nét đẹp đi cùng năm tháng trên các đảo của quần đảo Trường Sa. 

Dưới tán bàng vuông đã hàng trăm năm tuổi, đại diện cho các lực lượng đóng quân trên đảo Nam Yết hôm ấy đã tổ chức gói bánh chưng bằng lá bàng vuông để làm quà gửi về đất liền, thể hiện mối gắn kết bền chặt không thể tách rời giữa đảo xa với đất liền trên mọi miền Tổ quốc. Đó thực sự là một nét đẹp trong văn hóa cổ truyền của dân tộc mỗi độ tết đến, xuân về. 

Chiến sĩ Nguyễn Quốc Minh đang làm nhiệm vụ trên đảo Song Tử Tây - người được phân công chăm sóc một trong những cây bàng vuông lớn nhất trên đảo cho biết: "Để vượt qua được điều kiện thời tiết ngày nắng cháy, đêm sương muối gây hại mọi cây trồng thì việc tổ chức chăm sóc những cây bàng vuông đại thụ một cách bài bản, khoa học, để cây sinh trưởng tốt, tạo nên một hệ sinh thái cây xanh đa dạng, phong phú là điều luôn được chúng em đặc biệt chú trọng. Trên đảo, cánh lính trẻ chúng em coi cây xanh như những người bạn, cùng chăm sóc lẫn nhau, đôi khi còn thủ thỉ tâm sự buồn vui mỗi ngày”. 



Ở Trường Sa, hệ sinh thái cây xanh trên mỗi đảo đã thực sự có những thay đổi nhiều qua năm tháng. Những hàng phong ba, bão táp, bàng vuông, dừa, phi lao… hiên ngang chắn gió, ngăn bão táp, trường tồn cùng năm tháng, tượng trưng cho dáng đứng hiên ngang của lính hải quân giữa biển cả bao la. Giữa sóng gió đêm ngày táp lá, giữa những cơn cuồng phong bão cát phủ dày, màu xanh cây cối vẫn sinh sôi chế ngự biển cả, hiên ngang trước bão tố, tạo nên những rào lũy bảo vệ biển đảo quê hương. 

Nơi đây, cây phong ba, cây bàng vuông, cây mù u… được coi là những hình ảnh mang tính biểu tượng, trở thành người bạn tâm tình, là biểu trưng cho khí phách kiên cường, tinh thần bất khuất của người lính đảo, không khuất phục trước khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng với Tổ quốc. 

Dù có sự khác nhau về chủng loại, nhưng tựu chung về đây, mỗi gốc cây, từng ngọn cỏ ở Trường Sa đều thực sự rất đáng trân quý, gắn liền với bao tâm sức cùng khát vọng giữ vững độc lập chủ quyền, tình yêu biển đảo của lớp lớp các thế hệ người lính hải quân Việt Nam từ bao đời nay. 

Cũng chính bởi vậy, nên mỗi người ra thăm đảo Trường Sa đều mong muốn mang một mầm sống xanh tốt về tới đất liền, mang tình cảm hải đảo xa xôi về với đất mẹ quê hương. Hình ảnh những bông hoa bàng vuông bung nở tuyệt đẹp như pháo hoa đêm giao thừa, rồi hình ảnh những rặng phong ba gồng mình chắn bão, những cây mù u nghìn năm tuổi cành lá xum xuê… dường như đã trở thành huyền thoại trong tâm thức của lớp lớp thế hệ những người lính hải quân, là biểu tượng cho những con người kiên trung, quả cảm nơi đầu sóng ngọn gió. 

Màu xanh của cây bàng vuông, cây phong ba… đã làm vợi đi nỗi nhớ quê hương, nỗi nhớ nhà, đó cũng chính là màu của hy vọng, của niềm lạc quan, tin yêu cuộc sống để ngày đêm họ thêm chắc tay súng bảo vệ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc thân yêu.

Tô Hải
Bài 5: "Tổ quốc nhìn từ biển”

Tags Nhật ký Trường Sa độc đáo hệ sinh thái quần đảo Trường Sa

Các tin khác
Triển lãm nhiều tư liệu, hình ảnh quý về Hoàng Sa và Trường Sa tại Côn Đảo

Gần 200 tư liệu, hình ảnh quý về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Quốc gia Côn Đảo trưng bày tại triển lãm, thu hút đông đảo quân, dân huyện đảo tham dự.

Cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam.

Hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân tổ chức hoạt động đọc sách đối với cán bộ, chiến sĩ và quân nhân chuyên nghiệp toàn đơn vị.

Đoàn công tác trao bồn chứa nước cho người dân

Chiều 20/4, tại xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân và Ban Dân vận Tỉnh ủy Cà Mau tổ chức chương trình hỗ trợ nhân dân khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn và tặng quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn.

Toàn cảnh cuộc họp.

Dự kiến Festival Biển đảo Việt Nam - TP. Vũng Tàu năm 2024 tổ chức trong 4 ngày (từ 23/5 đến 26/5/2024) tại Quảng trường đường Quang Trung, Bãi Trước, TP. Vũng Tàu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục