Tiếp tục sử dụng vắc xin Quinvaxem trên toàn quốc

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/10/2013 | 1:43:58 PM

Ngày 27-10, Giám đốc Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia Nguyễn Trần Hiển cho biết, những phản ứng sau tiêm chủng với hàng loạt trẻ ở Tiền Giang mới đây là phản ứng thông thường, ở mức độ cho phép.

Hiện sức khỏe các trẻ nhập viện sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem đã ổn định. Được biết, trong tháng 10 có 12 tỉnh tiến hành tiêm trở lại vắc xin Quinvaxem với 53 trường hợp được báo cáo có phản ứng sau tiêm đều là phản ứng thông thường. Hiện việc tiêm chủng vắc xin này vẫn được tiếp tục triển khai, kể cả tại huyện Cai Lậy (Tiền Giang), nơi có số trẻ gặp triệu chứng bất thường sau tiêm nhiều nhất vừa diễn ra.

Cũng theo ông Nguyễn Trần Hiển, vắc xin Quinvaxem chứa thành phần ho gà toàn tế bào, vì vậy phản ứng tại chỗ thông thường sau tiêm là sưng nóng, bỏng, đau, hơi kích thích một chút. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã có nghiên cứu, tỷ lệ phản ứng như trên khá phổ biến (chiếm trên 10%, thậm chí 50%) khi dùng vắc xin có thành phần ho gà toàn tế bào. Thậm chí, còn có thể xảy ra những phản ứng nặng hơn như: Co thắt kéo dài, tím tái, co giật nhưng chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ khoảng 1/1000.

Hiện vắc xin Quinvaxem phòng 5 bệnh, gồm: Bạch hầu, uốn ván, ho gà; viêm gan B; viêm màng não do vi khuẩn Hib đã được WHO thẩm định chất lượng, khẳng định độ an toàn và hiệu quả trong việc phòng bệnh cho trẻ. Lưu ý cha mẹ cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định theo dõi trẻ 30 phút sau tiêm ngay tại điểm tiêm chủng để đề phòng trường hợp sốc phản vệ có thể xảy ra.

* Ngày 27-10, theo tin từ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, ngành y tế Thủ đô đã sẵn sàng cho lịch tiêm chủng vắc xin Quinvaxem và sẽ tiêm đúng lịch. Cụ thể, ngày 5-11 tới, đồng loạt các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn thành phố sẽ triển khai tiêm chủng vắc xin này. Hiện Hà Nội đã kiểm tra 100% các điểm tiêm chủng trên toàn thành phố và tất cả đều đạt yêu cầu. Để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho trẻ khi tiêm chủng, mỗi trạm y tế xã, phường, thị trấn cũng đã thành lập một đội cấp cứu cơ động, sẵn sàng xử lý khi trẻ bị phản ứng sau tiêm hoặc sốc phản vệ. Các bệnh viện của Hà Nội cũng sẵn sàng, chịu trách nhiệm tiếp nhận, xử lý các trường hợp phản ứng sau tiêm được chuyển đến.

(Theo HNMO)