Cơ hội bảo tồn và phát triển cây thuốc nam

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/4/2014 | 3:05:22 PM

YBĐT - Dự án VM049 do Tổ chức Caritas úc tài trợ đang được triển khai tại 12 thôn của xã Cẩm Ân, xã Bảo Ái (Yên Bình) từ cuối năm 2013. Dự án có mục đích hỗ trợ nhân dân “Bảo tồn và phát triển cây thuốc, bài thuốc để cải thiện sinh kế và sức khỏe cho người dân tộc thiểu số”.

Dự án bảo tồn, phát triển, sử dụng cây thuốc nam ở 2 xã Cẩm Ân, Bảo Ái (Yên Bình) là cơ hội tốt cho các ông lang, bà mế phát huy nghề thuốc gia truyền.
Dự án bảo tồn, phát triển, sử dụng cây thuốc nam ở 2 xã Cẩm Ân, Bảo Ái (Yên Bình) là cơ hội tốt cho các ông lang, bà mế phát huy nghề thuốc gia truyền.

Sau khi triển khai, Ban Quản lý Dự án VM049 - Hội Đông y tỉnh Yên Bái đã điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng, thành phần, loài tài nguyên cây thuốc; tình hình gây trồng, thu hái, chế biến, sử dụng tại địa phương… Qua đó đã tìm ra những khoảng trống và điểm yếu cần khắc phục, tạo cơ sở đề xuất giải pháp và các hoạt động tiếp theo.

Thông qua đánh giá thực trạng tài nguyên cây thuốc ở hai xã này, với sự phối hợp của Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD) cùng nhóm chuyên gia Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, các cộng tác viên là người địa phương đã cơ bản xác định được thành phần loài, bộ phận sử dụng và nơi phân bố của các loại cây thuốc bản địa khá phong phú. Đây là điều kiện tốt để phát triển các loài cây thuốc có triển vọng ở địa phương. Tài nguyên cây thuốc có trữ lượng ngoài tự nhiên còn không đáng kể nên cần phải gây trồng.

Tại 2 xã hiện đã có nhiều cây thuốc quý, có giá trị kinh tế và giá trị sử dụng cao được gây trồng theo hướng tự phát, trong đó có nhiều loài quý hiếm như: lá khôi, hoàng tinh hoa trắng, củ dòm, đinh lăng, mạch môn… Một số hộ có vườn sưu tập mô phỏng rừng tự nhiên nhiều tầng thứ, nhiều loài hỗn giao hoặc trồng dưới tán cây ăn quả cần phát triển thành mô hình điểm và nhân rộng.

Tuy nhiên, đa số người gây trồng cây thuốc còn manh mún. Kinh nghiệm trồng, thu hái, sơ chế và làm các bài thuốc mới chỉ tập trung vào một số ông lang, bà mế và chưa có tổ chức khai thác tiềm năng hoặc xác lập cơ chế hưởng lợi cho các bài thuốc gia truyền ở địa phương. Việc tiêu thụ chưa ổn định, chủ yếu bán các sản phẩm thô, tươi chưa qua chế biến tại địa phương nên giá trị kinh tế thấp, bị tư thương ép giá. Trong khi đó, thị trường tiềm năng ngay tại tỉnh và ngoại tỉnh rất rộng mở nên cần thiết lập tổ chức thị trường, thành lập chuỗi thị trường cây dược liệu trong khuôn khổ của dự án này.

Trên cơ sở kết quả của công tác điều tra, Ban Quản lý và Điều phối viên Dự án thống nhất cần điều chỉnh dự án cho phù hợp. Qua đó, đã bố trí cho một số người dân tham gia dự án này đi thăm quan kinh nghiệm gây trồng, bảo tồn cây thuốc quý; thăm quan mô hình hợp tác xã cây thuốc nam và chế biến, tiêu thụ thuốc nam của người Dao ở vùng đệm Vườn Quốc gia Ba Vì và vùng lân cận tỉnh Hòa Bình từ tháng 1/2014; thăm quan mô hình trồng cây thuốc dưới tán rừng, công nghệ tạo giống hiện đại ở Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam; thăm quan mô hình trồng cây lá khôi của gia đình ông Chiến ở xã Việt Cường (Trấn Yên).

Dự án còn tổ chức một số hội thảo với sự tham gia của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn và người dân xã Cẩm Ân, xã Bảo Ái nhằm giới thiệu về nhà tài trợ, SRD và các mục tiêu, nội dung cùng các kết quả mong đợi chính trong hoạt động của dự án; bàn bạc thống nhất để thông qua các quy định về quản lý, điều hành các hoạt động dự án từ cấp tỉnh đến huyện, xã, thôn, nhóm, người dân; công khai ngân sách, các định mức chi tiêu cho người tham gia quản lý dự án…

Đồng thời, Ban Quản lý Dự án cũng đã tổ chức tập huấn 12 lớp tại 4 thôn của xã Bảo Ái và 8 thôn của xã Cẩm Ân cho 256 người về lợi ích, tác dụng của các loài cây thuốc, bài thuốc bản địa; cách nhận biết cây thuốc tiềm năng tại địa phương; những điều chú ý về trồng, thu hái cây thuốc và kế hoạch trồng cây thuốc; tập huấn cách tận dụng nguyên liệu sẵn có để ủ phân vi sinh từ men sinh học EMIC cho trồng cây thuốc; phổ biến kỹ thuật làm đất, trồng cây thuốc theo phương thức “cầm tay chỉ việc” và cung cấp tài liệu.

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân cách ủ phân vi sinh để trồng cây thuốc nam.

Những khóa tập huấn này còn nhằm đánh giá đầu vào để hiểu hơn về kiến thức của các học viên; tạo cơ hội cho các học viên chia sẻ kinh nghiệm, tạo mối thân thiện và hợp tác giữa các nhóm nông dân các địa bàn dự án. Sau tập huấn, dự án còn chọn mỗi xã làm 1 vườn thuốc mẫu được hỗ trợ biển hiệu, lưới, rào vườn, giống cây lá khôi; hỗ trợ xây dựng 24 mô hình điểm về cây thuốc tiềm năng với giống cây được cung cấp bảo đảm chất lượng.

Thông qua những hoạt động triển khai bước đầu cho thấy, chính quyền các cấp ở những địa phương triển khai dự án đã tích cực hợp tác với Ban Quản lý Dự án. Đồng bào dân tộc ở những nơi này cơ bản nhận thấy hoạt động của dự án phù hợp, thiết thực vì việc bảo tồn, phát triển cây thuốc nam không chỉ mang lại lợi ích chăm sóc sức khỏe cho gia đình, cộng đồng mà còn là yếu tố góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Các hội viên hội đông y ở cơ sở đều là nòng cốt trong các thôn, nhóm, hộ tham gia dự án. Kinh nghiệm trồng, khai thác, chế biến, sử dụng thuốc nam của các ông lang, bà mế có cơ hội được phát huy. Đồng thời, đây còn là điều kiện tốt để kích thích mọi nguồn lực cùng tham gia bảo tồn, phát triển, khai thác tiềm năng cây thuốc bản địa ở tỉnh Yên Bái.

Hoàng Nhâm