Giếng làng ở Thanh Lương

  • Cập nhật: Thứ hai, 14/7/2014 | 10:26:50 AM

YBĐT - Theo những bậc cao niên ở xã Thanh Lương cho biết thì từ khi họ sinh ra đã thấy có những chiếc giếng làng. Giếng được xây ở hầu hết các thôn, bản trong xã, song trải qua những thăng trầm của lịch sử, sự bào mòn của thời gian và sự thay đổi trong nếp sinh hoạt của người dân nên đến nay ở Thanh Lương chỉ còn duy nhất một chiếc giếng làng được bảo tồn nguyên vẹn ở thôn Đồng Lơi.

Mát lành nguồn nước tự nhiên ngày hè nơi giếng làng ở thôn Đồng Lơi. (Ảnh: Đoàn Thanh Hà)
Mát lành nguồn nước tự nhiên ngày hè nơi giếng làng ở thôn Đồng Lơi. (Ảnh: Đoàn Thanh Hà)

“Cây đa, giếng nước, sân đình” từ lâu đã trở thành biểu tượng đặc trưng của làng quê Việt. Ở nông thôn miền núi, giếng làng không thực sự có nhiều song đến nay vẫn còn những nơi lưu giữ được. Về xã Thanh Lương (huyện Văn Chấn) điều mà ai cũng cảm nhận được đó chính là bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc nơi đây vẫn còn in đậm trong từng món ăn, trang phục, nếp nhà… Và cùng với việc lưu giữ những nét đẹp truyền thống đó, giếng làng cũng đã thực sự trở thành hình ảnh gần gũi, thân thương với những con người nơi đây.

Theo những bậc cao niên ở xã Thanh Lương cho biết thì từ khi họ sinh ra đã thấy có những chiếc giếng làng. Giếng được xây ở hầu hết các thôn, bản trong xã, song trải qua những thăng trầm của lịch sử, sự bào mòn của thời gian và sự thay đổi trong nếp sinh hoạt của người dân nên đến nay ở Thanh Lương chỉ còn duy nhất một chiếc giếng làng được bảo tồn nguyên vẹn ở thôn Đồng Lơi.

Giếng hàng ngày vẫn đang được mọi người sử dụng, vừa để lấy nước ăn sinh hoạt, vừa để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Được xây ở vị trí trung tâm xã, lại nằm liền kề với cánh đồng trải dài, rộng lớn nên thường sau những buổi làm đồng vất vả, bà con xã Thanh Lương lại rủ nhau ra giếng làng tắm mát, gột rửa tay chân rồi mới trở về nhà. Giếng Làng vì thế đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là nơi gặp mặt, trò chuyện của người dân trong làng, nơi các cụ già thường ngồi chơi, hóng mát, ngắm cảnh và cũng là nơi hò hẹn, tâm tình của những đôi trai gái…

Chị Đặng Thị Sen - người dân thôn Đồng Lơi tự hào khoe khéo: “Giếng làng tôi nước vừa mát vừa trong, quanh năm không bao giờ cạn nước. Ai đã từng uống một lần thì nhớ mãi không quên, pha trà thì trà xanh, nấu canh thì canh ngọt, tắm vào người thì da dẻ mịn màng. Tuổi thơ tôi lớn lên ở đây, gắn bó bao kỷ niệm với chiếc giếng này nên dù có đi đâu tôi cũng không thể nào quên”.

Trong quan niệm của người dân xã Thanh Lương, cũng giống như sông, núi, giếng làng cũng có vị thần cai quản vì thế mà từ lâu bà con trong xã đã tự nguyện bảo nhau lập bàn thờ đặt cạnh giếng. Vào những ngày rằm, mùng Một, ngày lễ, ngày tết hay những khi trong làng, trong xã có việc quan trọng thì mọi người lại tới bàn thờ giếng thắp hương, đặt lễ. Đặc biệt vào dịp đầu năm mới, ngay từ sáng sớm ngày mồng Một tết, nhà nhà trong các thôn bản đã tới giếng để lấy nước mới về dâng cúng tổ tiên, thần thánh với mong ước một năm khỏe mạnh, bình an, gặp nhiều may mắn.

Ông Bùi Đình Vương - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Giếng làng từ lâu đã trở thành một phần quan trọng trong văn hóa tín ngưỡng của người dân nơi đây, là tài sản vô cùng quý giá của cả một cộng đồng, vì thế mà chúng tôi luôn nhắc nhở, vận động mọi người phải có ý thức giữ gìn, bảo vệ, phải giữ cho nước giếng luôn trong sạch không bị ô nhiễm và hiện tại việc này đang được làm rất tốt”.

Đứng trước những đổi thay của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nước máy đang dần thay thế nước mưa và nước giếng. Tuy nhiên, với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì chắc chắn nước giếng vẫn còn nhiều tác dụng lâu dài. Bởi vậy nên việc lưu giữ và bảo tồn những chiếc giếng làng không đơn thuần là lưu lại chứng tích của lịch sử, văn hóa mà còn là phục vụ thiết thực cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Hồng Oanh