Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc

  • Cập nhật: Thứ ba, 22/7/2014 | 8:50:58 AM

YBĐT - Sự vào cuộc của các ban, ngành cùng với sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã tạo nên "kỳ tích" trong sản xuất nông - lâm nghiệp của huyện.

Lãnh đạo UBND, Mặt trận Tổ quốc, Phòng Dân tộc huyện xuống cơ sở thăm hỏi, động viên đồng bào Mông thu hoạch lúa xuân, sản xuất vụ mùa.
Lãnh đạo UBND, Mặt trận Tổ quốc, Phòng Dân tộc huyện xuống cơ sở thăm hỏi, động viên đồng bào Mông thu hoạch lúa xuân, sản xuất vụ mùa.

Cùng với thực hiện các chương trình, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số, hàng năm, huyện Trạm Tấu chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể từ cấp huyện đến xã, thôn mở "chiến dịch" tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi mùa vụ; đưa cây, con giống và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa; hình thành một số vùng sản xuất ngô, lúa tập trung trên địa bàn.

Trên đường về thăm, động viên nhân dân xã Xà Hồ thu hoạch lúa vụ xuân, sản xuất vụ mùa, Chủ tịch UBND huyện - đồng chí Giàng A Thào dừng lại ở thôn Hát 2, xã Hát Lừu - giáp ranh với thôn Sáng Pao, xã Xà Hồ - giơ tay "vẽ" bản đồ cánh đồng Tà Ghênh rộng trên 54ha để mọi người trong đoàn cùng đi hình dung được sự gian nan, vất vả của những người cán bộ ở vùng cao trong việc tuyên truyền, vận động, "cầm tay chỉ việc" đồng bào cấy thêm vụ lúa xuân mới có được thành quả hôm nay.

Anh trầm tư kể: "Trước đây, không chỉ đồng bào Mông ở Xà Hồ không cấy vụ xuân mà đa số các xã trong huyện, đồng bào chỉ quen tập quán canh tác một vụ. Ruộng bỏ hoang nhưng mỗi khi đói giáp hạt, các xã lập danh sách tới hàng trăm hộ phải cứu đói. Để phát huy nội lực trong sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, Đảng bộ huyện đã ra nghị quyết xóa ruộng một vụ và giao cho các ban, ngành, đoàn thể, nhất là đội ngũ cán bộ ngành nông nghiệp huyện về thôn, bản cùng ăn, cùng ở, cùng làm đất, gieo mạ, hướng dẫn đồng bào gieo cấy lúa vụ xuân. Những năm gần đây, đồng bào ở các xã không chỉ tự giác gieo cấy lúa vụ xuân mà còn tích cực chuyển đổi diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô đồi cho năng suất cao hơn; làm chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường tốt hơn trước".

Sự vào cuộc của các ban, ngành cùng với sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc thiểu số đã tạo nên "kỳ tích" trong sản xuất nông - lâm nghiệp của huyện. Năm 2013, toàn huyện gieo trồng được 6.509ha cây lương thực có hạt, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 18.900 tấn, lương thực bình quân đầu người đạt 654kg/năm. Huyện đã chỉ đạo làm tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng, chăm sóc và trồng mới rừng... Đến nay, đã giao khoán được trên 3.166ha; tổ chức bảo vệ trên 39.350ha; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 55,2%.

Cùng với chỉ đạo sản xuất nông - lâm nghiệp, huyện đã thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn huyện đã xây dựng được trên 200 công trình xây dựng cơ bản với tổng mức đầu tư trên 451 tỷ đồng, trong đó làm đường giao thông được 595,07km.

Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; 100% thôn, bản có điểm trường mầm non, trong đó 24/64 điểm trường đã được kiên cố  và bán kiên cố; 100% xã, thị trấn có trạm y tế, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở được huyện chú trọng.

Trong 5 năm qua, huyện đã mở 33 lớp đào tạo cho 1.286 cán bộ cơ sở. Đặc biệt, công tác rà soát, sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở được bố trí hợp lý, đảm bảo thành phần dân tộc tham gia trong cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể... Hiện nay, số cán bộ người dân tộc thiểu số tham gia công tác trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước trên địa bàn huyện là 507/1.207 người, chiếm 42% tổng số cán bộ, công nhân viên chức.

Công tác xây dựng Đảng luôn được quan tâm, chú trọng phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số. Từ năm 2009 đến tháng 6/2014, toàn Đảng bộ đã kết nạp được 629 đảng viên, trong đó đảng viên là người dân tộc thiểu số chiếm 58,5%. Chính sách hỗ trợ học sinh nghèo đi học theo Quyết định số 112/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ cho 6.594 lượt học sinh con hộ nghèo đi học tại các trường trên địa bàn huyện từ năm học 2008 - 2009 đến hết năm học 2010 - 2011 là trên 7 tỷ 837 triệu đồng; hỗ trợ 2.863 hộ dân tộc thiểu số nghèo cải thiện vệ sinh môi trường trên 2 tỷ 863 triệu đồng làm chuồng trại, hố xí hợp vệ sinh... Từ năm 2009 đến 31/12/2013, đã cấp 85.423 thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng là người dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn 12 xã, thị trấn.

Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Trạm Tấu càng tự hào với những kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ đề ra trong nhiệm kỳ Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện lần thứ nhất. Đảng bộ huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo 11 dân tộc, trong đó dân tộc Mông chiếm 77%, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đề ra, đưa Trạm Tấu từng bước thoát khỏi huyện đặc biệt khó khăn. Đến năm 2013, số hộ nghèo của huyện còn 66,07%, giảm 13,77% so với năm 2011. Có được kết quả như vậy là nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đầu tư thông qua các chương trình, dự án, chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và nhất là ý chí tự lực tự cường của nhân dân các dân tộc trong huyện vươn lên thoát khỏi đói nghèo.

Minh Hằng