Góp phần cải thiện đời sống người làm nghề rừng

  • Cập nhật: Thứ ba, 22/7/2014 | 2:41:46 PM

YBĐT - Lục Yên là huyện miền núi có diện tích tự nhiên 80.898 ha, trong đó, đất lâm nghiệp 52.419 ha, chiếm tỉ lệ 64% tổng diện tích. Diện tích đất lâm nghiệp tuy nhiều nhưng thu nhập của người dân từ nghề rừng còn thấp, nhất là đối với người dân các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa.

Cán bộ kiểm lâm huyện Lục Yên kiểm tra công tác bảo vệ rừng tại xã Tân Phượng.
Cán bộ kiểm lâm huyện Lục Yên kiểm tra công tác bảo vệ rừng tại xã Tân Phượng.

Việc thu hút người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) gặp rất nhiều khó khăn. Sau 2 năm thực hiện, Ban chi trả phí dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) huyện Lục Yên đã tiếp nhận và chi trả trên 3 tỷ đồng cho các chủ rừng trên địa bàn. Việc triển khai có hiệu quả chính sách chi trả phí DVMTR sẽ bảo đảm cho người lao động tham gia BV&PTR được chi trả giá trị tương xứng với giá trị của rừng đem lại cho xã hội, đồng thời góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân đối với sự nghiệp BV&PTR.

Thực hiện chi trả phí DVMTR, Ban chi trả DVMTR rừng huyện Lục Yên được thành lập theo Quyết định số 231/QĐ - UBND ngày 18/12/2012, giao cho Hạt Kiểm lâm huyện là cơ quan thường trực, trực tiếp làm chủ tài khoản. Để triển khai sâu rộng đến các chủ rừng và mọi tầng lớp nhân dân hiểu và thực hiện, Ban chi trả DVMTR huyện đã tiến hành tập huấn cho cán bộ chủ chốt cấp xã, các chủ rừng về trình tự, thủ tục nghiệm thu, thanh toán tiền chi trả DVMTR, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức về công tác BV&PTR, chính sách chi trả DVMTR; tổ chức 46 hội nghị tuyên truyền cấp xã cho trên 3.334 lượt người tham gia.

Dựa trên kết quả điều tra về lưu vực có cung ứng DVMTR được tỉnh phê duyệt, Ban chi trả DVMTR huyện đã phối hợp với các xã, chủ rừng rà soát xác định phạm vi, ranh giới, diện tích, hiện trạng rừng và phân loại các chủ rừng có tham gia cung cấp DVMTR, từ đó, xây dựng bản đồ quản lý lưu vực với diện tích 31.750 ha.

Sau 2 năm thực hiện, Ban chi trả DVMTR huyện Lục Yên đã tiếp nhận và chi trả 3,1 tỷ đồng cho các chủ rừng, trong đó, năm 2012 là 978 triệu đồng, năm 2013 là 2,1 tỷ đồng. Đã có hơn 8.000 hộ gia đình tham gia được chi trả, góp phần cải thiện đời sống của người làm nghề rừng, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, khó khăn, ổn định dân cư, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao nhận thức, trách nhiệm BV&PTR.

Ông Đặng Văn Tâm - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lục Yên cho biết: "Chi trả DVMTR rừng là lĩnh vực mới, nên còn thiếu kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị. Trong khi đó, trình độ dân trí còn hạn chế, việc xác định chính xác ranh giới, diện tích rừng cho các chủ rừng đòi hỏi chuyên môn cao, mất nhiều thời gian, công sức với khối lượng công việc rất lớn, thuộc phạm vi ranh giới của nhiều đơn vị... nên triển khai gặp nhiều khó khăn. Địa hình phức tạp, diện tích rừng cung ứng dịch vụ lại nhỏ lẻ, phân tán cũng ảnh hưởng nhất định đến công tác chi trả". 

Qua quá trình tổ chức triển khai thực hiện chi trả DVMTR năm 2012 và năm 2013 của huyện Lục Yên, tổ chức bộ máy đã dần ổn định, hoạt động đi vào nền nếp. Việc thực hiện chính sách đã huy động được các nguồn lực của xã hội bổ xung nguồn tài chính cho công tác BV&PTR, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng, gia tăng đóng góp của ngành lâm nghiệp, cải thiện sinh kế, ổn định đời sống, nâng cao nhận thức và trách nhiệm với công tác BV&PTR của người dân. Từ đó, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, sử dụng và bảo vệ rừng cho các chủ rừng.

Để công tác chi trả DVMTR đạt kết quả cao, theo ông Tâm, những năm tới cần tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ thực thi chính sách đến tận cấp xã, đồng thời phải tuyên truyền chính sách sâu rộng đến từng người dân. Trong quá trình lập hồ sơ phải có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ thôn, bản đến xã, huyện, công tác chi trả phải công khai, minh bạch, đúng đối tượng và chi trả đầy đủ nhằm giảm thiểu khúc mắc, khiếu nại trong nhân dân.

Anh Dũng