Bộ Y tế ưu tiên phương án cấm bán rượu, bia sau 22h

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/7/2014 | 8:31:44 AM

Việc bán rượu, bia có thể bị cấm sau 22h hoặc thời gian, địa điểm cấm bán rượu, bia sẽ do Chủ tịch UBND các tỉnh, thành quy định hoặc chưa quy định thời gian cấm bán rượu, bia.

Đó là 3 phương án mà Bộ Y tế đang dự kiến trong dự thảo Luật phòng chống tác hại lạm dụng rượu, bia.

Tại buổi họp báo chiều 23/7, bà Trần Thị Trang, Vụ phó Vụ pháp chế, Bộ Y tế cho biết, hiện tổ biên tập soạn dự thảo đang ưu tiên cho phương án 1. Đây là phương án tối ưu, sẽ có tác dụng tích cực nhằm giảm lạm dụng rượu, bia hiện nay ở nước ta.

“Nếu lựa chọn phương án 3 tức là chúng ta sẽ không làm gì, nghĩa là sẽ không có chế tài bắt buộc mà phụ thuộc vào ý thức tự điều chỉnh của người dân. Điều này rất khó tác động và vô hình chung, vấn đề lạm dụng rượu, bia sẽ vẫn như hiện nay”, bà Trang phân tích. 

Đại diện Bộ Y tế cũng lý giải, kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy các biện pháp giảm sự tiếp cận của công chúng với rượu, bia là một trong những biện pháp hiệu quả. Khó khăn ở đây là cần thời gian để người dân và cơ sở kinh doanh chuẩn bị thực hiện.

Để thực hiện các quy định này, theo bà Trang, tuyên truyền giáo dục, truyền thông là biện pháp ưu tiên hàng đầu, nghĩa là từ nhận thức đầy đủ sẽ dẫn đến thay đổi hành vi.

Bên cạnh đó, “khi đã tuyên truyền mà vẫn vi phạm thì cần phải xử phạt thật nghiêm, tuy nhiên không phải dàn hàng ngang xử phạt, mà sẽ xử phạt thật nặng một vài cơ sở, rút giấy phép đưa lên báo chí thì cơ sở khác sẽ nhận thức, tự giác thực hiện theo quy định”, bà Trang nhấn mạnh. 

Thực tiễn quốc tế cũng cho thấy, việc cấm bán rượu, bia từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau không làm giảm lượng khách du lịch đến quốc gia đó. Kinh nghiệm của Thái Lan hay Singapore- những nước du lịch nổi tiếng, cùng khu vực với nước ta là một ví dụ cụ thể.

Về địa điểm cấm bán rượu, bia, mỗi nước có quy định khác nhau. Có nơi cấm tại khu sinh hoạt chung như chung cư, tòa nhà lớn; địa điểm công cộng như công viên, bến tàu, xe; nhóm khác nhà hàng, quán bar, karaoke; một số tụ điểm vui chơi giải trí. Tuy nhiên, ở nước ta, “lộ trình từng địa điểm, chúng tôi sẽ nghiên cứu hết sức cụ thể, để có tính khả thi nhất, có thể sẽ triển khai ở một số địa phương như TP HCM và Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa do nhu cầu bức thiết về tình trạng lạm dụng rượu, bia và an toàn giao thông. Trên cơ sở đó sẽ nhân rộng toàn quốc khi có đủ điều kiện và kinh nghiệm thực hiện”, bà Trang cho biết.

Tại Việt Nam, 70% số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Đặc biệt, tai nạn giao thông thường xảy ra trong khoảng thời gian từ 18 đến 24 giờ. Lạm dụng rượu, bia là nguyên nhân của 70% số vụ bạo lực gia đình; trong đó có bạo lực tình dục.

Hiện có 168 quốc gia, trong đó có 9 quốc gia ASEAN có quy định thời gian cấm bán rượu, bia. Đa số là từ 20 giờ hoặc 22 giờ đến 6 hoặc 8 giờ ngày hôm sau. Thực tiễn của các quốc gia này đều cho thấy, sau một thời gian hầu hết người dân đều dần chấp hành quy định; tỷ lệ sử dụng rượu, bia có xu hướng giảm.

(Theo Chinhphu)