Jamonica - giống lúa ưu việt

  • Cập nhật: Thứ năm, 31/7/2014 | 2:47:46 PM

YBĐT - Sản xuất nông nghiệp Yên Bái trong những năm vừa qua đã có sự phát triển vượt bậc, từ một tỉnh thiếu hàng ngàn tấn lương thực thì nay không chỉ đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn mà còn có hàng ngàn tấn lúa gạo làm hàng hóa mỗi năm.

Nông dân Văn Chấn đưa giống lúa ĐS1 và J01 vào gieo cấy, năng suất đạt 67 tạ/ha.
Nông dân Văn Chấn đưa giống lúa ĐS1 và J01 vào gieo cấy, năng suất đạt 67 tạ/ha.

Tuy nhiên, để tiến tới một nền sản xuất bền vững, hiệu quả cao, nhất là trong sản xuất lúa gạo hàng hóa thì Yên Bái vẫn chưa tìm ra bộ giống ưu việt. Giống lúa Jamonica là giống lúa thuần có năng suất, chất lượng cao, chịu rét tốt... là sự lựa chọn phù hợp cho các địa phương vùng cao cũng như các vùng quy hoạch sản xuất lúa hàng hóa.

Là tỉnh miền núi nhưng Yên Bái cũng có trên 19.000ha lúa nước, tập trung ở 4 vùng chuyên canh lớn là: cánh đồng Mường Lò (Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ), vùng Đại - Phú - An (Văn Yên), bắc huyện Trấn Yên và Minh Xuân - Mường Lai (Lục Yên). Để đảm bảo an ninh lương thực, từ thập niên 90 thế kỷ trước, tỉnh đã thực hiện chủ trương cấp I hóa giống lúa, sau đó đưa các giống lúa lai vào sản xuất. Khi an ninh lương thực đã được đảm bảo, tỷ lệ lúa lai, lúa lai hai dòng giảm còn 55% - 60% diện tích; tỷ lệ lúa thuần, lúa thuần chất lượng cao gieo trồng làm hàng hóa ngày một nhiều.

Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, sản xuất liên tục chịu ảnh hưởng nặng nề đòi hỏi ngành nông nghiệp, nông dân phải tìm kiếm những giống lúa mới phù hợp, cho năng suất, chất lượng cao, thích nghi với các tiểu vùng khí hậu là cần thiết. Hàng loạt giống lúa thuần chất lượng cao được đưa vào gieo trồng là: Séng Cù, Chiêm Hương, TH 3-3, Thiên Hương, ĐS1, J01... nhìn chung đều cho kết quả và chất lượng tốt.

Trong số các giống đã đưa vào sản xuất, giống ĐS1 và J01 có tính ưu việt hơn cả. ĐS1 và J01 là giống lúa thuộc dòng Jamonica do Viện Di truyền Nông nghiệp chọn lọc và tuyển chọn từ nguồn giống nhập nội của Đài Loan. Đây là giống có những đặc điểm nổi bật: thời gian sinh trưởng trung bình từ 115 - 130 ngày, khả năng thích ứng rộng, mạ chịu rét tốt, năng suất cao, gạo thơm, cơm dẻo ngon, đặc biệt là phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Yên Bái.

Năm 2010, huyện Văn Chấn đã đưa vào gieo cấy 20ha giống ĐS1 và J01 cho năng suất bình quân 60 tạ/ha; năm 2011 gieo cấy 150ha, năng suất đạt 65 tạ/ha; năm 2012 gieo cấy 350ha, năng suất đạt 65 - 67 tạ/ha và có nhiều diện tích đạt 70 tạ/ha. Trên cơ sở thành công ban đầu, năm 2013, huyện tiếp tục đưa vào gieo cấy trên diện tích 400ha ở các chân ruộng khác nhau từ vùng cao đến vùng thấp: Phù Nham 150ha, Gia Hội 80ha, Sơn A 20ha, An Lương 40ha, Thượng Bằng La 40ha... Kết quả cho thấy, lúa sinh trưởng, phát triển rất tốt, năng suất đạt 67 tạ/ha, sản lượng thóc 2.350 tấn, đạt giá trị kinh tế 28 tỷ đồng.

Về giống lúa dòng Jamonica, ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn nói: “Văn Chấn đã đưa nhiều loại giống lúa thuần chất lượng cao vào sản xuất lúa hàng hóa từ nhiều năm nay như: Chiêm Hương, Séng Cù, TH 3-3, Việt Lai 20... Thực tế cho thấy, giống lúa ĐS1 và J01 thuộc dòng Jamonica có nhiều lợi thế hơn. Từ đó, huyện xác định đây là giống lúa thuần đặc sản chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường. Khả năng chịu lạnh tốt, thời gian sinh trưởng phù hợp với sản xuất luân canh 3 vụ/năm, mức đầu tư thâm canh vừa phải, khả năng kháng sâu bệnh cao, thân cứng nên khả năng chống đổ tốt, bông ngắn, hạt to, tỷ lệ hạt chắc 88% - 93%, năng suất cao bình quân 65 tạ/ha trong điều kiện thâm canh bình thường, thâm canh tốt có thể đạt 75 tạ/ha. Không chỉ có vậy, đây còn là giống lúa, gạo rất được giá, thóc bình quân 11.000 - 12.000 đồng/kg, gạo giá 18.000 đồng/kg”.

Không riêng gì Văn Chấn, trong thời gian qua, các huyện: Văn Yên, Trấn Yên, Yên Bình, Trạm Tấu, Mù Cang Chải cũng đã đưa vào gieo cấy vài vụ và đều cho kết quả rất khả quan. Bên cạnh đó, các giống lúa dòng Jamonica cũng có những nhược điểm nhất định như: khi ngâm ủ, lúa khó nảy mầm nên phải ngâm ủ theo quy trình riêng so với các giống lúa khác; giống lúa mẫn cảm với nấm hoa cúc, nhất là trong vụ mùa khi điều kiện độ ẩm cao, cần phải lưu ý phòng tránh.

Từ thực tế đó, thiết nghĩ, ngành nông nghiệp và các huyện, thị cũng nên mạnh dạn đưa giống lúa này vào gieo cấy đại trà, tạo một vùng sản xuất chuyên canh lúa hàng hóa với khối lượng lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Thanh Phúc