Hai tâm trạng

  • Cập nhật: Thứ ba, 5/8/2014 | 9:07:51 AM

YBĐT - Ngày tựu trường hôm nay sẽ đến một cách bình thường. Không quá nhiều cảm xúc như xưa với hình ảnh cờ Tổ quốc phấp phới tung bay trên nền trời thu tháng Tám; những bạn bè, thầy cô mến thương hồ hởi, xúc động gặp lại sau ba tháng hè tạm xa cách.

Dẫu sao, vẫn một chút tâm trạng. Kẻ rời lớp mầm non, lần đầu đến trường bỡ ngỡ, chút lo lắng, phân vân. Người tựu trường, bạn cũ, lớp mới. Cũng có cô cậu tựu trường với trường mới, lớp mới, bạn mới toe do cha mẹ chuyển trường để mong muốn sự học của con mình được “lên đời”.

Tâm trạng học trò dường như không rõ ràng, nhưng tâm trạng của phụ huynh thì rõ, ấy là sự lo lắng khi “đến hẹn lại lên” phải dốc hầu bao chi cho việc học hành của con cái. Với một số gia đình "có điều kiện", thì việc bỏ ra một lúc vài triệu bạc mua sắm cho con áo quần mới, cặp, sách, bút, mực và có khi cả phương tiện đi học thì chẳng ăn thua gì so với túi tiền rủng rỉnh của họ, nhưng với số đông gia đình là người lao động, công chức, viên chức thì quả là gánh nặng phải chạy vạy, lo toan.

Gánh nặng đầu năm học không chỉ là những khoản mua sắm cho riêng con, mà thường thì sau tiếng trống trường ngày khai giảng khoảng nửa tháng sẽ là những khoản đóng góp dài dằng dặc của các nhà trường mà phụ huynh trước sau gì cũng phải lo đóng góp cho bằng được. Miễn giảm học phí dành cho các gia đình nghèo, gia đình chính sách nhưng so với những khoản đóng góp này thì số tiền miễn giảm chẳng đáng là bao! Không thể hết đổ lỗi này cho các nhà trường, vì xã hội hóa phát triển giáo dục là một chủ trương, hướng đi đúng trong điều kiện ngân sách nói chung còn hạn hẹp, yêu cầu của sự nghiệp phát triển giáo dục ngày càng cao hơn. Nói cho công bằng, ngay cả các thầy cô giáo đời sống đang rất khó khăn nhưng cũng không mấy nề hà các khoản chi và đóng góp đầu năm cho chính con cái mình.

Thực tế, việc huy động các khoản đóng góp tự nguyện đã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện với những kết qủa đáng mừng. Nhận thức như thế vì sao phụ huynh vẫn tâm trạng? Cái chính ở đây là bên cạnh những cơ sở giáo dục chấp hành nghiêm túc các quy định của ngành, của bộ, của tỉnh; biết phát huy đúng mức vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh; xã hội hóa nhưng cũng tiết kiệm chi để quan tâm đầu tư, hỗ trợ cho sự nghiệp thì còn không ít cơ sở nhà trường vẫn cố "vẽ" ra những khoản thu bất hợp lý; một số ban đại diện cha mẹ học sinh phớt lờ thực tế hoặc vô tình tiếp tay cho các khoản lạm thu, vi phạm quy định. Ngay trong phụ huynh học sinh, lo lắng quá cho con em mình, nhiều người cũng ừ à, đồng ý cho xong. Giơ tay đồng ý rồi lại ra ngoài bàn tán, phản bác, gây dư luận ảnh hưởng không tốt tới ngành giáo dục và địa phương.

Hai tâm trạng khác nhau. Học trò không mấy vẻ háo hức ngày tựu trường. Phụ huynh thì "đau đầu"  chạy vạy, lo toan "cõng" gánh nặng đầu năm học cho con cái. Gánh nặng nhiều thì thành bức xúc, bức xúc nhiều thì thành dư luận và cứ thế trở thành một kiểu tâm trạng xã hội theo mùa mà bấy lâu nay ai cũng biết nhưng khi nào nó nguôi ngoai thì chưa ai trả lời được.

Tuấn Anh