Triển vọng mô hình trồng cây lâm sản ngoài gỗ làm nguyên liệu

  • Cập nhật: Thứ ba, 12/8/2014 | 9:07:31 AM

YBĐT - Lâm sản ngoài gỗ (mây nếp) là loài cây đã được gây trồng từ lâu đời và quen thuộc với người dân Việt Nam. Cùng với sự phát triển nhanh của các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm từ mây đã và đang được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Nhiều địa phương đã tận dụng đất đai để đưa cây mây nếp vào trồng, góp phần xóa đói, giảm nghèo và tăng thu nhập cho người lao động.

Mô hình trồng mây nếp của hộ ông Trần Phúc Hoà sau 3 năm đã ra hoa.
Mô hình trồng mây nếp của hộ ông Trần Phúc Hoà sau 3 năm đã ra hoa.

Đối với rừng Yên Bái, ngoài thành phần các loài cây gỗ còn có rất nhiều loài lâm sản ngoài gỗ. Khai thác và sử dụng lâm sản ngoài gỗ đã gắn liền với cuộc sống hàng ngày của dân cư sống gần rừng. Tuy nhiên, nguy cơ cạn kiệt lâm sản ngoài gỗ đang ở mức báo động. Việc khai thác tự phát, việc tổ chức quản lý từ khâu quy hoạch đến tổ chức bảo vệ và phát triển trồng mới chưa đồng bộ đã khiến cho nguồn hàng hóa này nhanh chóng suy giảm kể cả về diện tích và chất lượng.

Nhận thức được tầm quan trọng của lâm sản ngoài gỗ trong phục vụ các nhu cầu của người dân cũng như trong xã hội, UBND tỉnh Yên Bái giao cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn từng bước khảo sát, xây dựng chương trình hoạt động để bảo vệ và phát triển rừng, trong đó đặc biệt quan tâm bảo vệ và phát triển lâm sản ngoài gỗ. Qua đó phát huy tiềm năng sẵn có của rừng và đất rừng, từng bước tạo vùng nguyên liệu cung cấp cho chế biến xuất khẩu và khôi phục làng nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Năm 2011, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Yên Bái đã phối hợp với UBND xã Hồng Ca (Trấn Yên) triển khai mô hình "Trồng cây lâm sản ngoài gỗ làm nguyên liệu (mây nếp)" giai đoạn 2011 - 2013 với quy mô 43ha tại 2 điểm thôn Khuôn Bổ và Nam Hồng cho 32 hộ nông dân tham gia.

Trong quá trình triển khai, Trung tâm Khuyến nông Yên Bái đã cử cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở, lựa chọn hộ có đủ điều kiện tham gia, xây dựng kế hoạch tổ chức mở lớp tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ cây giống, phân bón. Sau 3 năm thực hiện, cây mây nếp sinh trưởng và phát triển tốt trên đất rừng tại xã Hồng Ca, tỷ lệ sống đạt trên 80%, đẻ nhánh khỏe, bình quân đạt 6 - 8 cây/bụi, chiều dài dây mây trung bình 2 - 3m và điển hình như hộ ông Kim, ông Hòa - thôn Nam Hồng; ông Vang, ông Ca - thôn Khuôn Bổ.

Hàng năm, Trung tâm Khuyến nông Yên Bái phối hợp với chính quyền xã, trưởng nhóm hộ thường xuyên kiểm tra tình hình sinh trưởng và phát triển của cây mây nếp đồng thời tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện và tổ chức hội thảo nhằm tuyên truyền nhân rộng mô hình. Vào thời điểm hiện tại, nhiều cây đã ra hoa và cho quả, đây thực sự là niềm vui của mỗi hộ tham gia mô hình bởi đó sẽ là nguồn hạt giống tốt để bà con nhân giống tại chỗ, phục vụ cho việc mở rộng diện tích trồng mây tại địa phương.

Với những kết quả bước đầu đạt được có thể khẳng định, việc triển khai mô hình thực sự phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của tỉnh và địa phương, từng bước giúp người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận khoa học kỹ thuật trong sản xuất lâm nghiệp và biết tận dụng đất đai, lựa chọn cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương.

 Phạm Thị Hằng