Đồng hành, tiếp sức cho sự nghiệp giáo dục vùng cao

  • Cập nhật: Thứ ba, 26/8/2014 | 2:49:55 PM

YBĐT - Ngay trong ngày thực học đầu tiên của năm học 2014 – 2015, tỷ lệ học sinh ra lớp trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã đạt trên 90%, thậm chí có trường mầm non số trẻ ra lớp còn vượt cả chỉ tiêu tuyển sinh, điều đó đã phần nào nói lên những bước chuyển tích cực, những thành tựu mới trong lĩnh vực giáo dục ở huyện vùng cao này.

Bữa ăn của các em học sinh Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Khao Mang.
Bữa ăn của các em học sinh Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Khao Mang.

Thay vì thầy cô phải lặn lội đi gọi học sinh, vận động phụ huynh cho con em ra lớp, nay phụ huynh học sinh đã tạo điều kiện để con em mình đến trường. Tỷ lệ học sinh ra lớp, đi học chuyên cần, chất lượng giáo dục ngày một nâng cao, đó là những kết quả tích cực của các chính sách ưu việt từ Trung ương đến địa phương dành cho giáo dục, dành cho học sinh thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn, con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Cũng như các địa bàn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc thù khác trong tỉnh, chính sách quan trọng nhất tạo điều kiện giải quyết cơ bản những khó khăn trong giáo dục ở Mù Cang Chải là Nghị quyết 22 của HĐND tỉnh về việc xây dựng các trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), cùng với đó là các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường PTDTBT, hỗ trợ gạo cho học sinh bán trú, hỗ trợ chi phí học tập, cấp bù học phí, hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ mẫu giáo 3,4, 5 tuổi…

Hiện tại, Mù Cang Chải đã có 14 trường được công nhận là trường PTDTBT với trên 7.200 học sinh. Với chính sách xây dựng trường bán trú, học sinh ở các địa bàn xa theo quy định đã được ăn ở tại trường, thay vì hàng ngày phải vất vả đi về. Điều này đã góp phần quan trọng thu hút học sinh ra lớp, đảm bảo duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Năm học 2013 – 2014, tỷ lệ duy trì thường xuyên, chuyên cần của các cấp học đạt trên 98%. Cùng với các chế độ hỗ trợ của Nhà nước theo Quyết định 85 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và Quyết định 36/2013 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ gạo cho học sinh, các nhà trường đã tổ chức nấu ăn cho các em đảm bảo ngày 3 bữa. N

goài ra, các nhà trường cũng năng động tổ chức cho giáo viên và học sinh tăng gia trồng rau xanh, nuôi lợn để cải thiện bữa ăn... Chính môi trường ăn ở, học tập tại các trường PTDTBT đã mang lại những hiệu quả tích cực, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi nhất trong học tập mà còn rèn luyện kỹ năng sống, kỷ luật, đoàn kết giúp đỡ thương yêu lẫn nhau trong các em. Hơn thế, những ảnh hưởng tích cực từ môi trường sống đó của các em lại phần nào tác động tới gia đình, người thân và cộng đồng mỗi khi cuối tuần các em trở về nhà, góp phần không nhỏ dần thay đổi tập quán trong việc ăn ở hợp vệ sinh, trong tăng gia sản xuất và giao tiếp của đồng bào vùng cao.

Có mặt ở Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Khao Mang ngay trong ngày đầu năm học mới, một điều hết sức phấn khởi là tỷ lệ các em ra lớp đã đạt trên 90%. Là một trường còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất bởi số lượng quá đông trên 1.000 học sinh của cả hai cấp tiểu học và THCS song các em khá nền nếp. Giờ ăn, mỗi ca vài trăm học sinh ngồi kín nhiều dãy bàn dài song không hề thấy một sự lộn xộn, ồn ào. Trước khi ăn, các em cùng khoanh tay đồng thanh mời thầy cô, mời các bạn ăn nghe thật xúc động, nghẹn lòng. Bởi nếu như trước đây đã từng chứng kiến cảnh các em lấm lem bùn đất, thậm chí từ nhà đến trường đã ướt như chuột lột; hàng ngày tan học đói vàng mắt trên con đường trở về nhà thì giờ đây nhìn hình ảnh các em sạch sẽ, quần áo gọn gàng, ăn uống đầy đủ mới hiểu hết được sự quan tâm từ những chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền các cấp dành cho các em.

Về cơ sở vật chất, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn song với sự đầu tư từ các nguồn lực, đến năm học 2013 – 2014, Mù Cang Chải có 546 phòng học, trong đó có 250 phòng kiên cố, 88 phòng bán kiên cố, còn 208 phòng học tạm. Việc được quan tâm đầu tư xây dựng phòng ở, giường tầng, các hạng mục phụ trợ góp phần giảm bớt khó khăn cho các trường bán trú và có học sinh bán trú. Năm học 2013 - 2014 toàn huyện  đã bàn giao đưa vào sử dụng 4 công trình, 22 phòng ở và hạng mục phụ trợ với tổng mức đầu tư 24,3 tỷ đồng. Hiện đang tiếp tục xây dựng 5 công trình, 42 phòng ở và hạng mục phụ trợ với tổng mức đầu tư 33,9 tỷ đồng.

Năm học 2014 - 2015 đã bắt đầu, chưa thể hết những khó khăn song sự quan tâm đầu tư và các chính sách dành cho sự nghiệp giáo dục, trong đó có những chính sách đặc thù dành cho giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ Trung ương đến địa phương đã và đang đồng hành, tiếp sức cho sự nghiệp giáo dục ở Mù Cang Chải đạt những thành tích mới.

 Ngọc Tú