Trên núi cao có nghề làm chiếu cói

  • Cập nhật: Thứ sáu, 29/8/2014 | 2:46:01 PM

YBĐT - Không ít người đã công tác lâu năm ở Trạm Tấu (Yên Bái) vậy mà khi nói tới chuyện người Thái ở xã Hát Lừu có nghề trồng cói và dệt chiếu thì họ tỏ ra rất ngạc nhiên. Ngạc nhiên có thể vì họ không để ý đến việc này hoặc họ nghĩ cây cói và nghề dệt chiếu chỉ có ở miền xuôi.

Dệt chiếu cói ở bản Hát.
Dệt chiếu cói ở bản Hát.

Vậy nghề cói ở Hát Lừu có từ bao giờ? Nhiều người dân trong xã nay ở độ tuổi tám mươi, chín mươi bảo rằng, đời các cụ của mình cũng nói chẳng biết nghề trồng cói và dệt chiếu có từ khi nào. Cây cói được mọc tại đây hay thiên di từ nơi nào về cũng không ai rõ. Và càng lạ hơn khi ở vùng đồng bằng Mường Lò rộng lớn, đông người Thái định cư như vậy mà sao nghề trồng cói dệt chiếu lại chỉ lọt thỏm vào một xã ở tít trên vùng núi cao Trạm Tấu? Bao băn khoăn như thế của người muốn tìm hiểu về nghề dệt chiếu ở Hát Lừu từ lâu vẫn chưa được sáng tỏ.

Bà con ở đây cho biết, cây cói trồng rất đơn giản. Chỉ cần trồng một lần là khai thác mãi. Mùa lạnh, cói lụi cây và đến tầm tháng 3 Âm lịch, trời ấm thì cói bắt đầu phát triển cho đến tháng 6 âm cắt rồi bón phân để cắt tiếp đợt nữa vào tháng 10. Nhà nào có độ 20m2 ao trồng cói thì đủ dệt chục chiếc chiếu mỗi năm. Chiếu cói vùng này chỉ rộng chừng mét rưỡi và kỹ thuật dệt không khác so với chiếu dệt ở miền xuôi nhưng bà con chỉ làm được chiếu mộc chứ không biết về kỹ thuật in hoa văn trên chiếu.

Dệt chiếu cần phải có hai người, một người lùa sợi cói cho người kia dệt và dệt đều tay thì mỗi ngày được một chiếc. Trẻ con cũng có thể phụ giúp người lớn lùa những sợi cói để giúp người lớn dệt và đến tầm mười ba, mười bốn tuổi là đã dệt thạo tay. Người già cũng làm được vì thao tác dệt khá nhẹ nhàng, không cần tới sức khỏe. Nghề dệt chiếu cói trước đây cũng có lúc kiếm được tiền do chiếu cói mậu dịch khan hiếm nên làm chiếu có thể bán ngay trong bản.

Có nhà dệt chiếu rồi cho ngựa thồ lên vùng cao đổi cho người Mông lấy hàng nông sản. Còn bây giờ, nghề dệt chiếu chủ yếu là dệt giữ nghề và tự cung tự cấp vì mùa thu hoạch cói thường trùng vào dịp nông nhàn nên bà con tranh thủ làm để sử dụng. Hơn nữa, bà con người Thái cho biết, đã nằm chiếu mình dệt lấy sẽ thấy êm lưng, thích hơn nhiều chiếu mua ở chợ. Nói như thế không phải là "mình làm mình khen hay" mà lý do là chiếu tự dệt để dùng cho gia đình nên bà con chỉ chọn những sợi to, đều. Vì thế, độ dày dặn của chiếu ở Hát Lừu khác hẳn với chiếu ở nơi khác.

Đồng thời, do là nghề có từ lâu đời nên bà con có kinh nghiệm phơi cói cho thật được nắng nhưng khi dệt xong còn phải mang ra phơi sương một, hai đêm rồi giặt sạch, phơi khô mới đem ra dùng nên chiếu không bị mốc khi trời ẩm và độ bền sử dụng thì vài năm mới hỏng. Vì chiếu được làm công phu như thế và bây giờ lại không nhiều nhà làm nên những chiếc chiếu quý này còn hay được dùng làm quà cưới. Đôi trẻ nào được người già tặng chiếu thì họ vừa cảm động ở tấm chân tình của người dệt chiếu vừa ngập tràn niềm tin tưởng về tương lai cuộc sống khi được đón nhận một tặng vật biểu trưng cho phúc, lộc, sức khỏe, sự gắn bó tình cảm…

Có thể vì những ý nghĩa rất thiết thực trong cuộc sống và ý nghĩa tinh thần rất nhân văn ấy mà nghề dệt chiếu ở Hát Lừu vẫn cứ tồn tại mãi với thời gian cho dù bây giờ, bà con người Thái đã có đủ điều kiện để mua những chiếc chiếu hoa rộng và đẹp từ chợ huyện.

Hoàng Nhâm