Người níu giữ những làn điệu Xịnh Ca Cao Lan

  • Cập nhật: Thứ tư, 10/9/2014 | 8:56:37 AM

YBĐT - Một sáng đầu thu, tôi đến nhà ông Lạc Tiên Sinh ở thôn Khe Gầy, xã Tân Hương (Yên Bình) bên bờ hồ Thác Bà. Ông đang nhè nhẹ đu võng ru cháu ngủ bằng điệu Xịnh Ca của dân tộc mình.

Ông Lạc Tiên Sinh đã sưu tầm và dịch những bài xịnh ca cổ ra tiếng phổ thông nhiều năm nay.
Ông Lạc Tiên Sinh đã sưu tầm và dịch những bài xịnh ca cổ ra tiếng phổ thông nhiều năm nay.

Gặp khách quen, ông quay lại hồ hởi. Không muốn làm cháu ông thức, tôi nhẹ nhàng đến bên xin ông dịch lại cái câu ông vừa hát. Ông giở quyển sổ trên tay và bảo: “Đây anh xem dịch như thế đã chuẩn chưa?”.

Rồi ông đọc: “…Thuyền rồng đã đóng xong xuôi/Buồm căng gió lộng ra khơi sẵn sàng/ Cánh buồm như cánh phượng hoàng/ Sải dài trong gió bay ngang lưng trời”. “Người Cao Lan xưa cũng có biển phải không ông?”. Ông Sinh tiếp: “…Thuyền em thuận gió băng băng/ Thuyền anh chèo gẫy dùng dằng biển khơi/ Thuyền em phơi phới giữa trời/ Thuyền anh lòng nặng rối bời nhớ thương…”. à, ra thế!

Ông kể về những năm tám mươi của thế kỷ trước, cố nhà thơ dân tộc Cao Lan Lâm Quý đến Tân Hương sưu tầm hát Xịnh Ca đã gieo vào lòng ông đam mê sưu tầm những câu hát Xịnh Ca từ đấy. Hiện ông Lạc Tiên Sinh đang là Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tân Hương. Nhưng cái mà ông đam mê nhất là hát và dịch những bài Xịnh Ca cổ ra tiếng phổ thông.

Ở cái tuổi ngoài sáu mươi, ông vẫn phong độ, có trí nhớ tốt. Những ngày mưa gió hoặc vào dịp cưới xin là ông lân la đến bên các cụ để tìm hiểu về vốn dân ca cổ của dân tộc mình. Ông kể, người Cao Lan có tới mười hai đêm hát ví với nhau. Trẻ hát với trẻ, già hát để cho trẻ học hát theo. Xã Tân Hương có tới hơn một phần ba là dân tộc Cao Lan sinh sống lâu đời ở đây. Ông mừng là tổ văn nghệ của ông có lớp trẻ mười hai, mười ba tuổi cùng tham gia học hát, một số cháu đã hát thuần thục. Cái khó của các câu hát ví là hát theo nghĩa Nôm nho nên nếu không dịch ra thì không hiểu được.

Ông kể, người Cao Lan có bà chúa thơ là Có Lau Sjam. Xưa, trai gái  hội tụ lại một nhà trong bản để hát ví với nhau. Cứ vào dịp trăng rằm họ mời bà chúa thơ Có Lau Sjam của mình đến chứng giám. Người cao tuổi thì chuẩn bị chậu nước trong để nhìn rõ mặt trăng trong chậu nước đó. Người trẻ thì sắm bát gạo cùng chiếc đũa, chọn quả trứng gà đặt cạnh mâm hoa quả hái ở vườn nhà. Họ hát ví giao duyên đối đáp nhau rồi hát mời nàng Có Lau Sjam cho đến khi đặt quả trứng gà nằm im trên đầu đũa được thì lúc đó bà chúa thơ đã đến chứng giám cho mối tình của các đôi trai tài, gái sắc trong bản. Họ hát mãi cho đến gần sáng, chủ nhà mời họ bằng nồi cháo gà rồi ai về nhà nấy tiếp tục ra đồng làm việc không biết mệt mỏi. Ông Sinh kể cho tôi trong sự tiếc nuối khi các cụ cao niên mang theo lời mời bà chúa thơ về với tiên tổ cả.

Tôi hỏi ông đã sưu tầm được mấy đêm hát. Ông bảo tìm và tạm dịch đến đêm hát thứ chín thôi. Biết ông đã duy trì tổ văn nghệ của xã từ năm 2011 đến nay nhưng chưa ra mắt được câu lạc bộ như các xã bạn được bởi nhiều lý do. Khu du lịch sinh thái Tân Hương cạnh nhà ông vài trăm mét có mấy căn nhà sàn nhưng vắng lặng bên bờ hồ Thác Bà khiến cả tôi và ông chạnh buồn vì chưa phát huy khai thác được. Ông ước có một chút tiền để in ấn những tập Xịnh Ca đã dịch ra để lưu lại cho con cháu sau này.

Tôi ngồi xem băng đĩa hình của Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tỉnh, Đài Truyền hình tỉnh, rồi VTC10 quay về tổ văn nghệ và giới thiệu về ông từ năm 2009 đến nay mà thấy thật trân trọng về sự đam mê đóng góp của ông cho việc giữ gìn vốn Xịnh Ca đang dần bị mai một của dân tộc mình.

Chiều ấy, rời nhà ông, nắng vàng như mật trải trên khắp núi đồi của đất Tân Hương. Câu hát Xịnh Ca ông hát như mật ong vàng sánh níu giữ bước chân tôi, dùng dằng không muốn bước:

“…Quả sổ vỏ cong ôm lấy núi
Buồng chuối quả cong ôm lấy cành
Khỉ con dài tay ôm lấy mẹ
Anh muốn nằm co ôm lấy em”…

Hoàng Tương Lai