Giảm nghèo ở xã “135”

  • Cập nhật: Thứ hai, 15/9/2014 | 2:49:12 PM

YBĐT - Những năm gần đây, đời sống nhân dân các dân tộc xã vùng cao Phúc Lợi, huyện Lục Yên (Yên Bái) không ngừng được cải thiện, diện mạo nông thôn mới ngày càng khởi sắc. Kết quả trên là do xã đã có những biện pháp thiết thực giúp các hộ giảm nghèo làm giàu.

Hiện tại, xã Phúc Lợi có 58 hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn phát triển sản xuất với tổng dư nợ trên 1,3 tỷ đồng.
Hiện tại, xã Phúc Lợi có 58 hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn phát triển sản xuất với tổng dư nợ trên 1,3 tỷ đồng.

Là một trong những xã thuộc diện 135 của huyện với đa số là đồng bào dân tộc Dao đỏ, để giúp người dân phát triển kinh tế hiệu quả, thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền xã Phúc Lợi đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể của huyện triển khai hướng dẫn bà con áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất, tạo điều kiện tốt nhất để người dân được tiếp cận các nguồn vốn vay, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hộ nghèo một cách nhanh chóng và hiệu quả. Nhờ đó, nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước được sử dụng đúng mục đích, tạo động lực to lớn để các hộ nghèo có điều kiện sản xuất, vươn lên.

Ông Triệu Trung Phúc - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Là xã vùng cao song nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước mà nhiều năm nay đời sống của đồng bào dân tộc xã ngày càng được nâng lên. Từ các mô hình chăn nuôi, trồng trọt mà tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới”.

Để giảm nghèo bền vững, những năm qua, Phúc Lợi luôn chú trọng công tác trồng rừng. Mỗi năm, xã trồng mới từ 100 - 200ha rừng, chủ yếu là keo, bồ đề… Là địa phương đi đầu huyện Lục Yên trong công tác trồng rừng, nhiều hộ dân Phúc Lợi đã có thu nhập cao từ kinh tế đồi rừng. Xác định chăn nuôi đại gia súc là hướng phát triển kinh tế giúp giảm nghèo bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương nên Đảng bộ xã xác định tận dụng lợi thế đồi cỏ đẩy mạnh phát triển đàn gia súc, coi trọng cả số lượng và chất lượng. Thông qua nhiều nguồn vốn vay của các tổ chức hội, đoàn thể trong xã, người dân đã vay hàng tỷ đồng phát triển chăn nuôi gia súc.

Đồng thời, Ban xóa đói giảm nghèo của xã đã cử cán bộ phụ trách xuống từng thôn, bản để hướng dẫn bà con cách chăm sóc, bảo vệ và phòng chống dịch bệnh cho gia súc. Hiện nay, Phúc Lợi còn 537 hộ nghèo, chiếm trên 40% số hộ trong xã. Thời điểm này toàn xã có 58 hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn ưu đã phát triển sản xuất với tổng dư nợ đạt trên 1,3 tỷ đồng. Từ số vốn này, các hộ đã mở rộng phát triển các mô hình chăn nuôi theo hướng hàng hóa.

Ông Hoàng Văn Lộc, một hộ dân thôn 2 Thuồng tâm sự: “Được Nhà nước quan tâm tạo điều kiện cho vay vốn phát triển kinh tế, đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo, không còn khó khăn, vất vả, không còn sợ cái đói, cái nghèo nữa”.

Những kết quả trong phát triển kinh tế, xã hội mà xã Phúc Lợi đã đạt được là tiền đề để địa phương tiếp tục phát triển ở những giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, đường giao thông đến một số thôn chủ yếu là đường đất, quanh co nên việc vận chuyển nông sản của bà con gặp nhiều khó khăn, giảm giá trị kinh tế.Chính vì vậy, cùng với sự nỗ lực của người dân nơi đây, cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ của Nhà nước để Phúc Lợi phát triển, từng bước giảm nghèo bền vững.

Khắc Điệp