Hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/9/2014 | 3:26:29 PM

YBĐT - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Văn Chấn lần thứ XIX đã đề ra mục tiêu phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn, đưa tổng sản lượng lương thực có hạt đến năm 2015 đạt 62.000 tấn. Quán triệt mục tiêu này, ngành nông nghiệp của huyện và chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, làm thay đổi căn bản nền sản xuất nông nghiệp và đưa tổng sản lượng lương thực năm 2014 đạt trên 62.000 tấn, về đích trước 1 năm so với mục tiêu đề ra.

Đồng chí Hồ Đức Hợp (thứ 2, trái sang) - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn kiểm tra mô hình canh tác lúa SRI ở xã Sơn A.
Đồng chí Hồ Đức Hợp (thứ 2, trái sang) - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn kiểm tra mô hình canh tác lúa SRI ở xã Sơn A.

Mường Lò - mùa thay áo mới

Tháng 9, Văn Chấn - Mường Lò đông đúc, nhộn nhịp hơn thường lệ. Sức người đua cùng sức máy để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa, làm đất, đưa bầu ngô ra ruộng kịp khung thời vụ. Nhanh tay rải túi hạt giống vừa ngâm ủ đang bắn ra chiếc rễ nhung màu trắng hồng, chị Đỗ Thị Hương - thôn Khá Thượng 1 phấn khởi: “Năm nay, gia đình chủ động trồng toàn bộ diện tích bằng giống lúa thuần HT1. Mặc dù có thời điểm bị sâu bệnh phá hoại mạnh nhưng gia đình đã được hướng dẫn và chủ động phòng trừ kịp thời. Hiện gia đình đã thu hoạch toàn bộ diện tích với năng suất đạt bình quân 52 tạ/ha. Thời vụ rút ngắn được hơn một tuần đã tạo điều kiện cho gia đình trồng hoàn thành 1.000m2. Giờ ngô nếp đã lên ngang đầu gối, gia đình vừa chăm sóc các diện tích đã trồng vừa tranh thủ làm bầu để trồng nốt mấy thửa còn lại”.

Với mục tiêu hoàn thành gieo trồng trên 1.600ha ngô đông trên đất 2 vụ lúa trước thời điểm 20/9, nông dân Văn Chấn đã tập trung nhân lực, đưa máy móc, nông cụ vào hỗ trợ thu hoạch, làm đất. Sự tích cực của nông dân cùng thời tiết ủng hộ nên đến trung tuần tháng 9, nhân dân các xã vùng Mường Lò đã gieo trồng trên 60% diện tích ngô đông.

Anh Lò Văn Sâm - thôn Nậm Tọ, xã Thạch Lương chia sẻ: “Những năm gần đây, nhân dân đã ứng dụng các cơ cấu giống ngắn ngày vào sản xuất, rút ngắn thời vụ, tạo điều kiện thuận lợi sản xuất vụ đông. Trước đây, nhiều hộ lo ngại, sản xuất vụ đông ảnh hưởng đến việc gieo cấy vụ đông xuân. Tuy nhiên, thực tế là thời gian đã bảo đảm cho bà con yên tâm sản xuất. Mấy năm nay, gia đình tôi đều sản xuất vụ 3 trên toàn bộ diện tích 2.000m2”.
       
Tác động từ việc chuyển dịch cơ cấu

Với truyền thống sản xuất nông nghiệp lâu đời, nhiều năm trở lại đây, nông dân Văn Chấn đã đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính. Việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng và thâm canh tăng vụ đã góp phần đưa sản lượng lương thực có hạt năm 2013 của huyện vượt 61 nghìn tấn, chiếm 1/4 sản lượng lương thực có hạt của toàn tỉnh Yên Bái. Nông nghiệp phát triển đã từng bước cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX về phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn. Thông qua việc thực hiện các chương trình phát triển, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần bảo đảm an ninh lương thực và bước đầu xây dựng được các sản phẩm lúa hàng hóa.

Hiện nông dân Văn Chấn đã có những bộ giống tối ưu, thời gian sinh trưởng phù hợp với từng tiểu vùng khí hậu và cho năng suất, chất lượng vượt trội như: Nhị Ưu 838, HT1, Chiêm Hương, Thiên Hương, Nghi Hương 305, ĐS1 và các giống lúa đặc sản như nếp tan, Séng Cù. Giống tốt được triển khai trên các mô hình gieo cấy lúa cải tiến SRI, phân viên nén dúi sâu hay các mô hình canh tác bền vững đã góp phần giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ông Lường Văn Xuân - Chủ tịch UBND xã Thạch Lương chia sẻ: “Đến nay, Thạch Lương đã áp dụng cơ cấu trên 95% là giống lúa thuần và lúa lai chất lượng cao. Việc sử dụng cơ cấu giống lúa phù hợp đã góp phần rút ngắn thời vụ sản xuất, tạo điều kiện để nhân dân thâm canh tăng vụ. Sử dụng các giống có năng suất, chất lượng cao và mở rộng diện tích cây vụ 3 đã nâng cao sản lượng lương thực có hạt của xã, góp phần đưa lương thực bình quân đầu người lên 600kg/người/năm”.

Hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn

Có thể khẳng định, thời gian qua, việc phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Văn Chấn đã cơ bản giải quyết được những vấn đề trọng yếu do thực tiễn đặt ra. Sản xuất nông nghiệp liên tục tăng trưởng và đạt được các mục tiêu quan trọng: tốc độ tăng trưởng nông - lâm nghiệp hàng năm trung bình đạt 4% - 4,5%, sản lượng lương thực có hạt đến hết năm 2014 ước đạt trên 62 nghìn tấn.

Thành tựu đạt được của ngành nông nghiệp cùng với kết quả thực hiện các chương trình phát triển nông thôn trong thời gian qua đã làm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn. Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được tăng cường và hoàn thiện hơn. Thu nhập và đời sống, sinh hoạt của người dân nông thôn tiếp tục được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2013 còn trên 30%, giảm 4,3% so với năm 2012.

Theo ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX về tổng sản lượng lương thực có hạt đến nay đã vượt ngưỡng 62.000 tấn. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn, huyện cần phải nỗ lực rất nhiều. Trước mắt, ngành nông nghiệp tiếp tục vận động nhân dân chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Để làm được điều này, Văn Chấn sẽ  tăng cường mối liên kết “4 nhà”, nhân rộng các mô hình hiệu quả để nhân dân tự giác thực hiện.

Kết quả trong công tác phát triển nông nghiệp ở Văn Chấn đã khẳng định định hướng, sự chỉ đạo đúng đắn của Huyện ủy Văn Chấn cũng như tích cực động viên nhân dân phát huy tiềm năng, lợi thế sản xuất nông nghiệp để cải thiện đời sống. Tuy nhiên, với điều kiện địa hình chia cắt, đất sản xuất manh mún, trình độ và nhận thức của nông dân các khu vực không đồng đều đã phần nào hạn chế hiệu quả sản xuất. Hiện phần lớn các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất mới tập trung ở khu vực cánh đồng Mường Lò, vùng ngoài; việc phát triển vụ đông ở vùng ngoài và vùng cao còn hạn chế.

Ông Hồ Đức Hợp - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: “Khắc phục những khó khăn trong phát triển nông nghiệp, Văn Chấn đã chỉ đạo các ban, ngành quy hoạch 3 vùng sản xuất: vùng ngoài, vùng cánh đồng Mường Lò, vùng thượng huyện và trên cơ sở đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu của từng vùng phải xây dựng cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, thời vụ sản xuất phù hợp. Bên cạnh đó, huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các nhà khoa học, các viện nghiên cứu khảo nghiệm đa dạng hóa cơ cấu giống cây trồng; kết hợp các nguồn lực phát triển nông nghiệp, nông thôn với chương trình xây dựng nông thôn mới để nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy sản xuất của nông dân đồng thời nâng cấp kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Huyện cũng sẽ tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giảm sức lao động, giảm chi phí sản xuất, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân”.

Trần Van