Đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/9/2014 | 3:31:22 PM

YBĐT - Thực hiện Chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị và công văn hướng dẫn của Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Tối cao, từ năm 2009 đến nay, Viện KSND tỉnh Yên Bái đã tập trung nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa, nhất là chất lượng thẩm vấn và tranh tụng của kiểm sát viên.

Hàng năm, viện KSND các cấp đều chọn các vụ án hình sự để rút kinh nghiệm.
Hàng năm, viện KSND các cấp đều chọn các vụ án hình sự để rút kinh nghiệm.

Hàng năm, các phiên tòa rút kinh nghiệm được viện KSND các cấp tổ chức tăng cả về số lượng và chất lượng, tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự. Điển hình là vụ án Ngô Duy Nguyên ở thôn Rịa 2, xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn phạm tội "Giết người" vừa được Tòa án nhân dân tỉnh xét xử sơ thẩm. Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh, Ngô Duy Nguyên và chị Lê Thị Hoa là 2 vợ chồng. Đến tháng 10/2013, họ ly hôn nhưng vẫn về sống với nhau. Trong thời gian sống chung, 2 người lại tiếp tục nảy sinh mâu thuẫn. Ngày 13/2/2014, Ngô Duy Nguyên đã dùng dao nhọn đâm nhiều nhát vào lưng và đầu chị Hoa với mục đích giết chị Hoa.

Ngay sau đó, Nguyên đã uống thuốc sâu tự tử nhưng không chết. Theo kết luận giám định pháp y, chị Lê Thị Hoa bị tổn hại 12% sức khỏe. Căn cứ vào các tình tiết và chứng cứ, Ngô Duy Nguyên đã phạm tội "Giết người" theo Điểm 1, Khoản n, Điều 93 của Bộ luật Hình sự. Trong quá trình điều tra, bị can thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, gia đình có công với cách mạng, Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt Ngô Duy Nguyên 11 năm tù giam. Đây là một trong những phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm theo chủ trương cải cách tư pháp của Viện KSND tỉnh.

Qua đó, giúp đội ngũ kiểm sát viên của ngành tham gia ý kiến đóng góp trong xây dựng bản cáo trạng, chuẩn bị dự thảo luận tội, đề cương xét hỏi, dự kiến tình huống tranh luận, kỹ năng tranh tụng đối đáp với luật sư. Những ưu điểm, tồn tại của kiểm sát viên trong thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử về tư thế, tác phong, trang phục của kiểm sát viên tại phiên tòa, từ đó, rút ra kinh nghiệm cho kiểm sát viên, đảm bảo theo quy định chung của ngành.

Trong quá trình kiểm sát viên thụ lý và giải quyết án hình sự, viện kiểm sát hai cấp đã chủ động phối hợp với cơ quan điều tra, tòa án cùng cấp đảm bảo thời hạn điều tra, truy tố, xét xử các vụ hình sự đúng quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Ở các giai đoạn điều tra, kiểm sát viên đã nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện đúng các thao tác nghiệp vụ theo quy định của quy chế thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, đảm bảo việc nghiên cứu, đánh giá đầy đủ về chứng cứ, chứng minh tội phạm và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự trong vụ án, đảm bảo truy tố có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Từ năm 2009 - 2014, viện KSND hai cấp đã tổ chức 128 phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm với 186 bị can, đạt tỷ lệ trên 5%; trong đó: án sơ thẩm 118 vụ, phúc thẩm 10 vụ.

Qua tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực, các ý kiến tham gia đóng góp đã giúp kiểm sát viên thấy rõ những ưu, khuyết điểm của mình trong thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án để tiếp tục học tập, trau dồi kiến thức, nâng cao kỹ năng xây dựng cáo trạng, thẩm vấn, luận tội, tranh luận và xử lý các tình huống phát sinh tại phiên tòa, đồng thời kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật của hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng tại phiên tòa.

Thông qua các phiên tòa rút kinh nghiệm cho thấy, kiểm sát viên đã nâng cao chất lượng kiểm sát điều tra vụ án, chất lượng bản cáo trạng, chất lượng xét xử, chất lượng tranh tụng từng bước được nâng lên. Thông qua hoạt động này, Viện KSND tỉnh đã đánh giá được những ưu điểm và hạn chế của kiểm sát viên trong đơn vị để bố trí phân công công tác cho phù hợp với năng lực cán bộ và có kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho kiểm sát viên.

Để tăng cường chất lượng thực hiện quyền công tố và kiểm sát giải quyết án hình sự, đồng thời nâng cao hiệu quả các phiên tòa rút kinh nghiệm, thời gian tới, Viện KSND tỉnh tăng cường phối hợp với các ngành chức năng, chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên nâng cao kỹ năng, xử lý của kiểm sát viên tại phiên tòa, lựa chọn những vụ án có tính chất phức tạp, có luật sư, người bào chữa tham gia để tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm.

Đồng thời quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết số 63/2013/QH13 của Quốc hội về "Tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm" và Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 06/12/2013 của Viện KSND Tối cao về "Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm" đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.  

Kim Tiến