Đừng để chờ gạo

  • Cập nhật: Thứ hai, 29/9/2014 | 9:13:12 AM

YBĐT - Hạt gạo rất quý. Với nông dân, gạo càng quý hơn vì nó kết tinh bao mồ hôi, lo toan của nghiệp "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Với nông dân vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, hạt gạo càng quý hơn bởi hạt gạo nơi đây làm ra khó khăn, vất vả hơn.

Vì vậy mới có chuyện, mùa gặt chưa đến, nhiều nông dân đứt bữa, thiếu gạo đi đong. Đong ngoài thị trường, vay mượn hàng xóm, làng giềng, mùa sau mới trả.

Khó khăn bao giờ cũng có chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Chính nguồn hỗ trợ ấy đã giúp hàng triệu hộ nông dân vượt qua lúc khó khăn, động viên đồng bào vươn lên làm ăn để đủ ăn, thoát nghèo. Mùa giáp hạt, những hộ quá thiếu gạo, khó đong mua, khó đong vay được Nhà nước quan tâm hỗ trợ đủ ăn qua giáp hạt. Sự quan tâm đó, càng ý nghĩa hơn với nông dân vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số khi con em họ đi học ở các trường phổ thông dân tộc bán trú được Nhà nước hỗ trợ gạo.

Các thầy cô giáo ở những trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) trăm người như một nói rằng, nếu không có Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì vô cùng khó khăn để "hút" trò ra lớp, những gian truân, vất vả của cán bộ thôn bản, giáo viên trong vận động gia đình, học sinh ra lớp cũng giảm đi rất nhiều; trường đã đông lớp, lớp đã đông trò, gánh nặng duy trì chuyên cần cũng nhờ thế mà vơi nhẹ. Nhân dân vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số đồng lòng nhất trí rằng, nếu không có chính sách hỗ trợ gạo của Nhà nước thì con em họ rất khó để ra lớp, ra trường bán trú và học lên cao. Đồng bào càng thấm thía sâu sắc hơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tới vùng khó khăn, tới nông dân và con em của họ.

Năm học mới đã bắt đầu. Nông dân đã yên tâm. Học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn cũng yên tâm. Nhưng những thầy cô giáo ở các trường PTDTBT thì “chưa” yên tâm. Không phải vì lo lắng những sĩ số, chuyên cần trên lớp học mà vì gạo hỗ trợ của học sinh chưa về.
Chờ gạo, học sinh PTDTBT vẫn học bình thường nhưng khó khăn đang dồn lên vai các nhà trường. Chờ gạo, các  trường phải giải quyết tình thế bằng việc ký hợp đồng cung ứng gạo tạm thời với các cơ sở kinh doanh gạo tại địa phương - thực chất là nợ gạo. Nhà kinh doanh vốn dày thì ít khi phiền hà, nhưng nhà kinh doanh vốn mỏng, tháng sau đòi tháng trước, nhà trường thành ra “khó ăn nói” vì không lấy đâu tiền thanh toán cho các em. Mà phương thức "đổi gạo lấy gạo" không phải chủ kinh doanh nào cũng vui vẻ chấp nhận.

Gạo về sớm, gạo sẽ thành cơm; tiền hỗ trợ (nếu cũng về sớm) một phần sẽ thành thịt, cá, đậu - bữa ăn cho các em sẽ tươm tất hơn nhiều. Gạo về muộn, quá muộn, có nơi nhà trường (học sinh) buộc phải sẻ tiền hỗ trợ để lo gạo. Có phương án huy động gạo từ phụ huynh nhưng cha mẹ các em phần lớn rất nghèo, có nhà thiếu ăn thành ra không thể. Từ chuyện gạo muộn có rầy rà. Như năm học trước, gần cuối năm học nhiều nơi vẫn chưa nhận được gạo hỗ trợ theo Quyết định 36/QĐ-TTg, một bộ phận phụ huynh lầm tưởng nhà trường cắt gạo của các em. Dẫn đến nhà trường, cán bộ xã phải giải thích mất rất nhiều thời gian.

Nông dân muốn có gạo thì phải chờ dăm ba tháng, từ khi cấy mạ tới lúc lúa uốn bông, trĩu hạt. Gạo hỗ trợ đến nhà trường (học sinh) cũng phải chờ do liên quan đến thủ tục, quy trình và cả quãng thời gian đưa gạo từ nơi cấp tới nơi nhận ở vùng khó khăn, xa xôi. Gạo về muộn có nhiều lý do. Gạo về quá muộn càng có nhiều lý do. Nhưng gạo về kịp thời chỉ có một lý do - đó là không để nhà trường (học sinh) vùng khó khăn đến lúc phải dùng thật sự mà phải chờ đợi. 

Tuấn Anh