Khởi công xây dựng cầu Thái Hà vượt sông Hồng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/10/2014 | 2:02:52 PM

Sáng 17/10, tại thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình.

Sáng 17/10, Bộ Giao thông vận tải đã khởi công xây dựng cầu Thái Hà vượt sông Hồng.
Sáng 17/10, Bộ Giao thông vận tải đã khởi công xây dựng cầu Thái Hà vượt sông Hồng.

Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình, giai đoạn I theo hình thức hợp đồng BOT được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt ngày 25/9/2014. 

Dự án có tổng chiều dài tuyến chính 2.846 m (trong đó phần cầu dài 2.159 m; phần đường dẫn dài 687m – Phía Hà Nam 316m, phía Thái Bình 370m), với tổng mức đầu tư 1.709 tỷ đồng, sử dụng khoảng 24,1 ha đất.

Dự án có điểm đầu kết nối vào tuyến nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình, thuộc địa phận xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Điểm cuối tại tuyến vượt sông Hồng, kết nối với tuyến phía Thái Bình, tại lý trình Km5+677,87 (lý trình dự án) (Km0+263,13 - lý trình tuyến phía Thái Bình) tại địa phận xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà.

Quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án, áp dụng khung tiêu chuẩn đã đã được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt tại Quyết định số 1365/QĐ-UBND ngày 26/7/2010 và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt điều chỉnh, bổ sung tại Quyết định số 3618/QĐ-BGTVT ngày 25/9/2014.

Cầu chính dài 2.159 m, rộng 12 m, bao gồm: 2 làn xe cơ giới ; 2 làn xe thô sơ và gờ lan can 2 bên rộng 1m. Cầu gồm 1 dầm hộp liên tục bằng bê tông cốt thép dự ứng lực được thi công bằng phương pháp đúc hẫng cân bằng.

Cầu dẫn sử dụng dầm Super - “T” chiều dài nhịp 40m, riêng 3 nhịp vượt đê Hữu Hồng kéo dài xà mũ để tăng khẩu độ vượt đê (chiều dài nhịp là 42m và 44m); bản mặt cầu bằng bề tông cốt thép.

Dự kiến sau khi hoàn thành cầu Thái Hà sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông tỉnh Thái Bình, Hà Nam, mạng lưới hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Hồng, đường Vành đai 5 - vùng Thủ đô Hà Nội và góp phần phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng dự án.

(Theo VnMedia)