"Múa Tắc xình", di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/10/2014 | 2:37:23 PM

Thái Nguyên không chỉ được biết đến với vùng chè nổi tiếng của cả nước mà còn là nơi hội tụ những nét đẹp văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc thiểu số phía bắc Việt Nam. Người Sán Chay ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên tự hào còn lưu truyền được thể loại dân vũ "Múa Tắc xình".

Người dân tộc Sán Chay biểu diễn
Người dân tộc Sán Chay biểu diễn "Múa Tắc xình".

Với tiết tấu âm nhạc đơn giản, ngôn ngữ múa dễ hiểu, động tác múa nguyên gốc, rất ít dị bản, ngày 17-10 vừa qua, "Múa Tắc xình" đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

"Múa Tắc xình" là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo được người dân tộc Sán Chay của huyện Phú Lương lưu giữ, bảo tồn và truyền lại cho nhiều thế hệ. Bên cạnh việc thể hiện ước nguyện của con người, cầu thời tiết thuận lợi, muôn loài sinh sôi, lúa ngô được mùa, cầu cho bản làng bình yên, hạnh phúc, vũ điệu cũng thể hiện đạo lý nhớ ơn tổ tiên, mối quan hệ thế hệ trước và thế hệ sau, thắp lên niềm tin, khát vọng chinh phục thiên nhiên của người dân lao động.

"Múa Tắc xình" có chín điệu cơ bản gồm: Thăm đường, lập làng, bắt quyết, mài dao, phát nương dọn rẫy, tra mố, hái lượm, mừng mùa vụ và chim câu. Điệu múa này được biết đến nhiều nhất ở các xã Tức Tranh, Yên Lạc, Phú Đô... của huyện Phú Lương. Từ năm 1996, điệu múa đã được huyện Phú Lương lựa chọn tham gia giao lưu trong nước, quốc tế và đã nhận được sự đánh giá cao. Năm 2013, huyện Phú Lương đã chọn "Múa Tắc xình" tham gia Liên hoan Dân ca - Dân vũ Việt Nam và xuất sắc giành giải A toàn quốc.

Để gìn giữ, tôn vinh và phát huy giá trị bản sắc văn hóa độc đáo này, Thái Nguyên đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa và giá trị của di sản văn hóa phi vật thể; đưa các loại hình di sản văn hóa phi vật thể "Múa Tắc xình" vào hệ thống giáo dục ở các cấp học trên địa bàn huyện Phú Lương và tỉnh Thái Nguyên; tổ chức các hoạt động giao lưu, quảng bá để "Múa Tắc xình" có cơ hội trình diễn trước bạn bè trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên cũng cho thành lập các câu lạc bộ Múa Tắc xình trong cộng đồng dân tộc Sán Chay và người dân. Thời gian tới, ngành văn hóa, thể thao và du lịch Thái Nguyên cần có một số cơ chế cụ thể hỗ trợ công tác sưu tầm toàn bộ các kỹ năng, kỹ thuật, tập tục của "Múa Tắc xình" trong nghi lễ Cầu mùa, quan tâm, tôn vinh những nghệ nhân, già làng, trưởng bản để khai thác vốn tài liệu về động tác vũ điệu.

(Theo NDĐT)