Cần nhiều giải pháp bảo toàn Quỹ Bảo hiểm xã hội

  • Cập nhật: Thứ sáu, 31/10/2014 | 9:28:14 AM

YBĐT - Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) liên quan đến việc thay đổi cách tính lương hưu công chức, viên chức (CCVC) từ năm 2015 theo hướng giảm, đã khiến dư luận, nhất là người lao động (NLĐ) không khỏi băn khoăn, lo ngại “đóng nhiều, hưởng ít”.

Khám bệnh bảo hiểm y tế cho bệnh nhân tại Trạm Y tế xã Mông Sơn (huyện Yên Bình).
(Ảnh: Hồng Duyên)
Khám bệnh bảo hiểm y tế cho bệnh nhân tại Trạm Y tế xã Mông Sơn (huyện Yên Bình). (Ảnh: Hồng Duyên)

Sự lo ngại xuất phát từ tính toán đến năm 2022, Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) của Việt Nam có thể mất cân đối thu - chi và đến năm 2034, sẽ hoàn toàn cạn kiệt. Nguyên nhân do số lượng người đóng BHXH trên số người hưởng lương hưu giảm mạnh; thời gian đóng ngắn, nhưng thời gian hưởng dài do tuổi thọ tăng, cộng với việc nợ đọng, trốn đóng BHXH tràn lan...

Để tránh nguy cơ vỡ Quỹ, Ban soạn thảo Luật BHXH (sửa đổi) đề xuất thay đổi cách tính lương hưu của đối tượng CCVC. Cụ thể, từ ngày 1/1/2015, lương hưu của CCVC sẽ được tính trên bình quân tiền lương của toàn bộ thời gian đóng BHXH, thay vì bình quân 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu như hiện nay. Ngoài ra, để tăng thời gian đóng BHXH, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cũng đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của NLĐ. Cụ thể, từ năm 2016 trở đi, sẽ tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, CCVC theo cách 3 năm tăng thêm 1 tuổi, cho đến khi cả nam lẫn nữ đủ 62 tuổi hoặc nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi; từ năm 2020 trở đi, sẽ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu với các đối tượng còn lại với lộ trình như trên.

Ngay sau khi Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) công bố, đã có rất nhiều ý kiến phản biện “cách tính mới khiến tiền lương hưu của NLĐ sẽ giảm đi” và cơ quan soạn thảo là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, phần trăm tiền lương có thể thấp hơn, nhưng trên nền lương cao hơn, do tiền lương tối thiểu sẽ tăng lên, cao hơn so với hiện nay! Lời giải thích rất có lý nhưng thực tế hiện nay, lương tối thiểu mới chỉ đáp ứng khoảng 60% mức sống tối thiểu của NLĐ; lương có tăng dần lên cũng chỉ giảm thiệt thòi cho họ.

Mặt khác, không thể bảo đảm rằng, từ nay đến lúc Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, lương tối thiểu chắc chắn sẽ liên tục tăng; nếu có tăng, liệu có cao hơn tốc độ lạm phát. Việc tăng lương tối thiểu đến năm 2015 (theo lộ trình của Chính phủ) cũng không thực hiện được, phải lùi đến năm 2017. Chính vì thế, lý giải của Ban soạn thảo Luật BHXH (sửa đổi) dù có lý nhưng vẫn rất khó để NLĐ chấp nhận. Nếu lương tối thiểu khi đó không tăng như kỳ vọng, trong khi lương hưu lại giảm, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của NLĐ. Do đó, Ban soạn thảo Luật BHXH (sửa đổi) không nên đề xuất tăng thêm nhiều nghĩa vụ, nhưng lại giảm quyền lợi của NLĐ.

Quỹ BHXH hình thành trên nguyên tắc NLĐ và người sử dụng lao động đóng góp, khi NLĐ đóng đủ thời gian và đủ tuổi đời (nghỉ hưu) theo quy định sẽ hưởng lương hàng tháng. Việc vỡ Quỹ BHXH nguyên nhân chính do chênh lệch quá lớn giữa thu và chi; thu ít, chi nhiều hoặc ít người đóng, nhiều người hưởng… Vì vậy, về căn bản, muốn không vỡ Quỹ BHXH cần mở rộng đối tượng tham gia BHXH và quản lý tốt hơn Quỹ BHXH, đó phải thực sự là nguồn vốn lớn, đầu tư và sử dụng hiệu quả. Các địa phương cần tăng cường triển khai và thực hiện Luật BHXH, ngăn chặn tình trạng trốn, tránh, nợ BHXH, một hiện tượng phổ biến và có nguy cơ lan rộng hiện nay. 

Tấn Đạt