Chuyển biến phòng chống bệnh dại ở Mù Cang Chải

  • Cập nhật: Thứ sáu, 31/10/2014 | 3:18:52 PM

YBĐT - Trước đây, khí hậu ở Mù Cang Chải thường lạnh hơn so với những vùng khác nên ở đây chưa từng xảy ra bệnh dại. Tuy nhiên, năm 2012, bệnh dại bắt đầu bùng phát và gây tử vong cho một số người dân. Nhưng với sự triển khai quyết liệt của chính quyền cơ sở, đặc biệt là sự chuyển biến nhận thức và nhập cuộc của người dân, có căn cứ để hoàn toàn tin tưởng nguy cơ bệnh dại ở Mù Cang Chải sẽ được đẩy lùi.

Đồng bào Mông xã Mồ Dề (Mù Cang Chải) xích nhốt chó trước khi đi làm.
Đồng bào Mông xã Mồ Dề (Mù Cang Chải) xích nhốt chó trước khi đi làm.

 Vì sự đột biến bất thường này mà nhiều người, nhất là bà con người Mông còn khá chủ quan trước mối nguy hiểm của bệnh dại chưa thực sự quan tâm đến tiêm phòng dại cho chó; nuôi chó thường thả rông, không xích, nhốt theo chỉ đạo của chính quyền cơ sở ở thời điểm bệnh dại dễ phát sinh. Nhiều người bị chó, mèo cắn, nhất là người cao tuổi hoặc trẻ nhỏ chưa đến hoặc không kịp thời đến cơ sở y tế để tiêm phòng dại. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương từ huyện đến cơ sở chủ động mọi giải pháp quyết tâm khống chế bệnh dại trên địa bàn, hạn chế tối đa số người tử vong; nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và nhân dân trong phòng ngừa bệnh dại.

Trên cơ sở đó, hàng năm, UBND huyện đều chủ động kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống bệnh dại ở người và xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh dại, phân công nhiệm vụ cho các đơn vị thành viên ngay từ những tháng đầu năm nên sự nhập cuộc của các đơn vị thành viên Ban chỉ đạo của huyện cũng như cơ sở  khá đồng bộ. Trong đó, mục tiêu đề ra là đẩy mạnh công tác truyền thông đồng bộ bằng nhiều giải pháp để trên 90% số hộ trong huyện được cung cấp các kiến thức về bệnh dại và 100% số người bị chó, mèo cắn hoặc có tiếp xúc với chó, mèo nghi dại đến cơ sở y tế được khám, tư vấn, điều trị dự phòng bệnh.

Huyện giao nhiệm vụ cho Trung tâm Y tế chủ động điều tra xác định các đối tượng phơi nhiễm với bệnh dại, các trường hợp có chỉ định tiêm phòng vắc-xin để vận động đi khám và điều trị dự phòng; phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và các ngành chức năng tổ chức dập dịch, xử lý ổ dịch từ người theo quy định; phối hợp cùng Trạm Thú y huyện tăng cường giám sát tình hình bệnh dại trên đàn chó, mèo nhằm hạn chế sự lây lan sang người; chủ động cung cấp tài liệu và xây dựng giải pháp truyền thông đến cơ sở về mối nguy hại của bệnh dại, cách phòng chống. Bệnh viện Đa khoa huyện tổ chức điều tra ca bệnh, hướng dẫn thân nhân chăm sóc người bệnh khi đến điều trị tại bệnh viện và thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định của Bộ Y tế…

Nhờ tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp đúng yêu cầu chuyên môn và tình hình thực tế ở cơ sở nên năm 2013 toàn huyện không để xảy ra trường hợp nào bị tử vong vì bệnh dại. Mặc dù đầu năm 2014, có xảy ra tử vong một trường hợp ở xã Nậm Khắt do bệnh nhân không cho người nhà biết mình bị chó cắn. Qua thực tế triển khai phòng ngừa bệnh dại ở Mù Cang Chải cho thấy bà con người Mông đã có sự chuyển biến mạnh về nhận thức cũng như hành động đối với bệnh này.

Ông Cứ A Hồng - Giám đốc Trung tâm Y tế kiêm Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống bệnh dại huyện Mù Cang Chải cho biết, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên từ chỗ nhiều người còn thờ ơ với bệnh này nay đều nhận thức được đây là bệnh rất nguy hiểm đến tính mạng. Từ nhận thức đó, ý thức phòng ngừa bệnh dại của bà con cũng có chuyển biến mạnh. Điều đó được thể hiện qua việc trước đây triển khai tiêm vắc-xin phòng dại cho chó rất khó khăn vì nhiều hộ dân chưa chịu xích, nhốt chó để cán bộ thú y đến tiêm. Khi tổ chức những đợt tiêm phòng dại cho chó, dù đã có thông báo đến thôn bản, gia đình nhưng nhiều hộ vẫn đi làm ruộng nương nên không thể tiêm được….

Cùng với đó, dân cư lại phân tán, địa hình đồi núi cao khó đi lại trong khi điều kiện bảo quản vắc-xin thiếu thốn, thời gian bảo quản ngắn. Đến nay, những hạn chế này đã được khắc phục. Điều đáng mừng là đại đa số người bị chó, mèo cắn đều tự giác đi tiêm phòng dại và số ít sau khi được tuyên truyền cũng đã đi tiêm. Thời điểm thời tiết nắng nóng từ cuối xuân sang giữa thu, bệnh dễ bùng phát hoặc lúc tổ chức Tuần lễ Văn hóa ruộng bậc thang, người dân đã thực hiện khá nghiêm túc việc xích, nhốt chó.

Tại một số nơi đã xảy ra tử vong do bệnh dại, chính quyền xã, thôn bản còn đưa ra nhiều biện pháp khá kiên quyết như buộc người bị chó, mèo cắn phải đi tiêm phòng. Ở thời điểm dễ phát sinh bệnh dại nếu nhà nào không chịu xích, nhốt chó thì đội an ninh sẽ tổ chức tiêu diệt chó thả rông. Hoặc nếu chó của nhà nào thả rông mà cắn người hộ nuôi sẽ bị xử lý theo quy định của nhà nước cũng như thôn, bản.

Với sự triển khai quyết liệt của chính quyền cơ sở, đặc biệt là sự chuyển biến nhận thức và nhập cuộc của người dân, có căn cứ để hoàn toàn tin tưởng nguy cơ bệnh dại ở Mù Cang Chải sẽ được đẩy lùi. 

Sơn Nam