Người làm kinh tế giỏi ở Bản Phạ

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/11/2014 | 9:49:19 AM

YBĐT - Chăm chỉ lao động và biết tính toán làm ăn, hiện nay, anh Lâm đã có điều kiện xây dựng khuôn viên, làm nhà ở khang trang, sạch đẹp, trị giá hàng tỷ đồng và nuôi các con ăn học đầy đủ. Gia đình anh đã trở thành hộ có kinh tế khá giả nhất, nhì ở địa phương và được nhiều người đến học tập.

Ngôi nhà sàn to đẹp của gia đình anh Hoàng Đình Lâm.
Ngôi nhà sàn to đẹp của gia đình anh Hoàng Đình Lâm.

Trong ngôi nhà sàn to đẹp còn thơm mùi sơn, rót chén nước trà mời khách, anh Hoàng Đình Lâm, dân tộc Tày ở thôn Bản Phạ, xã Việt Hồng (Trấn Yên) kể về quá trình khởi nghiệp của mình: "Khi hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc trở về, tôi đầu tư mua máy ủi đi làm theo các công trường. Có ít vốn, tôi đầu tư phát triển đồi rừng rồi lại chuyển sang mua máy bóc ván về sơ chế và thu mua gỗ rừng trồng cho bà con đến bây giờ".

Được đi giao lưu, học hỏi nhiều nơi, anh Lâm sớm nhìn nhận thấy tiềm năng, thế mạnh của địa phương và chủ động đi trước mọi người. Trước năm 2000, mọi người chưa quan tâm nhiều tới đất đai nên đất đồi bỏ hoang còn nhiều và bán giá rẻ. Vì vậy, hàng năm, tích cóp được ít vốn, anh Lâm đều đầu tư mua đất đồi rồi đầu tư giống, cùng vợ con tích cực trồng cây. Bên cạnh đó, người dân quanh khu vực xã nếu có nhu cầu bán đồi cây non thì anh cũng mua lại. Hơn chục năm chăm chỉ lao động và tích cóp, hiện anh Lâm đã có trên 20ha đồi rừng với hơn 3ha quế, còn lại là bồ đề, keo, mỡ, hàng năm khai thác từ 3ha đến 4ha, thu hai trăm, ba trăm triệu đồng.

Kinh tế gia đình anh Lâm bắt đầu phát triển từ năm 2007. Khi phong trào phát triển xưởng bóc gỗ trong tỉnh mới có một vài hộ mở, nhận thấy nguồn nguyên liệu ở địa phương khá dồi dào, anh đã mạnh dạn đầu tư mua liền một lúc 2 máy, tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn ở địa phương để làm và tạo việc làm cho hàng chục lao động. Sau khi đi vào hoạt động một thời gian, thấy bóc ván có hiệu quả, anh tiếp tục đầu tư thêm máy bóc thứ 3.

Anh Lâm cho biết: "Mới đầu, tôi cũng do dự chưa biết có nên làm hay không làm nghề này. Tôi có một đồi bồ đề đã đến tuổi khai thác, một hôm, có hai thợ mua gỗ vào hỏi mua nhưng chỉ trả 50 triệu đồng nên tôi không bán. Tôi bảo, các anh trả rẻ quá, nếu tôi mà mở xưởng bóc thì các anh mất hết chỗ mua hàng luôn. Hai ông thợ ấy đố tôi mở được xưởng. Thế là ngay ngày hôm sau, tôi xoay tiền và gọi điện về Hà Nội cho chị gái dưới đó bốc liền một lúc hai chiếc lên lắp đặt và bắt đầu làm nghề bóc ván gỗ. Giờ nghĩ lại, tôi thấy mình hơi liều nhưng đã liều đúng lúc".

Anh Lâm nói vui nhưng đúng là anh đã đầu tư đúng lúc, năm 2007 đến năm 2010, giá ván bóc cao, nguyên liệu đầu vào thấp, sau khi trừ công thuê nhân lực vẫn còn có lãi khá. Nhờ vậy, mấy năm làm xưởng bóc gỗ, anh không chỉ hoàn vốn đầu tư mà còn tiết kiệm được để mua ô tô vận chuyển hàng hóa, có vốn thu mua gỗ của bà con để giao bán lại cho các xưởng bóc khác...

Hiện nay, do nguyên liệu đầu vào cao, ván bóc ra giá thấp nên hiệu quả không còn được như mấy năm trước, anh Lâm đã bán đi một xưởng, chỉ để lại hai xưởng cho con cháu và anh em, họ hàng có việc làm. Ngoài bảo đảm nguyên liệu cho hai xưởng, anh Lâm chủ yếu đi thu mua gỗ của bà con rồi vận chuyển bán lại cho các xưởng lớn là chính. Ngoài ra, gia đình anh còn chăn nuôi nhím, lợn, gà, vịt và cá để cung cấp thực phẩm trong gia đình.

Chăm chỉ lao động và biết tính toán làm ăn, hiện nay, anh Lâm đã có điều kiện xây dựng khuôn viên, làm nhà ở khang trang, sạch đẹp, trị giá hàng tỷ đồng và nuôi các con ăn học đầy đủ. Gia đình anh đã trở thành hộ có kinh tế khá giả nhất, nhì ở địa phương và được nhiều người đến học tập.  

 A Mua