2 HCV lịch sử nghề công nghệ ô-tô

  • Cập nhật: Thứ hai, 17/11/2014 | 1:58:52 PM

Cả 2 thí sinh dự thi tay nghề ASEAN 2014 đều giành HCV, chấm dứt “cơn khát vàng” ở nội dung thi nghề Công nghệ ô-tô suốt 1 thập kỷ.

Cả người dạy và người học luôn cần phải tự nâng cao kiến thức cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế. Trong ảnh: Thầy Vũ Quang Huy đang hướng dẫn về hộp số tự động trong ô-tô cho học viên tại xưởng thực hành của trường CĐ Nghề Công nghiệp Hà Nội.
Cả người dạy và người học luôn cần phải tự nâng cao kiến thức cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế. Trong ảnh: Thầy Vũ Quang Huy đang hướng dẫn về hộp số tự động trong ô-tô cho học viên tại xưởng thực hành của trường CĐ Nghề Công nghiệp Hà Nội.

Định kỳ 2 năm một lần, kỳ thi tay nghề ASEAN được tổ chức vào năm chẵn. Năm 2014, Việt Nam đăng cai kỳ thi lần thứ X tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 19- 29/10, với gần 300 thí sinh đến từ 10 nước thành viên ASEAN tham dự. Đoàn Việt Nam giành vị trí quán quân với 15 HCV, 8 HCB, 7 HCĐ và 11 chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc. Đáng chú ý, tại kỳ thi lần này, nghề công nghệ ô-tô giành 2 HCV sau 10 năm chờ đợi.

Nghề thế yếu của Việt Nam

Trong các kỳ thi tay nghề ASEAN, nghành công nghệ ô-tô gần như năm nào cũng có trong nội dung các môn được chọn để thí sinh 10 nước thành viên tham gia so tài. Tuy vậy, ngành này lại được xem là thế yếu của chúng ta.

Tại các kỳ thi ASEAN trước, công nghệ ô-tô của Đoàn Việt Nam thường có thành tích “khiêm tốn”. Rất ít kỳ thi khu vực chúng ta đạt được HCV ở nội dung này. Lần gần nhất nghành công nghệ ô-tô đạt HCV là tại kỳ thi tay nghề ASEAN V được tổ chức tại Hà Nội năm 2004.

Nhận định về lĩnh vực công nghệ ô-tô nhiều chuyên gia dự đoán các thí sinh Việt Nam thường khó có khả năng đạt huy chương với lý do phương tiện thực hành thiếu, không theo kịp khung đề thi, trình độ ngoại ngữ còn nhiều hạn chế nên không đọc hết được các lệnh giải thích sâu về mọi hoạt động của động cơ.

“Công nghệ ô-tô được đánh giá là một trong những nghề khó nhất, có nhiều chi tiết máy, công nghệ lại liên tục đổi mới, không có đủ điều kiện để học viên có điều kiện tiếp cận với những thiết bị, máy móc hiện đại hay các xe đời mới để được làm quen, thực hành nâng cao tay nghề. Thực tế, ở các cơ sở đào tạo luôn có “độ trễ” về công nghệ, kỹ thuật so với thời buổi”– chuyên gia huấn luyện Lê Viết Thắng – Trưởng Khoa Công nghệ ô-tô Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cho biết.

Sự thiếu thốn về máy móc, thiết bị thực hành ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình học tập và rèn luyện của học sinh tại các cơ sở đào tạo. Hơn thế nữa, các chương trình, chế độ chính sách hỗ trợ cho người dạy và người học nghề còn chưa thật sự hợp lý. Nhiều người có kinh nghiệm và trình độ trong nghề chấp nhận làm thợ luôn tại các doanh nghiệp vì được trả lương cao hơn so với việc tham gia công tác giảng dạy. Giáo trình trong các nhà trường không theo kịp được thực tế.

Sự khó khăn về cơ sở vật chất, việc liên kết đào tạo, huấn luyện cho các học viên học nghề công nghệ ô tô với các doanh nghiệp chưa thực sự chặt chẽ và hiệu quả khiến cho nhiều năm nay nghề công nghệ ô-tô của Việt Nam có phần “đuối sức” hơn các nước trong khu vực.

2 HCV sau một thập kỷ

Ở các kỳ thi tay nghề ASEAN trước, nghề công nghệ ô-tô chưa bao giờ là lợi thế của đoàn Việt Nam. Những hạn chế và khó khăn chung đã làm cho chúng ta nhiều lần mất huy chương trên sân chơi khu vực.

Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội được chọn là cơ sở đào tạo và huấn luyện nghề Công nghệ ô-tô cho các thí sinh dự thi tay nghề ASEAN lần thứ X. Hai em được chọn đi thi nội dung này gồm Nguyễn Đăng Vinh (Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội) và Bùi Văn Định (Trường CĐN Cơ khí nông nghiệp Vĩnh Phúc). Điều đáng nói là cả 2 thí sinh này đều giành được HCV, chấm dứt “cơn khát vàng” ở nội dung thi nghề Công nghệ ô-tô ở một kỳ thi cấp khu vực.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, ông Phạm Đức Vinh cho biết : “Nghề Công nghệ ô-tô không phải thế mạnh của sinh viên Việt Nam.  Nhận nhiệm vụ đào tạo và huấn luyện các em đi thi, mặc dù có rất nhiều khó khăn nhưng chúng tôi quyết tâm chinh phục đỉnh cao nghề nghiệp. Nhà trường chủ động liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp có phân xưởng sửa chữa ô-tô, gửi các học viên và các chuyên gia huấn luyện trực tiếp xuống làm việc, tiếp xúc với các loại ô-tô đời mới, công nghệ hiện đại để nâng cao kỹ năng cũng như tay nghề của các thí sinh tham gia dự thi.”

Để được chọn đi thi tay nghề ASEAN cũng như có thể đạt được thành tích cao, các thí sinh đã phải trải qua 8-9 kỳ sát hạch từ cấp khoa-trường-thành phố. Tại kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ X năm 2014, nghề Công nghệ ô-tô thi 6 nội dung lớn ở 5 dòng xe khác nhau trong vòng 3 ngày. Điều này đòi hỏi các thí sinh phải rất nỗ lực để có thể hoàn thành bài thi.

Nguyễn Đăng Vinh (HCV nghề Công nghệ ô-tô) chia sẻ: “Ở kỳ thi nghề quốc gia 2014 các em được thi 2 nội dung/2 ngày nhưng ở kỳ thi tay nghề ASEAN mỗi thí sinh phải hoàn thành hết 6 nội dung/3 ngày. Khối lượng công việc phải làm gấp đôi nên các em bị áp lực rất nhiều về mặt thời gian. Tuy vậy do trong quá trình luyện thi, các thầy đã chỉ dẫn rất nhiệt tình cùng với việc được làm quen với máy móc, thiết bị kỹ thuật nên em không bỡ ngỡ và quá bất ngờ với đề thi”. Tuy nhiên, theo Vinh, ngoài việc học trong trường, mỗi cá nhân cần phải cố gắng rất nhiều mới có thể tiến bộ và nâng cao tay nghề.

Có thể nói, 2 tấm HCV ở nội dung nghề Công nghệ ô- tô ở một kì thi tay nghề ASEAN cho thấy, nếu chúng ta có sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong công tác đào tạo, cùng với sự chuẩn bị tốt về tâm lý, việc giành thành tích ở các nội dung thi của các thí sinh đoàn Việt Nam là trong khả năng. Tuy vậy, nhìn xa hơn, để có nhiều học viên có trình độ tay nghề tương đương, thậm chí cao hơn đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực trong điều kiện Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, thì 2 HCV tại kỳ thi cấp khu vực vừa qua cũng chỉ mới là một điểm sáng.

(Theo VOV)