Đổi thay nhờ rừng

  • Cập nhật: Thứ ba, 25/11/2014 | 2:28:42 PM

YBĐT - Những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền và bà con nông dân xã Yên Thái, huyện Văn Yên (Yên Bái) luôn lấy trồng rừng kinh tế là hướng thoát nghèo nhanh và hiệu quả. Từ một xã nghèo, hôm nay, đời sống của bà con đã có bước chuyển đáng khích lệ, nhiều gia đình vươn lên làm giàu và xuất hiện nhiều triệu phú rừng...

Mỗi năm, nông dân Yên Thái thu hoạch hơn 100 tấn vỏ quế khô.
Mỗi năm, nông dân Yên Thái thu hoạch hơn 100 tấn vỏ quế khô.

Yên Thái có 678 hộ dân với 2.592 khẩu, 90% người dân có đất trồng rừng. Phần lớn diện tích rừng ở đây là rừng sản xuất với các loại cây chủ yếu như: keo, bồ đề, quế... Sau mỗi mùa khai thác gỗ, lại có thêm nhiều nhà xây mới. Từ trồng rừng, nhiều hộ dân đã mua được tủ lạnh, ti vi, xe máy, đời sống sung túc, đầy đủ hơn.

Đồng chí Nguyễn Quang Vinh - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã cho biết: "Từ năm 2000 trở về trước, xã chỉ có vài chục hộ tham gia trồng rừng, thu nhập người dân phần lớn từ cây ngô, cây lúa. Bà con chưa thấy hết lợi ích nghề rừng mang lại. Để phát huy thế mạnh kinh tế rừng, xã đã giao diện tích đất lâm nghiệp cho các hộ nông dân quản lý và canh tác, khai thác triệt để các chương trình, dự án trồng rừng của tỉnh,  huyện đưa vào triển khai thực hiện ở địa phương, vận động nhân dân phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Sau khi một số hộ tiên phong về trồng rừng cho giá trị kinh tế cao, bà con bắt đầu thay đổi tư duy. Đến nay, phong trào trồng rừng phát triển mạnh mẽ”.

Người dân Yên Thái giờ đây trồng và phát triển vốn rừng rất “có nghề”, khai thác đến đâu, bà con trồng luân canh đến đó, không cho đất trống, đất nghỉ. Bình quân mỗi năm, nhân dân trong xã trồng mới trên 120ha rừng kinh tế chủ yếu là quế, bồ đề, keo lai.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thuấn ở thôn Quẽ Ngoài, trước đây, thuộc hộ nghèo, nay kinh tế đã khá lên từ trồng rừng. Bắt tay vào trồng rừng với không ít khó khăn, không lùi bước, ngày ngày, ông cõng cây, gùi phân, cuốc hố, trồng rừng. Đất chẳng phụ công người, rừng cây đánh bật cỏ dại, lau lách, sim, mua vươn lên xanh tốt. Sau nhiều năm lặn lội với rừng, đến nay, gia đình ông có hàng chục héc ta rừng bồ đề, quế, keo lai.

Ông Thuấn cho biết: "Nhờ trồng rừng, gia đình đã có của ăn của để, nuôi 5 con học đại học”. Không riêng gì ông Thuấn, gia đình các ông Nguyễn Văn Hợp, ông Nguyễn Văn Sáng, ông Đinh Văn Hồng cũng đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu cũng từ trồng rừng. Theo thống kê, trung bình mỗi năm, toàn xã khai thác khoảng gần 10.000m3 gỗ, hơn 100 tấn vỏ quế khô. Nhẩm tính, với giá gỗ hơn 900.000 đồng/m3, mỗi năm, bà con nông dân Yên Thái cũng thu về gần chục tỷ đồng.

Bên cạnh xây dựng vùng nguyên liệu, xã chủ trương trồng rừng gắn với tiêu thụ và chế biến lâm sản để phát triển bền vững. Hiện nay, xã có 6 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, trong đó, 3 cơ sở sản xuất ván bóc, 3 cơ sở sản xuất ván thanh, góp phần tiêu thụ nguyên liệu gỗ rừng trồng cho người dân trong xã. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 25%. Người dân đã quý rừng và thực sự yên tâm sản xuất trên đất rừng.

 Văn Thông