Con đường nối những ước mơ

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/12/2014 | 8:38:53 AM

YBĐT - Đã bao lần đến với các thôn đồng bào Dao ở Tân Hương (Yên Bình), từng nghe những điều ước của đồng bào các thôn Khe Mạ, Khe Móc, Khe May, Khe Gáo, Đồi Hồi về một dòng điện lưới quốc gia, một con đường bê tông hóa để thuận bề cuộc sống sinh hoạt, trao đổi hàng hóa…

Con đường tới trường, về nhà của các em học sinh giờ đây đã thuận tiện hơn rất nhiều.
Con đường tới trường, về nhà của các em học sinh giờ đây đã thuận tiện hơn rất nhiều.

Hôm nay, trở lại nơi này, những điều ước đó đã thành hiện thực, mở ra những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của một vùng đất với trên 90% dân số là đồng bào dân tộc Dao. Tất cả là nhờ nguồn vốn đầu tư từ Chương trình 135 và sự quyết tâm tập trung nguồn lực của Đảng ủy, chính quyền địa phương.

Biểu hiện mới nhất về cơ sở hạ tầng ở vùng đặc biệt khó khăn của xã Tân Hương này chính là trục đường bê tông hóa. Con đường mà theo đồng chí Chủ tịch UBND xã Hoàng Quốc Tịch thì xã đã dồn nguồn vốn 135 trong 3 năm trở lại đây để quyết tâm thực hiện.

Anh bảo: "Nếu như không có nguồn vốn đầu tư của Nhà nước thì không biết bao giờ mới làm được con đường như thế này. Bởi dân nghèo, đường dài, dân số lại thưa thớt. Nếu để làm đường theo cơ chế đóng góp Nhà nước và nhân dân cùng làm như nhiều địa bàn khác thì đồng bào không cáng đáng nổi".

Thực tế đúng vậy, bởi cả 5 thôn này hầu hết là đồng bào Dao sinh sống với tổng số gần 500 hộ dân nhưng ở rải rác và chia làm nhiều nhánh, chỉ chung một trục đường chính là con đường mới bê tông hóa. Ngồi xe máy êm ru trên con đường mới, tôi lại nhớ câu chuyện vui mà các đồng chí cán bộ xã kể trước đây khi vẫn còn con đường đất toàn ổ trâu, ổ gà rằng: "Vợ chồng có, giận nhau đến mấy mà đèo nhau đi trên con đường này cũng vẫn phải ôm chặt không thì rơi lúc nào không biết". Hôm nay thì đã khác, con đường mới hoàn thành, nhiều hộ dân bắt tay làm nhà mới, mở quán bán hàng rồi sang sửa, san gạt mang lại nhiều điểm nhấn cho vùng quê.

Chị Bàn Thị Xuân thôn Khe Mạ được biết là người năng động, buôn bán hoạt bát. Bên nếp nhà sàn truyền thống được làm cách tân theo hướng hiện đại to nhất nhì trong vùng, chị hồ hởi bày tỏ niềm vui khi có con đường bê tông đã mở ra nhiều thuận lợi cho việc làm ăn của gia đình. Chị Xuân kể: "Từ năm 2007, gia đình tôi đã mua chiếc công nông đầu ngang (người dân ở đây vẫn gọi là xe cành cạch) để thu gom nông sản của bà con trong vùng bán cho thương lái rồi vận chuyển hàng hóa, vật liệu khi bà con cần. Nhưng ngày còn con đường đất đi lại khổ lắm, nhất là những ngày mưa, đường lầy lội, nhiều khi xe sa lầy nằm chết giữa đường đành chịu bỏ xe đấy mà về chờ trời nắng ráo. Năm 2012 đường được bê tông hóa, mọi chuyện đã thuận lợi hơn rất nhiều".

Cả 5 thôn đồng bào Dao kinh tế khá lên chủ yếu nhờ đất rừng. Ruộng ít, đồng bào tập trung khai thác thế mạnh trồng rừng, trồng sắn. Mỗi vụ cả xã Tân Hương trồng 200ha sắn với sản lượng trên 4.000 tấn thì ở vùng này đã chiếm một nửa diện tích và sản lượng. Diện tích rừng trồng của xã cũng tập trung ở đây phần lớn.

Anh Lục Văn Khai - Phó chủ tịch HĐND xã cũng là người thôn Khe May cùng đi bảo: "Ở đây nhà nào cũng có rừng. Ít thì 1 - 2ha nhiều thì cả gần chục héc-ta rừng trồng. Cũng nhờ có rừng dân mới có tiền để lo những việc lớn như làm cái nhà, sắm cái xe máy mới, rồi chi phí cho con cái học hành…".

Thế mạnh đất rừng được khai thác, bà con cũng chăm chỉ làm ăn vậy nhưng nhiều khi nhìn khối tài sản đấy rồi mà còn thấp thỏm, âu lo khâu tiêu thụ. Ở đây, trước bán con lợn, con gà hay giá thu mua sắn, chè, gỗ rừng trồng đều thấp hơn vài giá so với thị trường ở những địa bàn chuyên chở thuận lợi. Và câu chuyện về tiêu thụ nông sản lại được kể, rằng hộ nhà chị Xuân hay anh Lợi, chị Thương ở Khe May là những điểm tập kết thu mua sắn cho bà con trong vùng vẫn chưa quên những ngày mưa dầm kéo dài năm 2010 - 2011, sắn chất đống những mấy chục tấn mà đường lầy lội xe không vào bốc được, đành để thối cả đống.

 Số may mắn chưa hỏng thì thuê xe trâu rồi sức người chở ra đường lớn cách xa vài cây số mới đến được xe bốc đi tiêu thụ. Anh Lợi bảo: "Những lần như thế chỉ có nước lỗ, xoay xở đủ cách cũng chỉ mong gỡ phần nào đồng vốn bỏ ra". Giờ thì đã khác, có đường, cứ đủ xe là bốc đi. Không phải trông trời, trông đường mới thu hoạch, mới tiêu thụ như trước nữa.

Bán đã vậy, còn mua nguyên liệu đầu vào bà con lại phải chịu giá cao. Nhìn ngôi nhà sàn đang đổ khung bê tông bên đường, anh Khai bảo: "Trước đây, bà con làm nhà, làm cửa hay có công trình xây dựng như thế này thì khó khăn, nan giải lắm. Vật liệu vận chuyển vào được đến nơi để làm là cả một vấn đề, đồng thời lại chịu chi phí giá cao. Hay đơn giản, có khi đang làm dở công trình thiếu tí xi măng hay cát sỏi, nguyên vật liệu gì mà gặp đường lầy xe không vào được cũng đành gác lại, bỏ dở giữa chừng. Giờ  cần gì, thiếu gì chỉ một cuộc điện thoại là xe chở vào tận nơi…". Những câu chuyện ấy cho tôi hiểu hơn ý nghĩa lớn lao của con đường đối với đồng bào nơi đây. Đúng là mọi sự đã khác thật, tất cả đã trở nên đơn giản hơn, thuận lợi hơn. Đó chính là cơ hội để phát triển.

 

Nhiều ngôi nhà mới được xây dựng khi việc chuyên chở vật liệu không còn nan giải như trước.

Từ Khe May, Khe Moóc trở ra, những đứa trẻ đi học về phóng xe đạp ào ào về thôn, nụ cười tươi rói trên khuôn mặt thơ ngây. Trò chuyện với tôi, em nào cũng hào hứng, phấn khởi khi được tới trường và trở về nhà trên con đường mới sạch sẽ, phẳng lì. Với chúng, kỷ niệm về những ngày mưa đến trường lấm lem bùn đất, có khi chẳng đi nổi xe đạp mà phải đi bộ, sơ sểnh là "vồ ếch" ngay vẫn vẹn nguyên...  Vừa ôn lại chuyện cũ, đôi bạn Đặng Thị Tuyết thôn Khe May và Lý Thị Lệ thôn Khe Mạ cùng là học sinh lớp 6A, Trường THCS Tân Hương vừa cười bẽn lẽn.

Thầy Hoàng Kim Nội - Phó hiệu trưởng Trường THCS Tân Hương thì khẳng định: "Con đường được đầu tư đã mang lại nhiều thuận lợi cho cuộc sống và sinh hoạt của người dân trên địa bàn. Đặc biệt, với các em học sinh trong vùng, đường tới trường đã thuận lợi hơn. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần tăng lên, tình trạng học sinh nghỉ học không lý do mỗi khi trời mưa, đường lầy lội như trước đây giảm hẳn. Từ đầu năm cũng không còn tình trạng học sinh người Dao ở các thôn này bỏ học giữa chừng, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường".

Vẫn chưa quên những ngày đồng bào nơi đây mỏi mòn chờ điện. Rồi năm 2010 dòng điện đã được đầu tư hoàn chỉnh thắp sáng bản làng. Bây giờ là con đường, dù chưa thể trọn vẹn nối dài đến tất cả các thôn trong vùng nhưng đã giải quyết cơ bản trục đường chính tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt, quan trọng hơn cả là khâu tiêu thụ nông, lâm sản, trao đổi hàng hóa hai chiều góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu cho vùng người Dao thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn này của Tân Hương.

Ngọc Tú