Văn Chấn: Đặc sắc không gian văn hóa

  • Cập nhật: Thứ tư, 10/12/2014 | 4:23:31 PM

YBĐT - Văn Chấn nổi tiếng với hoa ban, gạo Mường Lò, xôi ngũ sắc, thổ cẩm… và các điệu xòe Thái uyển chuyển - khởi nguồn của các điệu xòe khác. Mảnh đất Văn Chấn còn là sự thăng hoa của văn hóa dân gian (folklore) với những giá trị vật thể và phi vật thể đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc...

Biểu diễn một tiết mục dân vũ của đồng bào Tày huyện Văn Chấn.
Biểu diễn một tiết mục dân vũ của đồng bào Tày huyện Văn Chấn.

Nếu lấy trung tâm huyện Văn Chấn làm trung tâm, kẻ một trục tung và trục hoành, thì phía đông và nam là thành phố Yên Bái, phía tây là thị xã Nghĩa Lộ và huyện Trạm Tấu, phía bắc là huyện Mù Cang Chải, như bốn phương và trung tâm. Đây là vùng đất đã khám phá được nhiều dấu tích người Việt cổ như những di chỉ người tiền sử: răng, xương, dụng cụ thời đồ đá ở hang Thẩm Thóng, trống đồng và nhiều đồ đồng thời Đông Sơn - thể hiện nền văn minh cao nhất của người Việt cổ…

Mảnh đất Văn Chấn còn là sự thăng hoa của văn hóa dân gian (folklore) với những giá trị vật thể và phi vật thể đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, từ tên các bản mường cổ, cùng những truyền thuyết, tín ngưỡng, đến các lễ hội và tâm linh, văn học nghệ thuật… tạo nên một không gian văn hóa vô cùng đặc sắc.

Những phong tục, tập quán của các dân tộc ở Văn Chấn còn giữ được vẻ nguyên sơ, lôi cuốn giới nghiên cứu trong nước và quốc tế. Có thể khẳng định rằng chỉ có ở xã Nghĩa Sơn là còn giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Khơ Mú. Theo giáo sư, tiến sỹ khoa học Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: “Tiến sĩ dân tộc học P.Prô-chan  người Mỹ đã bỏ nhiều công sức để nghiên cứu văn hóa của người Khơ Mú ở Thái Lan, Lào và cả ở người Khơ Mú di tản sang Ca-li-pho-ni-a.

Nhưng khi đến Nghĩa Sơn - Văn Chấn thì ông nói: "Tôi rất vui mừng vì được tiếp xúc với nhiều yếu tố đậm chất Khơ Mú". Chưa kể, một nhóm các nhà nghiên cứu Nhật Bản lại cứ khăng khăng muốn nghiên cứu lễ “Cấp sắc” của đồng bào Dao vì theo họ, lễ “Cấp sắc” của người Dao có mối liên quan nào đó với một lễ thức Nhật cổ xưa mà nay họ không còn giữ lại được gì ngoài mấy dòng ghi lại trong cuốn sử”. Văn Chấn còn nổi tiếng với đội xòe ở bản Thanh Lương.

Đêm hội xòe, quanh đống lửa, dưới ánh trăng tỏa sáng, các cô gái Thái trong trang phục dân tộc ngày hội, áo cỏm trắng lung linh đôi hàng khuy bạc hình bướm, thắt lưng thổ cẩm xanh lục, váy đen dài thướt tha, huyền hoặc, cầm tay các chàng trai và du khách nồng say trong điệu xòe vòng và tha thướt trong các bài điệu xòe tinh tế. Văn Chấn còn có rừng hồn trâu (đông quái hà), là bãi đá cổ hàng nghìn tảng với nhiều hình thù khác nhau, tương truyền là phần hồn của những con trâu trong lễ cúng ở các đám ma hóa thành và thác nước rơi (nặm tốc tát) nổi tiếng ở xã Thạch Lương. Đây được coi là đường tới thiên đường của người Thái đen Tây Bắc, thu hút những cuộc hành hương về đất tổ của người Thái đen không chỉ trong nước mà còn ở nhiều nước và khu vực lân cận có người Thái đen sinh sống…

Văn Chấn còn là nơi có nhiều dấu ấn cuộc khởi nghĩa của lãnh tụ Nguyễn Quang Bích trong phong trào Cần Vương mà một trong những nơi đóng quân có tính chiến lược là xã Nghĩa Sơn. Sau này trong tham luận: “Vai trò lãnh đạo của vị thủ lĩnh” của Thượng tướng, giáo sư Hoàng Minh Thảo đã nhận xét: “Việc xây dựng căn cứ kháng chiến tại Nghĩa Lộ, Văn Chấn đã chứng tỏ tầm nhìn chiến thuật của Nguyễn Quang Bích”, Văn Chấn còn có khu di tích thành cổ Viềng Công thuộc xã Phúc Sơn của cuộc khởi nghĩa do lãnh tụ nghĩa quân người dân tộc Thái Cầm Hánh lãnh đạo chống giặc Cờ Vàng. Đâu đây trong tiếng đại ngàn, từ trong lòng đất như còn ngân mãi khúc quân hành “Đèo Lũng Lô anh hò chị hát…” của những chiến sỹ Điện Biên năm xưa…

Văn Chấn nổi tiếng với hoa ban, gạo Mường Lò, xôi ngũ sắc, thổ cẩm… và các điệu xòe Thái uyển chuyển, đặc biệt là sáu điệu xòe cổ, được coi là khởi nguồn của các điệu xòe khác. Văn Chấn xưa cũng là nơi ghi lại dấu ấn của một thời đấu tranh cách mạng hào hùng: Khu Di tích lịch sử và văn hóa Căng - Đồn Nghĩa Lộ… Về phía bắc của lòng chảo Mường Lò thơ mộng, có một dòng suối lớn, mùa nước lớn lòng suối rộng tới cả trăm mét, đó là suối Thia, chở đầy huyền thoại về khát vọng sống và tự do hôn nhân của bao đời.

Huyện Văn Chấn không chỉ là nơi có đường giao thương thuận lợi, có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, có phong cảnh nên thơ mà còn là nơi dày đặc những giá trị văn hóa, như các lễ hội: “Xên bản xên mường” (tức cúng bản cúng mường của người Thái, mà bản chất là lễ tri ân những bậc tiền bối có công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, được nhân dân tôn làm Thành Hoàng); lễ hội “Lồng tồng” (tức “Xuống đồng” thể hiện trình độ phát triển cao và tôn vinh văn minh lúa nước); tết Síp sí (14.7 âm lịch theo lịch Thái cổ, tết quan trọng nhất trong năm của người Thái); sinh hoạt Hạn khuống - một hình thức diễn xướng sân khấu sơ khai của dân tộc Thái, nơi trai gái hát đối đáp giao duyên và người già dạy con cháu điều hay, lẽ phải…; lễ hội mùa măng mọc, phong tục gieo và gặt lúa… của người Khơ Mú; lễ hội Nàng Han của người Thái, người Mường (tôn vinh người anh hùng dân tộc như Bà Trưng, Bà Triệu). Văn Chấn cũng là quê hương của hơn mười làn điệu “Khắp” Thái nổi tiếng, đặc biệt là điệu: “Han nê Thẳm Lé” chỉ có ở nơi đây gắn với hội xuân chơi hang Thẳm Lé, cùng nhiều thiên truyện thơ nổi tiếng: “Xống chụ xon xao” (Tiễn dặn người yêu), “Tản chụ xiết xương” (Tâm tình tiếc thương), “Tản chụ xống xương” (Tâm tình trêu ghẹo yêu thương), “Khun Lư náng Ủa” (Chàng Lú nàng Ủa), “Quámk tố mướng” (Chuyện bản mường), “Căm Hánh tặp sớc cớ lương” (Cầm Hánh đánh giặc Cờ Vàng, ghi lại công cuộc kháng chiến anh dũng chống giặc Cờ Vàng của lãnh tụ người Thái - Cầm Hánh, nay dấu tích thành lũy còn ở xã Hạnh Sơn và đã được công nhân là di tích lịch sử văn hóa của tỉnh); “Tiếng hát làm dâu”… của người Mông, “Đẻ đất đẻ nước”… của người Mường… cùng bao điệu dân ca bay bổng trong những âm thanh tuyệt vời của các nhạc cụ dân tộc. Mỗi mảnh đất, mỗi con suối, mỗi ngọn núi, tên đất, tên người nơi đây đều in dấu của lịch sử, văn hóa, chan chứa tình người.

Như một “nàng công chúa” kiều diễm đang ngủ trong rừng ban thơm ngát, chờ bàn tay của hoàng tử đánh thức, vươn mình lộng lẫy giữa non ngàn, mà bàn tay nhiệm mầu của hoàng tử chính là việc tổ chức khai thác những thế mạnh của Văn Chấn mà ít nơi nào có được của các cấp các ngành và sự đầu tư của mọi lực lượng trong và ngoài nước, để Văn Chấn xứng đáng trở thành một điểm đến hấp dẫn về lịch sử, văn hóa và sinh thái.

Trần Vân Hạc