Mù Cang Chải: Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/12/2014 | 9:14:08 AM

YBĐT - Là huyện vùng cao, 90% dân số là đồng bào Mông, trình độ dân trí chưa đồng đều nên để từng bước nâng cao tay nghề cho bà con, trong những năm qua, Mù Cang Chải (Yên Bái) đã thực hiện nghiêm Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nhờ đó, nhiều lao động ở vùng nông thôn đã có việc làm và thu nhập ổn định.

Một lớp tập huấn kỹ thuật trồng ngô được mở tại xã Cao Phạ (Mù Cang Chải) giúp nông dân biết cách thâm canh trên đất dốc.
Một lớp tập huấn kỹ thuật trồng ngô được mở tại xã Cao Phạ (Mù Cang Chải) giúp nông dân biết cách thâm canh trên đất dốc.

Năm 2011, anh Giàng A Khu ở bản Khao Mang, xã Khao Mang đăng kí tham gia một lớp học sửa chữa xe máy do Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức. Sau 3 tháng học tập, trở về địa phương, anh đã quyết tâm đầu tư mở hiệu sửa chữa xe máy. Ban đầu, gặp không ít khó khăn nhưng với sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, anh Khu đã vượt qua và tạo dựng được uy tín. Ngoài sửa chữa xe máy, anh còn chăn nuôi hơn chục con lợn, chục con dê và gieo cấy thêm lúa ruộng. Hiện nay, mỗi năm, gia đình anh có thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng.

Anh chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn nhưng sau khi tham gia lớp đào tạo nghề sửa chữa xe máy, công việc của tôi đã ổn định, thu nhập cũng khá. Tôi mong muốn trong thời gian tới sẽ được vay vốn để mua thêm trang thiết bị phục vụ công việc và mở rộng xưởng phục vụ bà con tốt hơn”.

Trong những năm qua, Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện Mù Cang Chải đã chú trọng mở các lớp đào tạo nghề như: kỹ thuật nuôi ong, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, bảo vệ thực vật, trồng nấm rơm và một số nghề sửa chữa điện dân dụng, sửa chữa xe máy…

Để tạo thuận lợi cho học viên nâng cao kiến thức trong lao động, sản xuất, Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với các xã tổ chức mở lớp dạy nghề ngay tại địa phương. Hầu hết các lớp học đều được tổ chức vào thời điểm nông nhàn nên số học viên tham gia luôn bảo đảm số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, học viên đều là người dân tộc thiểu số, tiếng nói, chữ viết và nhận thức còn hạn chế nên giáo viên phải dạy theo phương pháp “cầm tay chỉ việc” và tăng thời gian thực hành. Khi đăng ký học, các học viên đều có chung mục đích là sau khi được đào tạo sẽ tìm được việc làm và có thu nhập ổn định.

Anh Giàng A Dìa - học viên lớp sửa chữa xe máy tâm sự: "Sau khi học nghề xong, tôi muốn mở 1 hiệu sửa chữa xe máy tại bản mình để vừa giúp bà con trong bản vừa có thu nhập cho bản thân, gia đình. Tôi mong Nhà nước có những chính sách hỗ trợ thêm để chúng tôi có vốn hành nghề được lâu dài…”.

Sau 4 năm thực hiện công tác đào tạo nghề, tìm việc làm cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956, đến nay, Mù Cang Chải đã mở được 93 lớp học nghề cho trên 2.200 lượt học viên. Trên 70% học viên sau học nghề tìm được việc làm và biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào lao động sản xuất, góp phần  giảm tỉ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 66% năm 2013. Hiện nay, Trung tâm đang mở thêm 8 lớp dạy nghề cho 225 lao động, gồm các ngành nghề: kỹ thuật trồng nấm, chăn nuôi thú y, rèn đúc truyền thống, sửa chữa xe máy, kỹ thuật xây dựng và sửa chữa điện dân dụng.

Ông Vũ Xuân Hải - Phó giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện cho biết: “Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thời gian tới, Trung tâm sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động học viên đến học nghề tại Trung tâm. Đồng thời mở thêm những lớp nghề phù hợp với điều kiện của từng vùng để nâng cao hiệu quả đào tạo; phối hợp mở lớp dạy nghề ngay tại thôn, bản để người lao động đi học dễ dàng”.

Vàng Mai