Đình Yên Phú - Nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/12/2014 | 2:26:51 PM

YBĐT - Hàng năm, đình Yên Phú có 3 tiết lễ quan trọng, đó là: lễ mừng xuân mới (lễ chính) được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng, lễ xá tội vong nhân và lễ mừng lúa mới được tổ chức vào ngày rằm tháng 7 và ngày 10 tháng 10 (Âm lịch). Hội đình Yên Phú mang tính cộng đồng sâu sắc.

Đình Yên Phú đón nhận bằng Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Đình Yên Phú đón nhận bằng Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Đình làng ngoài thờ Thành Hoàng làng - người có công khai lập làng, còn là một biểu tượng của tính cộng đồng, mang ý nghĩa trung tâm văn hóa của làng. Cùng mang những ý nghĩa to lớn đó, đình Yên Phú thuộc xã Yên Phú (huyện Văn Yên) đang là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần cho nhân dân trong vùng, góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Đình Yên Phú có khoảng thế kỷ XIX, do người Tày xây dựng. Đình thờ Thành Hoàng làng - một người Tày họ Hoàng đã có công đưa dân đến lập bản, lập mường tại Yên Phú cách đây khoảng 400 năm. Theo truyền thuyết kể lại, khoảng 400 năm trước, một người Tày họ Hoàng đã dẫn đầu hàng trăm người đến đây khai phá lập bản, lập mường. Sau nhiều năm sinh sống, khai hoang đất làm ruộng trồng lúa nước, biết dựa vào thiên nhiên núi rừng, cuộc sống của người dân ngày càng no ấm, mảnh đất Yên Phú ngày càng đông vui trù phú. Sau này, để tỏ lòng tri ân công đức, nhân dân trong vùng đã suy tôn Thành Hoàng làng và xây đình thờ phụng ông.

Đình Yên Phú là thiết chế văn hóa - tín ngưỡng, là nơi thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" tỏ lòng thành kính, tri ân của nhân dân trong làng đối với các vị thần thánh và người có công khai phá đất đai, lập bản, mường. Do tác động của chiến tranh và sự tác động của thiên nhiên, đình bị phá hủy, hư hỏng nặng nhưng vẫn được nhân dân trong xã trân trọng, lưu giữ và khôi phục. Đình Yên Phú không chỉ là nơi hội họp của dân làng mà còn là nơi bảo tồn, lưu giữ những phong tục tập quán và sinh hoạt văn hóa cộng đồng, kế thừa nét văn hóa truyền thống.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đình Yên Phú là nơi tập trung, tuyên truyền, tổ chức các cuộc mít tinh vận động nhân dân theo Đảng, theo Bác Hồ đứng lên chống Pháp cứu nước. Năm 1962, do đế quốc Mỹ bắn phá ác liệt, đình  bị hư hỏng nặng. Với tinh thần "Tất cả cho tuyền tuyến, tất cả để chiến thắng", đình Yên Phú lúc này được giữ nguyên hiện trạng, không tu sửa hay xây dựng lại để tập trung nhân lực, vật lực cho tiền tuyến. Năm 2002, đình được nhân dân trong xã xây dựng lại với kiến trúc nhà gỗ 4 gian, 2 trái, mái lợp cọ, cách đình cũ khoảng 500m. Năm 2006, đình Yên Phú dịch chuyển đến thôn 9, xã Yên Phú. Từ đó đến nay, đình không thay đổi địa điểm.

Trải qua nhiều lần dịch chuyển và bị chiến tranh phá hủy nhưng giá trị về văn hóa, tâm linh của đình Yên Phú đã đi sâu vào tiềm thức của người dân và góp phần hình thành nhân cách, tâm hồn, lối sống của đồng bào nơi đây. Bên cạnh hoạt động sinh hoạt văn hóa tinh thần, đình Yên Phú còn là nơi giáo dục các thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, chống giặc của dân tộc ta.

Hàng năm, đình Yên Phú có 3 tiết lễ quan trọng, đó là: lễ mừng xuân mới (lễ chính) được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng, lễ xá tội vong nhân và lễ mừng lúa mới được tổ chức vào ngày rằm tháng 7 và ngày 10 tháng 10 (Âm lịch). Hội đình Yên Phú mang tính cộng đồng sâu sắc. Đó là đỉnh cao của sự hoà hợp, đoàn kết vì một ước nguyện chung cho sự phồn vinh của làng xã, no ấm sung túc trong mỗi gia đình. Cùng với đó, những sắc màu văn hóa của các dân tộc được hòa quyện, gìn giữ như mạch nước ngầm xuyên thời gian. Dù ngôi đình chưa được trùng tu, tôn tạo song hàng năm vẫn đón hàng nghìn lượt du khách thập phương và nhân dân địa phương đến dâng lễ và cầu lộc, cầu tài. Vinh dự cho nhân dân địa phương, năm 2013, đình Yên Phú được công nhận di tích cấp tỉnh. Đó là tiền đề để nhân dân xã Yên Phú gìn giữ và phát huy những giá trị tinh thần trong đời sống.

Đình Yên Phú có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng người Tày Yên Phú nói riêng và nhân dân các dân tộc huyện Lục Yên nói chung. Thông qua việc thờ cúng Thành Hoàng và các vị thần giáo dục các thế hệ mai sau về đạo lý "uống nước nhớ nguồn", về truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Minh Tư