Phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/12/2014 | 10:02:42 AM

YBĐT - Thời điểm cuối năm, thời tiết lạnh cộng với tình hình vận chuyển và giết mổ gia súc, gia cầm tăng cao là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm dễ dàng bùng phát. Do đó, các ngành chức năng và người chăn nuôi cần tăng cường công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi, đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y.

Bà con nông dân cần “mặc áo” cho trâu bò vào những ngày gió rét khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 12 độ C.
Bà con nông dân cần “mặc áo” cho trâu bò vào những ngày gió rét khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 12 độ C.

Từ đầu năm tới nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tương đối ổn định. Các bệnh thông thường như: tụ huyết trùng trâu, bò, tụ huyết trùng lợn, dịch tả lợn… đã xuất hiện nhưng với số lượng nhỏ, được điều trị kịp thời. Dịch cúm gia cầm, dịch tai xanh ở lợn không xuất hiện. Tuy nhiên, dịch lở mồm long móng (LMLM) xảy ra 2 đợt từ ngày 21/4 đến ngày 9/5 và từ ngày 16/6 đến ngày 29/6, tại 3 xã của 2 huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu đã khiến 83 con gia súc mắc bệnh. Nhờ triển khai các biện pháp đồng bộ, dịch LMLM đã được khống chế kịp thời và không lây lan trên diện rộng.

Kết quả này, chính là nhờ sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cùng với nhận thức của người dân ngày được nâng cao. Đặc biệt, thời gian qua, ngành thú y đã tích cực chủ động phòng, chống dịch bệnh, làm tốt công tác tiêu độc khử trùng và tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Trong năm, Chi cục Thú y tỉnh đã triển khai kế hoạch tiêm phòng tại tất cả các địa phương trong tỉnh. Năm 2014, toàn tỉnh đã tiêm 724.604 liều vắc xin các loại, trong đó, 76.943 liều tụ huyết trùng trâu bò, 82.399 liều tụ huyết trùng lợn, 93.988 liều dịch tả lợn, 80.403 liều LMLM.

Tuy nhiên, theo cảnh báo của Cục Thú y thời tiết thay đổi, nhiệt độ môi trường thấp, tạo điều kiện cho nhiều loại mầm bệnh tồn tại và phát triển. Bên cạnh đó, các hoạt động chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm tăng trong những tháng cuối năm dễ lây lan dịch bệnh. Vì vậy, công tác phòng, chống càng trở nên cấp thiết và đòi hỏi phải có sự kiểm tra chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ.

Để ngăn ngừa dịch bệnh, bảo vệ tốt đàn gia súc, gia cầm, Chi cục Thú y tỉnh đã yêu cầu lực lượng thú y viên cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Cán bộ khuyến nông hướng dẫn các biện pháp chống rét cho gia súc, gia cầm đến các hộ dân; vận động nhân dân xây dựng, gia cố, nâng cấp và che chắn chuồng trại bảo đảm vệ sinh, tránh mưa, gió lùa. Đặc biệt, thời điểm trước và sau tết Nguyên đán, các ngành chức năng cần thường xuyên tổ chức các đợt phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, nơi tập trung buôn bán gia súc, gia cầm để tiêu diệt mầm bệnh tồn tại trong môi trường; tăng cường kiểm dịch trong quá trình vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm.

Bên cạnh đó, người chăn nuôi khi tái đàn chú ý lựa chọn con giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, vật nuôi phải cách ly, kiểm tra sức khỏe và tiêm phòng đầy đủ trước khi nhập đàn. Để tránh rét cho gia súc, bà con cần đưa gia súc thả rông trong rừng về chuồng trại để tiện theo dõi và chăm sóc; chủ động thu gom rơm, cỏ, thân cây ngô và nguồn thức ăn tinh như: cám gạo, ngô, khoai và cho uống nước muối ấm trong những ngày giá rét; che chắn gió, đốt lửa sưởi ấm, bảo đảm vệ sinh chuồng trại, dùng chăn, áo, bao tải gai để làm “áo” chống rét cho đàn gia súc, đặc biệt, đối với bê, nghé khi rét đậm, rét hại kéo dài; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, xử lý tốt chất thải chăn nuôi; thường xuyên theo dõi sức khỏe cho gia súc, gia cầm, nếu phát hiện vật nuôi sốt, bỏ ăn phải cách ly và báo ngay cho thú y viên cơ sở để có biện pháp can thiệp phù hợp, tránh dịch bệnh lây ra diện rộng. Những giải pháp trên sẽ góp phần hạn chế dịch bệnh và giảm thiểu rủi ro cho người chăn nuôi trên địa bàn.

Văn Thông